Trung tâm Khuyến nông Phú Yên

https://khuyennongpy.org.vn


Một số lưu ý khi tái đàn chăn nuôi heo

Tính đến thời điểm hiện tại, tại tỉnh Phú Yên nói chung và huyện Sông Hinh nói riêng, bệnh dịch tả heo Châu Phi có thể nói khá ổn nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã. Các trang trại chăn nuôi và các hộ dân tại địa phương đã bắt đầu tái đàn, tăng thêm nguồn cung cấp thực phẩm chất lượng cho nhu cầu của thị trường người tiêu dùng và thu nhập cho người lao động.

Tính đến thời điểm hiện tại, tại tỉnh Phú Yên nói chung và huyện Sông Hinh nói riêng, bệnh dịch tả heo Châu Phi có thể nói khá ổn nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã. Các trang trại chăn nuôi và các hộ dân tại địa phương đã bắt đầu tái đàn, tăng thêm nguồn cung cấp thực phẩm chất lượng cho nhu cầu của thị trường người tiêu dùng và thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, việc tái đàn chăn nuôi heo trong thời điểm này vẫn cần hết sức lưu ý về việc kiểm soát dịch bệnh và những nguy cơ khác có thể xảy ra.  Bởi dịch tả lợn Châu Phi là bệnh dịch nguy hiểm với nhiều chủng virus có độc lực cao, tồn tại lâu trong môi trường, có nhiều nguồn phát  tán và đặc biệt là chưa có thuốc điều trị cũng như vaccin phòng bệnh, do đó, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh rất cao.

Để làm được như vậy thì người chăn nuôi cần luôn luôn cảnh giác và lưu ý thực hiện tốt những biện pháp sau để đảm bảo an toàn dịch bệnh, hiệu quả đầu tư và chăn nuôi bền vững.
ảnh internet
1. Đối với chuồng, trại, dụng cụ chăn nuôi: Cần thu gom và xử lý chất thải sạch sẽ, tiến hành tiêu độc khử trùng toàn bộ khu chuồng nuôi, nhà kho, trại, dụng cụ chăn nuôi và xung quanh khu vực chuồng nuôi bằng các hóa chất khử trùng như vôi bột, benkocid, virkon...Thực hiện để trống chuồng ít nhất 2 tuần trước khi thả nuôi lứa mới; phát quang bụi rậm xung quang khu chuồng, trại để loại bỏ các tác nhân truyền bệnh trung gian có thể làm lây lan mầm bệnh cho vật nuôi.

Xung quanh khu vực chuồng nuôi cần được rào kín, cổng ra vào cần có khóa và cần có hố sát trùng bố trí ngay vị trí cửa. Người ra vào chăm sóc vật nuôi cần được khử trùng kỹ, có mang quần áo và giày bảo hộ sử dụng riêng cho chuồng nuôi.

2. Đối với con giống: Người chăn nuôi cần lưu ý chọn mua con giống tốt, sạch bệnh ở các cơ sở có uy tín, tốt nhất không nên mua con giống ở những nơi vừa xảy ra dịch bệnh. Con giống cần được tiêm phòng đúng thời điểm và đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh truyền nhiễm theo quy định của thú y. Thực hiện cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi tình trạng sức khỏe của con giống trước khi gia nhập đàn. Cần ghi chép lại đầy đủ thông tin về đàn heo vào sổ tay chăn nuôi: Ngày tháng nhập giống, địa chỉ mua, lịch tiêm phòng.

3. Về thức ăn và nước uống: Cần kiểm soát tốt thức ăn và nước uống sử dụng trong chăn nuôi heo, đảm bảo nguồn thức ăn và nước uống không bị nhiễm độc tố, mầm bệnh. Thức ăn cho heo khi nhập về cần được cất giữ ở kho riêng hoặc khu riêng biệt với các dãy chuồng nuôi. Không sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp cho heo ăn khi chưa được nấu chín, và các dụng cụ chứa thức ăn thừa cần được vệ sinh, sát trùng sạch sẽ trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi.
4. Về xử lý chất thải sau chăn nuôi: Các trang trại và các hộ gia đình chăn nuôi heo cần thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống biogas, bể khí sinh học hoặc đệm lót sinh học để đảm bảo không ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí hoặc phát tán mầm bệnh ra bên ngoài và hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu trực tiếp đến sức khỏe người chăn nuôi và kể cả vật nuôi. Khi có vật nuôi chết, cần thực hiện tiêu hủy xác chết bằng phương pháp đốt cháy hoàn toàn hoặc chôn rải vôi bột, khử trùng theo đúng quy định thú y. Tuyệt đối không xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh sẽ gây ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh.
ảnh internet
5. Đối với các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi heo vừa có dịch xảy ra, thì việc khử trùng tiêu độc dụng cụ chăn nuôi, chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng nuôi cần phải thực hiện 2 lần trong vòng 30 ngày trước khi thả đàn mới. Trong thời gian này, người chăn nuôi nên đóng kín cửa chuồng, người và các phương tiện vận chuyển không được ra vào khu vực vệ sinh sát trùng. Và người chăn nuôi nên tái đàn từng bước, có thể thả dần từ 10% so với tổng số dự kiến thả, sau đó tăng dần lên nếu cảm thấy an toàn dịch bệnh để tránh rủi ro lớn.

Đây là những lưu ý quan trọng mà người chăn nuôi heo cần quan tâm và thực hiện một cách nghiêm túc để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vật nuôi và hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là đối với những trang trại, những hộ chăn nuôi đã có heo bị dịch tả Châu Phi./.
                                                            Tổng hợp và biên soạn:   Lưu Thị Bích Ngọc - Trạm khuyến nông huyện Sông Hinh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây