Trung tâm Khuyến nông Phú Yên

https://khuyennongpy.org.vn


Làm thế nào để thay đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu ? 

Làm thế nào để thay đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu ?

Làm thế nào để thay đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với BĐKH? 

(Câu hỏi của ông Trần Văn Tài, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, Phú Yên)
Biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho tần suất hạn và lũ lụt sẽ tăng lên, sẽ tác động ngày một mạnh hơn, trái đất nóng lên, nước biển dâng gây nguy cơ ngập và xâm nhập mặn… cỏ dại, sâu bệnh phát triển theo chiều hướng cực đoan và làm mất tính đa dạng sinh học ... ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông nghiệp.

Qua thực tiễn, sản xuất nông nghiệp ưu tiên  theo hướng “sống chung với lũ”, việc giảm nhẹ và thích nghi với BĐKH được triển khai ở nhiều tỉnh thành trong cả nước bao gồm cả Phú Yên. Trong đó, các giải pháp sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH được chú trọng hơn.

Ngành nông nghiệp Phú Yên đã tham mưu ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án nhằm hướng phát triển nền nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, ứng phó với BÐKH như: Nghị quyết 169/2015/NQ-HĐND  về chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, Nghị quyết 170/2015/NQ-HĐND về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển lúa giống, giai đoạn 2016-2020, Đề án giao rừng, cho thuê rừng tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 544/QĐ-UBND ngày 11/4/2019, Đề án trồng rừng gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng...

Việc thay đổi cơ cấu cây trồng cũng phải phù hợp với những định hướng đã được các cấp có thẩm quyền ban hành, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hôi của tỉnh và điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ những tại địa phương. Chú trọng đến việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, sản xuất liên kết theo chuỗi, sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để đầu ra sản phẩm ổn định, đảm bảo sản xuất có hiệu quả.

Một số định hướng sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với BĐKH đã và đang thực hiện có hiệu quả như:

1. Thực hiện các dự án về bảo vệ, phát triển bền vững rừng, tránh việc  khai thác rừng để sản xuất trồng trọt:
- Phát triển trồng rừng nguyên liệu,  bảo vệ  và khai thác hợp lý.
- Trồng rừng theo hướng kinh doanh gỗ lớn, trồng rừng xen kẽ các loại cây bản địa, lâm sản ngoài gỗ...
- Triển khai liên doanh, liên kết bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của rừng. Bảo vệ và phát triển rừng hợp lý trên lâm phần đã được cho thuê, được giao bảo vệ...
 
Mô hình trồng phú bạt
 2. Ứng dụng TBKT vào sản xuất nhằm thích ứng với BĐKH:

- Tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng (3G3T), hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), làm đất tối thiểu, che phủ bằng thảm thực vật…: các mô hình sử dụng hợp lý phân thuốc hóa học (theo hướng GAP):  Mô hình trồng thâm canh cây ăn quả theo hướng GAP, trồng lúa, rau theo hướng GAP...

 - Ứng dụng  đồng bộ cơ giới hoá với các biện pháp kỹ thuật khác: cày sâu, cày không lật đất (cày ngầm)... để hạn chế bốc hơi nước và xói mòn đất

- Ứng dụng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tưới cho cây trồng cạn bằng biện pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cho sắn, mía, cây ăn quả...tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, xử lý phụ phẩm nông nghiệp theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính...

- Lựa chọn sử dụng các giống mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu để nâng cao giá trị: Các giống cây trồng cạn,  có khả năng thích ứng cao, sử dụng ít nước hơn so với cây lúa: Bắp (NK7328, VN 8960...), mía, đậu phộng (TB25, LDH01, L14...), , mè, lúa cạn, siêu cao lương, cỏ...; một số giống cây ăn quả: chuối (sáp, laba, tiêu hồng, già Nam mỹ...), bơ (034,  Booth7...) cam (V2, ..., mít (mít thái siêu sớm...), ổi... và các giống cây bản địa ...
Mô hình trồng cây đậu phộng
3. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Từ lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày, dài ngày để tiết kiệm nước tưới: bắp, bắp sinh khối, đậu xanh, đậu nành, rau màu, dược liệu, dừa, cây ăn quả khác.... Một số vùng ngập úng có thể chuyển từ lúa sang các cây trồng chịu ngập úng khác như: Sen, rau chịu úng, canh tác lúa vịt, lúa cá, lúa tôm...

4. Thông tin một số dự án đã và đang triển khai:

- Dự án phát triển vùng nguyên liệu theo mô hình sản xuất chanh dây sạch có giá trị cao (20-30ha/huyện): Tại Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Đồng Xuân của Công ty CP Nafoods Group đang triển khai tìm vùng nguyên liệu.

- Dự án trồng cây siêu cao lương trên đất lúa 1 vụ (quy mô 100 ha) tại xã An Hòa, Tuy An của Công ty CP Lagri Farmtech , đang triển khai gieo trồng.

- Dự án liên kết phát triển sản xuất cây ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi và chế biến xuất khẩu (quy mô dự kiến 200 ha): Tại Tây Hòa của Công ty CP thương mại NHHK.

Ngoài ra còn một số dự án đang phối hợp triển khai khảo sát vùng nguyên liệu như: Dự án sản xuất Chuỗi bạc hà giống Nhật của Công ty CP tập đoàn AFDEX Việt Nam, Dự án trồng Mắc ca trên địa bàn tỉnh của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, dự án trồng chuối xuất khẩu của Công ty Phước An...
 Ks. Nguyễn Thị Mơ – Sở NN và PTNT Phú Yên

Tác giả: Trung tâm Khuyến nông Phú Yên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây