Trung tâm Khuyến nông Phú Yên

https://khuyennongpy.org.vn


Bình Định: Kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19

Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các địa phương, ban ngành triển khai thực hiện các giải pháp kết nối nhằm tăng cường tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cho nông dân trên địa bàn.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục duy trì và mở rộng các thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản như: Hàn Quốc, Đông Âu, Trung Đông… Đồng thời, phát huy lợi thế vùng nguyên liệu nhằm đẩy mạnh chế biến xuất khẩu và kết nối cung cầu hàng hóa trong nước với thị trường nước ngoài.

Sở Công Thương chủ động kết nối với các trung tâm thương mại, nhà phân phối, cơ sở sản xuất, chế biến nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản. Đồng thời, phối hợp với các ban ngành liên quan tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiêu thụ nông sản lưu thông kịp thời. Về lâu dài, Sở Công Thương tăng cường quản lý, dự báo, thông tin về thị trường nông sản để hạn chế tình trạng được mùa mất giá, đề xuất các giải pháp mở rộng thị trường.

Các địa phương trong tỉnh cũng hướng dẫn nông dân sản xuất các mặt hàng nông sản phù hợp với thị trường, ưu tiên mặt hàng có thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng; sản xuất theo quy trình đảm bảo phòng chống dịch bệnh để đủ điều kiện lưu thông phân phối; cung cấp các thông tin về sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn như: chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... để kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đối với các sản phẩm như hành tím, ớt hiện đang bị rớt giá, các địa phương hướng dẫn nông dân thu hoạch xong rồi phơi khô, bảo quản. Ngành chức năng tỉnh thực hiện quy hoạch và chỉ đạo sản xuất các loại cây trồng trên cơ sở nhu cầu thị trường; hạn chế mở rộng diện tích các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ không ổn định.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên cả nước, nhiều mặt hàng nông sản của nông dân Bình Định có giá bán giảm, không tiêu thụ được, chủ yếu là dưa hấu, ớt, hành tím.

Đối với dưa hấu, giá bán đầu vụ từ 5.000-7.000 đồng/kg nhưng đến cuối vụ đã giảm còn từ 2.000-3.500 đồng/kg và thị trường tiêu thụ dưa hấu hiện nay chủ yếu trong tỉnh.

Đối với ớt chỉ địa có giá bán hiện nay từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, ớt chỉ thiên có giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg nhưng thương lái không thu mua hoặc thu mua với số lượng ít. Diện tích ớt thu hoạch hiện còn 40% tổng diện tích trồng nhưng nông dân không thu hoạch do giá bán thấp.

Đối với hành tím, giá bán hiện nay từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với đầu vụ nhưng giảm nhiều so với giá bán mọi năm. Toàn bộ diện tích hành tím của tỉnh đã thu hoạch xong nhưng vì giá bán thấp nên nhiều nông dân để lại phơi khô bảo quản.

Về lĩnh vực thủy sản, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều sản phẩm như: cá ngừ đại dương, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm đều gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ; trong đó, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, giảm từ 10-20% so với giá trung bình các năm. Tôm hùm loại I (1 con/kg) có giá 1,8 triệu đồng/kg, giảm từ 15-20% so với giá trung bình hằng năm.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, các sản phẩm từ lợn, bò, gà bị hạn chế lưu thông ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các thị trường truyền thống của nông dân Bình Định như: Đà Nẵng, Huế, Tp. Hồ Chí Minh. Điều này dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm sút, sản phẩm bị tồn đọng.

Đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chế biến xuất khẩu, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường chính như: Italy, Anh, Hàn Quốc. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng, phát triển thị trường mới.

Ngoài các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân trong tỉnh, UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các địa phương và ngành chức năng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong việc tiêu thụ nông sản ở những vùng đang có dịch, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế./.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây