Đưa sản phẩm OCOP Phú Yên vươn xa

Thứ hai - 20/11/2023 22:07
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chủ trương lớn, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. OCOP còn giúp cải thiện và nâng cao đời sống người dân khi sản phẩm đặc trưng của địa phương được nâng tầm.
Một trong những thành công quan trọng của OCOP là đã tạo được sinh kế cho người dân ở nhiều vùng, miền, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, nhưng vẫn bảo tồn, phát huy được văn hóa bản địa.  Mỗi sản phẩm OCOP đều được gắn với đặc thù của các vùng miền khác nhau, như ở huyện Sông Hinh thế mạnh là các loại cây ăn quả có múi, mỗi loại cây ăn quả như cam, bưởi, quýt, sầu riêng,... có thể phát triển được rất nhiều sản phẩm OCOP gắn với đặc trưng của địa phương; huyện Phú Hòa có sản phẩm đặc trưng là khóm Đồng Din nên đã phát triển nhiều sản phẩm OCOP liên quan như bánh, rượu, nước ép, nước rửa chén, nước lau sàn;...

ocop

Tỉnh Phú Yên, đến  nay (19/11/2023) có tổng số 193 sản phẩm OCOP đạt từ 03 sao trở lên của 76 chủ thể (gồm 09 sản phẩm đạt 4 sao, 184 sản phẩm đạt 3 sao; trong đó có 15 HTXNN với 28 sản phẩm, chiếm 19,7%; 14 doanh nghiệp chiếm 18,4% và 47 hộ kinh doanh chiếm 61,9%. Trong 193 sản phẩm OCOP của Phú Yên, nhiều loại sản phẩm từ làng nghề truyền thống, đặc sản nổi tiếng ở các địa phương, có thương hiệu, chất lượng rất tốt, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước như: Các sản phẩm Bò một nắng ở Sông Hinh, Sơn Hòa; gà ủ muối Hùng Miên; bánh khóm, rượu khóm Đồng Din; cà phê Huy Tùng, cà phê  Hương Hương; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; sản phẩm từ làng nghề nước mắm (Tân Lập, Bà mười, Ngân Mỹ Á,…); cá ngừ đại dương của Công ty TNHH Hải sản Bình Minh; tiêu Sơn Thành; bột hạt sen Đông Hòa,Tây Hòa; Sầu riêng, Cam bưởi;…Đặc biệt, để tiếp tục nâng tầm cho các sản phẩm OCOP, nhiều tổ chức, HTX, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, mang lại chất lượng, mẫu mã đẹp cho sản phẩm.

ocop1


Hằng năm, tỉnh đều tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, từ đó tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, có kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh trên phạm vi cả nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Cơ quan thường trực Chương trình OCOP tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về chương trình OCOP cho gần 400 lượt tham dự là các bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp tỉnh, huyện, xã và chủ thể sản phẩm, các chuyên đề như: Công tác quản lý chất lượng sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm OCOP; đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; ứng dụng CNTT trong quản lý sản phẩm, tổ chức sản xuất; hướng dẫn cơ sở sản xuất đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn đạt sản phẩm OCOP… Qua đó, giúp cán bộ quản lý hiểu rõ hơn về Chương trình OCOP; các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm OCOP đáp ứng với nhu cầu thị trường, định hướng thị trường đích để xuất khẩu và kết quả hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn. Đến nay, 100% sản phẩm OCOP tỉnh Phú Yên đã được hỗ trợ miễn phí đưa lên trang thương mại điện tử https://phuyentrade.gov.vn, tạo điều kiện quảng bá các sản phẩm OCOP và phát triển thị trường tiêu thụ.

ocop2


Ngoài ra, để mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác tốt lợi thế của các địa phương, tỉnh Phú Yên đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Từ đó giúp các chủ thể OCOP không chỉ quảng bá sản phẩm hiệu quả, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, mà còn giúp tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần đưa các sản phẩm OCOP của Phú Yên ngày càng vươn cao, vươn xa, phát triển bền vững hơn.

Để sản phẩm OCOP vươn xa hơn thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng chuyển giao, ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Đồng thời tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối. Đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông; tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… góp phần nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.
 

Tác giả bài viết: Ngô Thị Bích Diễm - TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây