Trung tâm Khuyến nông Phú Yên

https://khuyennongpy.org.vn


Giải pháp nâng cao hiệu quả chăn nuôi trâu bò trong mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng trâu bò thường ăn ít, sức đề kháng giảm. Các loại dịch bệnh thường xảy ra như: tụ huyết trùng, lở mòm long móng, viêm da nổi cục… dễ phát sinh, lây lan nhanh gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Để giảm thiểu tác động do nắng nóng gây hại trên trâu, bò, người chăn nuôi cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật sau:
​​​​​​1. Chuồng trại
Chuồng trại trâu bò nên làm đơn giản, có thể bằng mái ngói, tấm lợp fibro xi măng, tranh,… để chống nóng trực tiếp. Nếu có điều kiện nên làm mái chuồng theo kiểu 2 mái để tăng cường độ thoáng của chuồng nuôi, đồng thời lắp hệ thống phun nước làm mát mái. Có thể trồng thêm một số loại dây leo phủ mái như Sắn dây, mướp…để làm mát.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý trong những ngày nắng nóng thường có mưa đột xuất, nhất là về đêm. Lúc này cần nhanh chóng che chắn để đảm bảo cho trâu bò không bị nhiễm lạnh đột ngột.

picture1


Thường xuyên khơi thông cống rãnh, không để phân và chất thải ứ đọng sẽ phát sinh mầm bệnh. Nên sử dụng các chế phẩm khử mùi nhằm hạn chế mùi hôi trong chuồng nuôi.

Xung quanh chuồng nên lắp mùng chống mòng, ruồi, muỗi…

2. Chăm sóc, nuôi dưỡng: 

Tăng cường thức ăn thô xanh; bổ sung thêm vitamin C, chất điện giải.

Đảm bảo cho trâu bò ăn đủ thức ăn thô xanh từ 10 – 35 kg/con/ngày bổ sung thức ăn tinh  (1-3 kg/con/ngày). Nên cho trâu bò ăn nhiều lần trong ngày.

Cung cấp đủ nước uống mát, sạch cho trâu bò uống tự nhiên.

Chế độ tắm chải cho trâu bò 1 – 2 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể.

Thời gian chăn thả gia súc: buổi sáng sớm trước 9h00; buổi chiều chăn thả muộn từ 15h00 – 18h00. Không chăn thả gia súc ngoài trời nắng gắt trong thời gian dài, nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao, nắng gắt nên nhốt trâu, bò và cho ăn tại chuồng, hoặc buộc ở những nơi có bóng mát.

3. Phòng bệnh

Mùa nắng nóng cần giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, thu gom phân đưa vào hố chứa phân, rắc vôi bột trên bề mặt có thể lắp quạt thông gió. Định kỳ mỗi tuần sát trùng, tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi từ 1 – 2 lần để tiêu diệt mầm bệnh bằng các loại thuốc sát trùng như Han -Iodine, Benkocid, vimekon, vôi bột,…

Thường xuyên theo dõi trạng thái, sức khỏe trâu bò. Khi phát hiện thấy trâu, bò có biểu hiện không bình thường như mất thăng bằng, đi lảo đảo, cần áp dụng ngay các biện pháp làm mát để hạn chế rủi ro. Cần tách riêng trâu, bò ra nơi có bóng mát, tạo sự thông thoáng nơi nhốt, dùng ngay hệ thống quạt làm mát nhưng không nên cho thổi trực tiếp vào trâu, bò, tránh cho trâu, bò bị sốc, choáng. Có thể dùng đá lạnh chườm mát vùng đầu, vùng mặt; đồng thời cho trâu, bò uống nước điện giải khi ổn định mới cho trâu, bò nhập đàn.

4. Triệu chứng:

Trâu, bò bị cảm nắng, cảm nóng thường dễ nhận thấy là con vật mất thăng bằng, đi lảo đảo. kiểm tra nhiệt độ tăng cao (40-410C). Tần số hô hấp và tim mạch tăng, đồng tử mắt lúc đầu dãn rộng sau đó thu hẹp. Giai đoạn cuối, con vật khó thở, niêm mạc tím bầm, co giật, mất phản xạ và chết.

5. Điều trị:
Trường hợp đang chăn thả hoặc vận chuyển, cần sớm phát hiện và đưa ngay trâu, bò vào nơi râm mát, dãn mật độ hoặc thả khỏi xe để con vật dễ thải nhiệt.

Dùng quạt gió từ phía trước, tốc độ vừa phải để con vật hạ nhiệt từ từ, tránh gây sốc, choáng. Dùng khăn mát lau cho con vật, lau từ phần mặt, đầu đến toàn thân, khoảng 1 - 2 giờ sau có thể tắm cho con vật. Chú ý không dùng nước lạnh dội ngay vào vùng đầu, mặt của con vật dễ gây sốc, choáng.

- Đối với trâu, bò bị cảm nóng trong chuồng nuôi, cần tăng thông thoáng chuồng nuôi, dãn mật độ.

- Cho uống nước mát có hòa điện giải, vitamin C, orsol.

- Sử dụng thuốc trợ tim và trợ hô hấp như: Caffein, Camphorate.
- Cho uống hoặc tiêm thuốc hạ sốt như Analgine +C, Paracetamol+C: liều 20mg/kg thể trọng.

- Có thể truyền tĩnh mạch dung dịch Glucoza, nước muối sinh lý, các thuốc trợ sức, trợ lực…

- Tiêm vitamin C 10%: liều 5-10 ml/con, ngày 2 lần

Chú ý: chủ động tiêm phòng cho trâu, bò đầy đủ các loại vắc-xin như: tụ huyết trùng, lở mòm long móng, viêm da nổi cục. Theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
                                       

Tác giả bài viết: Huỳnh Văn Viên - TTKN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây