Trung tâm Khuyến nông Phú Yên

https://khuyennongpy.org.vn


Sức lan tỏa của mô hình chăn nuôi dê thâm canh bằng đệm lót sinh học

Có thể nói mô hình chăn nuôi dê thâm canh bằng đệm lót sinh học của hộ bà Nguyễn Thị Minh Vẫn ở thôn Phú Ân, xã An Phú, TP. Tuy Hòa là mô hình có sức lan tỏa mạnh mẽ đến bà con nông dân trong vùng, chỉ tính riêng tại thôn Phú Ân hiện nay đã có 10 hộ dân phát triển và nhân rộng đàn dê theo mô hình của gia đình bà Vẫn.
Bà Nguyễn Thị Minh Vẫn cho biết gia đình bà nuôi dê từ năm 2018, mới đầu nuôi chỉ 25 con, tận dụng đất đồi, cây cỏ xung quanh, nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên, cứ sáng thả cho đàn dê đi ăn, tối về lại cho vào chuồng. Chuồng được dựng bằng những thanh cây, che tạm bợ trên nền đất. Vợ chồng bà Vẫn nhớ lại: Nghĩ lại cảnh chăn nuôi trước đây, thấy quá khổ, quá vất vả mà lại không hiệu quả mấy so với bây giờ, đặc biệt là việc dọn vệ sinh chuồng trại, mất rất nhiều thời gian, công sức, chuồng trại lúc nào cũng bay mùi, dơ bẩn, làm cho đàn dê nhà bà thường xuyên bị bệnh,…

image001 2
Quy mô chuồng nuôi dê của hộ Bà Nguyễn Thị Minh Vẫn

Ông Hòa, chồng bà Vẫn hồ hởi chia sẻ: “Tui thấy mô hình đệm lót sinh học của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn vô cùng hiệu quả, nhờ tham gia mô hình, thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của Trung tâm mà gia đình tôi chăn nuôi ngày càng hiệu quả, đỡ được biết bao nhiêu công lao động và chi phí, đặc biệt là số dê bị nhiễm bệnh giảm đi rất nhiều”. Bà Vẫn tiếp lời: Từ ngày làm đệm lót sinh học, công việc chăn nuôi dê của vợ chồng bà khỏe lắm vì chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, không bay mùi, tỉ lệ dê bị nhiễm bệnh cũng giảm rất nhiều, bà không phải dọn vệ sinh hàng ngày như trước kia khi chưa làm đệm lót. Nhờ vậy mà gia đình bà giảm được nhiều chi phí, giảm công lao động, dê ít bị bệnh, năng suất nuôi đạt cao.

Tháng 8/2019, gia đình bà Vẫn được Trung tâm Khuyến nông chọn tham gia  thực hiện mô hình chăn nuôi dê thâm canh thuộc dự án:  “Xây dựng vùng chăn nuôi dê thâm canh ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Yên”. Trong quá trình triển khai mô hình, gia đình bà được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn thêm về cách làm đệm lót sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường; hướng dẫn cách sử dụng lớp đệm lót sau 1 thời gian nuôi đem đi ủ, tạo thành phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng, làm cho đất tơi xốp hơn, không bị bạc màu và hạn chế sử dụng phân bón hóa học.

image002
Sàn được lót bằng những thanh gỗ trơn, bền, chắc, thoáng, giúp đàn dê phát triển tốt

Nhận thấy mô hình đệm lót sinh học có nhiều lợi ích đối với việc chăn nuôi dê, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp chuồng trại và phát triển thêm đàn dê của mình. Qua những lần tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông, được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, vợ chồng bà tiến hành xây dựng lại chuồng trại, ngăn ô, nâng cao nền chuồng và sử dụng trấu, mùn cưa, vỏ lạc, thân cây bắp nghiền,… chế phẩm sinh học Balasa-N01 để làm đệm lót. Nhờ vậy mà dù không phải quét dọn mỗi ngày như trước kia nhưng chuồng nuôi dê luôn được thoáng mát, sạch sẽ, không còn bay mùi dơ bẩn, số lượng dê bị nhiễm bệnh giảm đi rõ rệt.

Vợ chồng bà Vẫn nhận định: Việc tham gia nghiêm túc các lớp tập huấn kỹ thuật, “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, đã giúp thay đổi cách suy nghĩ, tập quán canh tác của bà con nông dân lâu nay. Đến nay, gia đình bà Vẫn đã nâng tổng đàn dê từ 25 con lên đến 70 con dê thịt - đấy là chưa tính đến số lượng hàng chục con dê con mà gia đình bà bán mỗi năm. Để giúp dê phát triển tốt, vợ chồng bà Vẫn còn trang bị hệ thống âm thanh để mở nhạc cho dê nghe khi ăn, khi ngủ, giúp dê giảm “stress”, kích thích dê ăn, ngủ tốt, nhanh phát triển. Nhờ chủ yếu cho dê ăn thức ăn tự nhiên, ít cho ăn thức ăn công nghiệp, nuôi bằng đệm lót sinh học nên chi phí không nhiều; dê nuôi bán chăn thả nên thịt dê ngon, săn chắc, giống tốt nên nhiều nơi đã tìm đến mua dê giống, dê thịt, dê con,… nhờ vậy gia đình bà luôn có nguồn thu mua ổn định, bán được quanh năm.

Bà Vẫn cho biết thêm, tuy thời gian qua tình hình dịch COVID đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh mua bán của xã hội nói chung, nhưng nhờ có được nguồn thu mua ổn định nên số lượng dê xuất bán của gia đình bà vẫn được đều đặn. Với giá bán dê từ 120 – 140 ngàn đồng cho 1kg thịt hơi, có thời điểm giá lên đến gần 200 ngàn/1kg; dê giống có giá cao hơn dê thịt từ 10 – 20 ngàn đồng/kg nên bình quân lợi nhuận thu được từ chăn nuôi dê của gia đình bà đạt từ 100 đến 150 triệu đồng/năm.

image003
Máng ăn được làm bằng nhựa, đặt bên ngoài, giúp chuồng luôn được sạch

Ông Nguyễn Bá Thọ, cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình triển khai tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tây An Phú, xã An Phú, TP. Tuy Hòa, cho biết: Thấy được hiệu quả cao từ việc chăn  nuôi dê thâm canh bằng đệm lót sinh học của gia đình bà Vẫn, bà con nông dân trong thôn và cả các vùng lân cận như một số hộ ở xã An Thọ, huyện Tuy An đã tìm đến tham quan, học tập và áp dụng cho gia đình mình. Tính đến thời điểm hiện nay, riêng thôn Phú Ân của xã An Phú đã có 10 hộ chăn nuôi dê bằng đệm lót sinh học; trong đó có những hộ có số lượng dê nhiều nhất là 90 con như hộ của ông Phạm Ngọc Vũ, hộ ông Nguyễn Trường Niên 80 con, hộ ông Nguyễn Văn Hòa 75 con, hộ thấp nhất cũng 30 con,...

Tác giả bài viết: Trần Thị Hoàng Oanh - Trung tâm Khuyến nông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây