Nâng cao sức đề kháng vật nuôi thủy sản trong mùa mưa

Thứ ba - 05/10/2021 21:42
Thời tiết là một trong những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nuôi thủy sản từ hệ thống nuôi quảng canh cho đến thâm canh. Phú Yên đang bước vào mùa mưa, các yếu tố môi trường nuôi dễ bị biến động, sức khỏe vật nuôi thủy sản càng yếu hơn dẫn đến dễ bị mắc bệnh. Để giúp vật nuôi thủy sản giảm nguy cơ mắc bệnh thì việc nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi là một trong những giải pháp quan trọng. Bài viết này tổng hợp một số biện pháp nâng cao sức khỏe cho vật nuôi thủy sản trong mùa mưa, cụ thể như sau:
Cải tạo ao/vệ sinh lồng nuôi: Thực hiện cải tạo ao thật tốt trước khi thả nuôi. Nên vét bùn ao nuôi, diệt khuẩn thật kỹ nhằm tiêu diệt mầm bệnh của vụ nuôi trước. Kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nằm trong ngưỡng cho phép trước khi thả nuôi. Đối với hình thức nuôi lồng nên có thời gian vệ sinh, phơi nắng hoặc dùng vôi khử trùng lồng nuôi trước khi nuôi vụ tiếp theo.
Chọn giống và thả giống: Đây là khâu quan trọng, con giống được chọn cần đồng đều về kích cỡ, không dị tật, xây sát, không mắc một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Nên chọn mua ở các cơ sở uy tín, con giống cần được kiểm dịch theo đúng quy định. Nên thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh thả giống vào những ngày nắng nóng hoặc trời mưa để giảm nguy cơ con giống bị sốc. Việc thả giống cần tuân thủ lịch thời vụ do cơ quan quản lý thủy sản địa phương ban hành.
Thả giống chình
Cho ăn theo phương pháp “4 định”:
- Định chất lượng thức ăn: Thức ăn dùng cho vật nuôi thủy sản ăn phải đảm bảo không bị nấm mốc, ôi thối, không có mầm bệnh, độc tố và thành phần dinh dưỡng phải thích hợp với yêu cầu phát triển cơ thể vật nuôi theo từng giai đoạn.
- Định số lượng thức ăn: Dựa vào trọng lượng vật nuôi thủy sản để tính lượng thức ăn, thường sau khi cho ăn từ 3 - 4 giờ vật nuôi ăn hết là lượng vừa phải. Thức ăn thừa nên vớt bỏ đi để tránh hiện tượng thức ăn phân huỷ làm ô nhiễm môi trường sống.
Cho lươn ăn theo phương pháp “4 định”
- Định vị trí để cho ăn: Muốn cho vật nuôi thủy sản ăn một nơi cố định cần tập cho chúng có thói quen đến ăn tập trung tại một điểm nhất định. Cho vật nuôi ăn theo vị trí vừa tránh lãng phí thức ăn laị quan sát các hoạt động bắt mồi và trạng thái sinh lý sinh thái của cơ thể chúng.
- Định thời gian cho ăn: Thông thường, hàng ngày cho vật nuôi thủy sản ăn 2 lần. Tuy nhiên tùy vào đối tượng nuôi hoặc giai đoạn phát triển của vật nuôi mà có thể cân nhắc cho ăn từ một đến nhiều lần trong ngày. Sự cho ăn vào giờ cố định sẽ giúp người nuôi chủ động được thời gian chăm sóc quản lý.
Sử dụng hợp lý các loại thức ăn bổ sung:
- Lợi khuẩn (probiotics): Bổ sung lợi khuẩn làm tăng sự phát triển của các vi sinh vật có lợi trong hệ thống tiêu hóa, làm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, làm giảm số lượng của chúng và làm giảm nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi. Ngoài ra các vi sinh vật có lợi tiết ra enzyme tiêu hóa dinh dưỡng còn lại trong thực phẩm sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng thực phẩm của vật nuôi. Các lợi khuẩn thường được dùng trong thủy sản như Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus casei, Bacillus sp, Bifidobacterium bifidum, Lactococcus lactis,…
Các loại lợi khuẩn (probiotics)
- Vitamin C (A-xít Ascorbic):  Trong nghiên cứu về thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, vitamin C đã được nghiên cứu và đánh giá là cần thiết cho tôm cá. Cá và giáp xác không có khả năng tự tổng hợp vitamin C do thiếu enzyme Gluconolactone oxidase, chính vì thế vitamin C được hấp thu chủ yếu từ thức ăn. Việc bổ sung vitamin C cho vật nuôi thủy sản giúp cải thiện tỷ lệ sống, tăng trưởng, tăng cường hệ miễm dịch và giảm stress nhất là khi thời tiết chuyển mùa, bước vào mùa mưa. Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng vì tùy vào giai đoạn phát triển và tùy loài nuôi mà nhu cầu vitamin C cũng khác nhau, cần tham khảo ý kiến cán bộ thủy sản hoặc hướng dẫn nhà sản xuất trước khi sử dụng để đảm bảo hiệu quả.
Theo dõi, chăm sóc: Cần theo dõi sức khỏe vật nuôi cũng như các yếu tố môi trường nước hàng ngày, nhất là những ngày có mưa để kịp thời phát hiện những bất thường và xử lý ngay. Để tạo môi trường sống sạch sẽ cần dọn sạch cỏ tạp, tiêu trừ địch hại và vật chủ trung gian, vớt bỏ xác sinh vật và vật nuôi chết, các thức ăn thừa thải, tiêu độc nơi vật nuôi đến ăn đề hạn chế sinh vật gây bệnh sinh sản và lây truyền bệnh.
Kiểm tra chất lượng nước ao nuôi hàng ngày
Nuôi xen canh các loài vật nuôi thuỷ sản: Ao nuôi sẽ tích luỹ nhiều chất thải và mầm bệnh do trong quá trình nuôi ao nuôi đã tích luỹ nhiều thức ăn dư thừa. Các chất thải và mầm bệnh này sẽ ảnh hưởng và gây bệnh cho các chu kỳ nuôi tiếp theo của đối tượng nuôi đó. Do vậy cần tiến hành nuôi xen canh trên một ao nuôi để khắc phục nhược điểm này. Có thể xen canh một vụ tôm một vụ cua hoặc một vụ tôm một vụ cá hoặc sau một vụ tôm, nuôi cá rô phi hay trồng rong câu,….
Thao tác đánh bắt, vận chuyển nên nhẹ nhàng, tránh xây xát cho vật nuôi: Trong nước luôn luôn tồn tại các sinh vật gây bệnh cho vật nuôi vì vậy trong quá trình nuôi, thao tác đánh bắt vận chuyển để san thưa, phân đàn phải thật nhẹ nhàng nếu để vật nuôi bị thương là điều kiện thuận lợi cho sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.

Tác giả bài viết: Võ Thị Thu Hiền - Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây