Cây bắp ở Phú Yên: Từ vai trò cây xóa đói thành cây thoát nghèo

Thứ năm - 26/10/2023 22:13
Cây bắp (ngô) có vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng của tỉnh Phú Yên, là cây lương thực đứng thứ 2 sau cây lúa. Trong suốt nhiều năm qua, cây bắp trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã hoàn thành sứ mệnh từ một loại cây lương thực giúp người dân xóa đói, cho tới hiện nay đang trở thành loại cây giúp bà con thoát nghèo.
Trong cuộc cạnh tranh với rất nhiều loại cây trồng như cây lâm nghiệp, dược liệu, cây ăn quả hoặc các loại cây rau, màu khác, quỹ đất trồng bắp trên địa bàn tỉnh đang dần bị thu hẹp. Sứ mệnh trồng bắp làm lương thực hầu như đã khép lại với trên 95% diện tích trồng bắp sử dụng các giống lai năng suất cao làm hàng hóa hoặc thức ăn chăn nuôi

bap
 

Chăn nuôi bò thúc đẩy tăng thu nhập cho các hộ nông dân tỉnh Phú Yên. Tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 170.000 con, tỷ lệ bò lai khoảng 70%. Theo Quyết định số 124/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh Phú Yên về Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 thì định hướng phát triển đến năm 2025 đàn bò trên toàn tỉnh đạt trên 240.000 con (Trong đó đàn bò sữa khoảng 5.000 con, duy trì tỷ lệ bò lai ổn định trong tổng đàn là 75%).

Phát triển chăn nuôi bò ở Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng hiện nay đang gặp khó khăn lớn nhất là thiếu hụt thức ăn thô xanh và việc giải quyết thức ăn quanh năm. Nhu cầu thức ăn thô hàng ngày cho bò ước tính bằng 2-2,5% (tính theo vật chất khô-DM) khối lượng cơ thể bò và với đàn bò hiện tại, khối lượng thức ăn cần 35-42 triệu tấn DM/năm. Thực tế, nguồn thức ăn thô cung cấp cho bò dựa vào trồng cỏ có năng suất cao như các giống cỏ voi, cỏ sả, cỏ voi lai, VA06, voi Đài Loan, TD58…, cỏ tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp như rơm lúa, thân lá cây bắp, dây lá đậu phộng, ngọn lá mía…Tuy nhiên, khối lượng thức ăn thô hiện nay chưa đáp ứng đủ với tốc độ phát triển của đàn bò, ngoài ra sự thiếu hụt thức ăn xanh và dự trữ vào các tháng có thời tiết khắc nghiệt trong mùa khô và mùa mưa dầm làm cho việc cung cấp thức ăn thô bị gián đoạn. Vì vậy, việc phát triển cây thức ăn mới có năng suất, chất lượng cao và các biện pháp chế biến dự trữ để giải quyết thức ăn quanh năm là một hướng đi tất yếu trong chăn nuôi.

Đối với sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Phú Yên, dù quỹ đất cho cây bắp đang dần thu hẹp nhưng diện tích sản xuất bắp hàng năm vẫn đạt cao do người dân tăng vụ. Giá trị kinh tế từ việc trồng bắp lấy hạt làm hàng hóa giờ không còn đủ sức cạnh tranh với các nhóm cây trồng khác nên cây bắp đang đứng trước cuộc chuyển mình với vai trò mới, và việc trồng bắp để lấy sinh khối làm thức ăn cho gia súc đang dần trở thành xu hướng mới. Cùng với định hướng phát triển số lượng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh thì việc phát triển vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò ngày càng được chú trọng. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ bắp sinh khối cũng ngày càng lớn và ngày càng được coi trọng. Để đảm bảo cho sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi, việc hình thành các vùng nguyên liệu làm thức ăn xanh là điều cần thiết, trong đó bắp sinh khối được xác định là cây trồng quan trọng đảm bảo cho mục tiêu phát triển của ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới.

Năm 2018, Tập đoàn TH bắt đầu đầu tư vào Phú Yên để phát triển Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao. Với mục tiêu phát triển đàn bò sữa 5.000 con thì tập đoàn TH đang tích cực triển khai liên kết với người nông dân địa phương xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn cho bò sữa trên diện tích hơn 100 ha, trong đó mục tiêu xây dựng khoảng 400 ha vùng sản xuất nguyên liệu bắp sinh khối trên toàn tỉnh để cung cấp thức ăn xanh cho chăn nuôi bò sữa.

Để từng bước hình thành và phát triển vùng sản xuất bắp sinh khối nguyên liệu, mở rộng diện tích trồng bắp sinh khối trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trong hai năm 2022 và 2023, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã phối với với Viện Nghiên cứu Ngô thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho gia súc” tại huyện Đồng Xuân và Tây Hòa. Qua 02 năm thực hiện, Dự án đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho bà con nông dân: tham gia thực hiện Dự án bà con nông dân không những được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV mà còn được tham gia các lớp tập huấn là nơi để bà con trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ thuật trong sản xuất bắp sinh khối, có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ 100% trong suốt thời gian thực hiện Dự án. Kết quả, Dự án cho năng suất bình quân  đạt từ 53 đến 57  tấn/ha nguyên liệu thức ăn xanh. Hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với sản xuất ngô lấy hạt đại trà ngoài mô hình. Bà con tham gia mô hình  thu lợi nhuận từ 36-40 triệu đồng/ha.

bap 2
Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Ngô cùng Trung tâm Khuyến nông Phú Yên kiểm tra tra mô hình sản xuất bắp sinh khối năm 2023 ở huyện Đồng Xuân

Trồng bắp sinh khối hiện nay tại Phú Yên được coi là hướng đi mang tính lâu dài và bền vững khi mà nguồn đầu ra luôn ổn định với việc thu mua của Công ty TNHH trang trại bò sữa Công nghệ cao Phú Yên thuộc Tập đoàn TH cùng một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh. Ngoài mục đích làm thức ăn xanh tiêu thụ cho thị trường trong tỉnh thì có doanh nghiệp còn thực hiện các công nghệ lên men ủ chua bắp sinh khối để xuất khẩu ra thị trường các nước như Nhật Bản … hoặc xuất bán cho một số tỉnh ở Tây Nguyên giúp việc tiêu thụ đầu ra của bắp sinh khối càng được đảm bảo. Với những kết quả khả quan mà cây bắp sinh khối mang lại, trong năm 2024, 2025 bằng nguồn ngân sách tỉnh, Trung tâm Khuyến nông dự kiến tiếp tục triển khai nhân rộng việc thực hiện mô hình sản xuất bắp sinh khối tại các địa phương trên địa bàn tỉnh với quy mô 80 ha.

Việc thay thế từ trồng bắp lấy hạt sang trồng bắp lấy sinh khối sẽ giúp ngành trồng trọt và chăn nuôi ngày càng đi lên, giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập. 

Tác giả bài viết: Trần Thị Thanh Hằng - TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây