Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giống vịt biển

Thứ ba - 14/06/2022 03:58
1. Chọn giống
- Chọn mua con giống có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở cung ứng uy tín, có nguồn gốc, đúng giống thương phẩm từ những đàn bố mẹ;
- Không mua những vịt con: bị hở rốn, có dị tật ở mỏ và chân, lông khô, xơ xác, chân, màng chân và mỏ khô.
- Chỉ mua vịt con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông khô xốp và óng ánh, màng chân sáng bóng.
2. Chuồng trại
  Chuồng nuôi vịt có thể làm đơn giản bằng gỗ, tre lợp lá, bạt hay làm kiên cố bằng xây gạch lợp ngói, tôn fibro xi măng. Chuồng làm kiên cố hay đơn giản đều phải đảm bảo cao ráo, thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa, chống được chuột và thú hoang. Nền chuồng lát gạch hoặc láng xi măng dốc ra đường thoát nước để tiện cho việc vệ sinh, tẩy uế khi cần thiết. Yêu cầu về diện tích chuồng nuôi cho vịt như sau:
Độ tuổi Yêu cầu diện tích chuồng nuôi
1 - 10 ngày tuổi 25 -35 con/m2
11 - 30 ngày tuổi 15 -20 con/m2
Từ 30 ngày tuổi trở lên 5 - 6 con/m2
  Trên nền chuồng nuôi cần rải một lớp độn dày tối thiểu 10cm, Chất độn có thể là phôi bào, mùn cưa hoặc trấu khô (đảm bảo không mốc), rơm rạ, … đảm bảo khô, sạch.
Vịt nuôi nhốt phải có sân chơi, có bể bơi. Ngoài sân chơi phải có cây bóng mát để vịt tránh nắng. Khu vực chuồng, sân chơi, bể bơi phải được rào hoạc quây lưới để vịt không ra ngoài. Diện tích sân chơi yêu cầu gấp 2 - 3 lần diện tích chuồng nuôi.
  Vịt nuôi chăn thả thì không cần sân chơi, bể bơi vì chúng đã được đi chăn, bơi lội ở bên ngoài.
3. Thức ăn, nước uống cho vịt
3.1. Thức ăn
Phải đảm bảo thức ăn luôn mới, thơm, không bị mốc mọt. Thức ăn phải cân đối về thành phần giá trị dinh dưỡng để đáp ứng đủ nhu cầu sinh trưởng và phát triển của vịt trong từng giai đoạn.
Vịt nuôi thịt cho ăn tự do, cho ăn theo bữa, hết thức ăn mới cho ăn tiếp để thức ăn thường xuyên mới có mùi thơm sẽ kích thích vịt ăn được nhiều. Lượng thức ăn hỗn hợp nuôi vịt ở các giai đoạn như sau:
Độ tuổi Lượng thức ăn (kg/con)
1 - 21 ngày tuổi 1,5
Từ 21 ngày đến xuất bán 7,0
Tổng cộng 8,5 kg/con
Ngoài thức ăn hỗn hợp công nghiệp, có thể thể sử dụng các loại thức ăn có sẵn ở địa phương như gạo lức nấu cơm; thóc sống hoặc nấu chín, ngô bung cho trộn với bột cá, đỗ tương, Premik VTM, khoáng, tôm tép, cá, giun, cua, ốc...  để nuôi. Thức ăn nuôi vịt phải dảm bảo chất lượng thức ăn tốt, không bị nhiễm mốc, nhiễm bẩn.
3.2. Nước uống và phương pháp cho uống
Vịt là loại thủy cầm cần rất nhiều nước uống. Nước uống cho vịt phải đảm bảo nước sạch, mát và thường xuyên cho vịt uống cả ngày lẫn đêm. Ở tuần tuổi thứ nhất không cho vịt uống nước quá lạnh.
Trong 7 ngày đầu dùng máng uống 2 lít (100 con/máng) loại cho vịt. Không được dùng máng uống tự động của gà cho vịt uống vì rảnh nước uống của gà nhỏ, bình chụp hơi phình ra, vịt uống nước hay rơi ra ngoài, hơn nữa do rảnh nước bé, đầu vịt bị cọ vào chụp làm mất lông ở đầu làm cho vịt bị stress, dẫn đến vịt chậm lớn và xấu.
Khi vịt đã lớn được hai tuần tuổi, dùng máng uống dài và chụp ngăn không cho vịt vào tắm trong máng làm bẩn nước và bẩn chuống. Không để máng uống quá xa máng ăn. Máng uống nên để xa nơi vịt con nằm nhằm giữ cho nền được khô ráo, vịt con không bị lạnh. 
Máng uống cần phải rửa thường xuyên (3-4 lần/ngày), nếu không nước uống sẽ bẩn, vịt uóng dễ bị mắc bệnh đường ruột. Do khi vịt ăn thức ăn thường bám ở mỏ, khi uống, thức ăn vào máng uống gây ôi chua. 
Vịt sau 5 tuần tuổi trở đi có thể cho uống bằng máng xây ngoài sân chơi, hoặc máng nhựa hình chữ nhật. Xây máng uống chú ý dễ cọ rửa, vệ sinh, vịt uống được nhưng không tắm được.
4. Tắm cho vịt
3 ngày tuổi đầu không nên tắm cho vịt. Từ ngày thứ 4 tập cho chúng tắm trong bể hoặc ao nhỏ. Thời gian tắm tăng dần, ngày đầu 5-10 phút, để đến ngày thứ 10 thì tắm tự do; tập tắm cho chúng khi trời nắng ấm.
5. Chăm sóc nuôi dưỡng
5.1. Chuẩn bị trước khi nhập vịt

- Chuẩn bị chuồng úm và đầy đủ vật tư, dụng cụ chăn nuôi (máng ăn, máng uống, thức ăn, thuốc thú y ...).
- Vệ sinh và sát trùng chuồng úm, máng ăn, máng uống 5 - 7 ngày trước khi nhập vịt.
- Trước ngày nhập vịt, rải chất độn lên nền chuồng. Với vịt con chất độn phải có kích thước nhỏ (rơm rạ phải băm ngắn).
   - Trước khi nhận vịt về 30 - 60 phút cho hệ thống sưởi hoạt động và điều chỉnh ở nhiệt độ 34-350C.
5.2. Nuôi úm vịt (1-14 ngày tuổi)
a. Yêu cầu về nhiệt độ và ánh sáng
Trong thời gian úm, nhiệt độ và ánh sáng cần phải đảm bảo yêu cầu để đàn vịt sinh trưởng phát triển tốt.
Tuổi vịt Thời gian chiếu sáng trong ngày (giờ) Nhiệt độ chuồng nuôi
(0C)
Sinh hoạt của vịt
1- 4
ngày tuổi
24 32-35 Nhốt trong chuồng
5 -10
ngày tuổi
Bật đèn khi vịt ở trong chuồng 32-28 Cho ra sân chơi, tập bơi 5-10 phút, sau tăng dần
11-14
ngày tuổi
Ánh sáng tự nhiên Nhiệt độ tự nhiên Tập bơi, tập đi chăn thả (vịt nuôi thả)
Người chăn nuôi cần theo dõi để biết tình hình, sức khỏe đàn vịt:
- Nhiệt độ phù hợp vịt ăn uống bình thường, nằm đều khắp chuồng; quá nóng vịt tản xa nguồn nhiệt, há mỏ, thở mạnh, uống nhiều; quá lạnh vịt tập trung gần nguồn nhiệt, dồn đống, kêu nhiều.

- Vịt bị bết dính là do chuồng bị ẩm, chế dộ ăn uống chưa hợp lý. Những con ốm, yếu cần tách ra khỏi đàn để chăm sóc riêng. Nếu đàn vịt có nhiều con biếng ăn, phân loãng, … thì cần phải can thiệp kịp thời.
b. Cho vịt ăn
Vịt mới nở mua về thường cho nhịn đói, sau 4 giờ mới cho ăn. Nếu vịt chưa khô lông có thể cho nhịn lâu hơn, bởi vì sau khi nở trong bụng vịt con còn chứa một khối lượng lòng đỏ có tác dụng tiếp tục cung cấp chất dinh dưỡng. Nếu cho vịt ăn ngay thì khối lượng lòng đỏ không tiêu được dễ làm cho vịt chết trong tuần đầu.
Vịt con từ 1 - 21 ngày tuổi dùng thức ăn hỗn hợp công nghiệp dạng viên (loại dùng cho vịt con) cho ăn 5-6 lần/ngày (bữa ăn cuối vào 10 giờ đêm) để kích thích cho vịt ăn được nhiều, cho vịt ăn tự do bằng cách cho vào máng ăn, mỗi lần một ít để thức ăn luôn mới, vịt ăn nhiều chóng lớn.
Ngày tuổi Lượng thức ăn
(gam/con/ngày)
Ngày tuổi Lượng thức ăn
(gam/con/ngày)
1 10 8 48
2 15 9 55
3 20 10 62
4 25 11 68
5 30 12 74
6 36 13 80
7 42 14 87
5.3. Nuôi vịt từ tuần thứ 3 đến khi bán thịt
a.Vịt nuôi nhốt
- Cho vịt ăn đúng giờ, mỗi ngày cho ăn 4 lần. Thời gian này vịt rất phàm ăn, vì vậy không nên cho chúng ăn quá nhiều một lúc.
- Hàng ngày, để cho vịt tự do ra sân chơi và bể bơi để vịt vận động và bơi lội. Nếu khu vực sân chơi không có bóng mát thì buổi trưa nên lùa vịt vào chuồng để vịt nghĩ ngơi.
- Luôn cung cấp đủ nước sạch tại chuồng cho vịt, khi thấy máng uống bị bẩn phải rửa sạch và thay nước mới. 
b. Vịt nuôi chăn thả
-  Từ tuần thứ 3 bắt đầu thả vịt ra các cửa sông, cửa biển, ngày đầu thả vịt ra khoảng 1-2 giờ và tăng dần vào những ngày tiếp theo.
- Hàng ngày kiểm tra diều (sau bữa ăn cuối cùng) và qua thể trạng vịt để điều chỉnh khẩu phần ăn cho phù hợp.
Một số lưu ý:
- Về ban đêm, nếu thấy vịt ngủ yên là vịt no và khỏe mạnh. Khi thời tiết thay đổi hoặc vịt bị đói thì chúng thường kêu và cả đàn xôn xao.
- Buổi trưa khi nghỉ vịt thường nằm lim dim mắt. Nếu thấy vịt ủ rũ, chậm chạp hoặc kêu nhiều là vịt bị mệt, khát nước hay bị quá nóng .
- Cần tránh xua đuổi và bắt vịt nhiều làm chúng đè lên nhau gây dập ống lông non dẫn đến còi cọc.
6. Vệ sinh, phòng bệnh: Để phòng bệnh hiệu quả, cần thực hiện biện pháp tổng hợp bao gồm: vệ sinh, chăm sóc và tiêm phòng đúng quy trình
6.1. Thực hiện tốt công tác vệ sinh
- Vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi: Thường xuyên quét dọn chuồng trại sạch sẽ; máng ăn, máng uống phải được rửa sạch hàng ngày.
- Vệ sinh thức ăn và nước uống:
        + Thức ăn phải đảm bảo không nhiễm hóa chất độc hại, các tạp chất, không bị mốc. Rau xanh phải được rửa sạch sẽ trước khi cho ăn.
        + Phải có đủ nước sạch thường xuyên tại chuồng và nơi chăn thả.
  - Xử lí phân: Phải định kỳ thay chất độn chuồng và xử lý chất độn một cách triệt để.
  - Hạn chế tối đa người ra vào nơi chăn nuôi.
6.2. Nuôi dưỡng tốt nhằm tăng cường sức khỏe cho con vịt
  - Thức ăn phải đầy đủ về số lượng và chất lượng. Khẩu phần ăn phù hợp với từng thời kỳ của vịt. Bổ sung các loại vitamin, khoáng cho vật nuôi.
  - Chuồng trại hợp lý và thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc.
6.3. Quy trình phòng bệnh cho vịt
  - Trước khi đưa vịt vào nuôi và định kỳ (1 lần/tuần) trong quá trình nuôi thực hiện việc phun thuốc sát trùng (sử dụng BKA, Verkon ...);
  - Tẩy giun: Tẩy giun cho đàn vịt vào lúc vịt 30-35 ngày tuổi.
  - Phòng bệnh bằng vaccine cho đàn vịt theo lịch sau:
 

Ngày  tuổi

Vaccine

5-7 Phòng vaccine viêm gan
10- 12 Phòng vaccine dịch  tả  vịt  lần  1
16-18 Phòng vaccine Cúm gia cầm lần 1
21 Phòng  vaccine dịch  tả  vịt  lần  2
35 Phòng vaccine tụ huyết trùng lần 1
40 Phòng vaccine Cúm gia cầm lần 2
45-50 Phòng vaccine tụ huyết trùng lần 2
  - Phòng bệnh bằng kháng sinh, trợ sức:
.           + 1- 3 ngày đầu sử dụng kháng sinh kết hợp với trợ sức để phòng bệnh viêm rốn, các bệnh đường ruột.
  + Trước và sau khi chủng ngừa vác xin 2-3 ngày phải dùng điện giải, vitamin để trợ sức cho đàn vịt.
  + Khi thời tiết thay đổi dùng kháng sinh kết hợp với trợ sức để phòng bệnh cho đàn vịt.
7. Một số bệnh thường gặp ở vịt
7.1 Bệnh viêm gan:
   Bệnh xảy ra đột ngột, thời gian nung bệnh ngắn chỉ trong vòng 24 giờ, bệnh lây lan nhanh, vịt chết tập trung vào ngày thứ 2-4 sau khi mắc bệnh, tỷ lệ chết rất cao có khi lên tới 100% ở vịt con.
a. Triệu chứng đặc trưng:
- Thời gian nung bệnh từ 2 - 4 ngày, bệnh xảy ra đột ngột, lúc đầu chỉ thấy một vài con khi vận động rớt lại sau đàn nhưng trong một thời gian ngắn sau đó bệnh xảy ra ồ ạt.
- Vịt vận động ít lại, buồn ngủ, bỏ ăn, xã cánh, một số có triệu chứng bị tiêu chảy.
- Niêm mạc xanh tím, vịt bị co giật, nằm la liệt, nghiêng sườn hoặc nằm ngửa, chân duỗi thẳng, đầu nghẹo sang bên sườn hoặc lên lưng.
- Vịt co giật rồi chết nhanh, có khi chỉ 2 - 3 giờ kể từ khi phát bệnh.
- Trường hợp bệnh kéo dài, có thể kế phát với vi khuẩn Salmonella; vịt bệnh thể hiện ủ rũ cao độ và tiêu chảy.
- Vịt chết có tư thế đặc biệt 

b. Bệnh tích:
Gan bị sưng, nhiều xuất huyết điểm và vệt.


- Lách sưng to và thận sưng lồi, tụ huyết tại các mạch máu của thận


c. Biện pháp phòng bệnh:
- Tiêm vacxin viêm gan vịt nhược độc đông  khô ( tiêm cho vịt sau khi nở đối với vịt con sinh ra từ vịt mẹ chưa được tiêm phòng và 5 ngày tuổi đối vịt con sinh ra từ vịt mẹ đã tiêm phòng).
- Thường xuyên phun sát trùng, khử trùng chuồng trai, dụng cụ chăn nuôi và khu vực quanh chuồng nuôi.
7.2. Bệnh dịch tả vịt
Bệnh dịch tả vịt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một vi rút thuộc nhóm Herpes gây bại huyết, xuất huyết cho vịt với triệu chứng đặc trưng là sốt cao, sưng phù đầu, mù mắt, tiêu chảy phân trắng xanh, biểu hiện thần kinh nghẹo đầu. Bệnh gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi do tỷ lệ chết rất cao (30-90%), giảm sản lượng trứng.
a. Triệu chứng:
 - Thời gian nung bệnh thường từ 3 - 7 ngày. Đôi khi ở đầu ổ dịch có một số con chết đột ngột khi chưa có biểu hiện triệu chứng.
 - Vịt bệnh thường ủ rũ, bỏ ăn, đứng một chân, đầu rúc vào cánh đi lại chậm chạp, không muốn xuống nước, khi lùa đi ăn thường rớt lại sau đàn. Trong đàn vịt, nhiều con có tiếng kêu khản đặc. Bắt xem thấy chân liệt, sốt cao 430 – 440C. Ở đàn vịt đẻ khi bệnh xuất hiện sản lượng trứng giảm xuống, có khi ngừng đẻ hẳn.
- Vịt thường sưng mi mắt, niêm mạc mắt đỏ, mắt kéo màng. Lúc đầu chảy nhiều nước mắt trong làm ướt cả vùng lông dưới mi mắt. Sau nước mắt đặc lại có màu vàng như mủ đóng đầy khóe mắt và có khi làm hai mi mắt dính lại với nhau.
- Vịt bệnh có khi khó thở, tiếng thở khò khè. Từ mũi chảy ra chất niêm dịch, lúc đầu trong, sau đặc lại. Nước mũi khô, quánh lại quanh khóe mũi.
- Nhiều con đầu sưng to, hầu, cổ cũng có thể bị sưng do tổ chức liên kết dưới da bị phù thũng.
 - Lúc mới bị bệnh vịt khát nên uống nhiều nước. Sau một vài ngày vịt ỉa chảy, phân rất loãng, có mùi khắm và có màu trắng xanh. Hậu môn bẩn, lông dính bết đầy phân.
             - Vịt sợ ánh sáng, một số con có biểu hiện thần kinh, nghẹo đầu hoặc tỳ mỏ xuống đất, con đực dương vật thò ra ngoài và niêm mạc có những nốt loét.
  - Vịt đẻ sản lượng trứng giảm từ 30-60%.
- Sau khi xuất hiện triệu chứng được 5 - 6 ngày, con bệnh gầy rạc, liệt chân, liệt cánh, nằm một chỗ, thân nhiệt giảm dần, con vật chết. Ở nơi lần đầu tiên xuất hiện bệnh nếu không can thiệp kịp thời tỷ lệ chết có thể đến 80 - 100%. Trái lại ở những vùng thường xuyên có bệnh, dịch phát ra yếu, tỷ lệ chết không cao, nhưng bệnh hay kéo dài.
b. Bệnh tích
- Xác chết gầy, nhổ sạch lông thấy đầu, cổ sưng tụ máu, tím bầm. Tổ chức liên kết dưới da thấm nước và keo nhầy. Da vùng cổ, ngực, bụng, đùi xuất huyết lấm tấm thành những điểm bằng đầu tăm trông như bị muỗi đốt.
- Khí, phế quản viêm, xuất huyết, tụ máu.
            - Niêm mạc hầu họng, thực quản viêm xuất huyết, đôi khi có vết loét phủ màng giả màu vàng xám.
- Viêm, xuất huyết ngoại tâm mạc, xoang bao tim tích nước.
- Phổi viêm, tụ máu.
  - Niêm mạc dạ dày tuyến xuất huyết, phủ lớp dịch nhớt màu vàng xám; dạ dày cơ xuất huyết.
  - Niêm mạc ruột viêm, tụ máu, xuất huyết, có những vết loét hình cúc áo, trên có phủ bựa màu trắng xám. Niêm mạc hậu môn và trực tràng thường xuyên xuất huyết thành những vệt máu đỏ xen kẽ những vết loét màu vàng nâu.
- Gan có màu nâu nhạt, sưng tụ máu, xuất huyết, có những chấm hoại tử to bằng đầu đinh ghim.
- Túi mật sưng.
- Lách tụ máu hoặc xuất huyết.
- Buồng trứng: có khi xuất huyết, có nhiều trứng non dị hình hoặc vỡ chứa đầy trong xoang bụng.

A. Xuất huyết vành tim; 
B. Niêm mạc thực quản phủ dịch rỉ viêm (viêm màng giả);
C. Niêm mạc túi fabricius xuất huyết nhuốm máu, phủ dịch rỉ viêm;
D. Gan sưng đồng màu, bề mặt có điểm hoại tử màu trắng; 

E. Màng thanh dịch ruột non sung huyết, xuất huyết, hoại tử.
c. Phòng bệnh
- Về chuồng trại: phải khô ráo, thoáng mát, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Diện tích chuồng nuôi phải phù hợp với quy mô chăn nuôi. Phải có hố thuốc sát trùng trước cửa chuồng nuôi. Phải có chuồng nuôi cách ly đàn vịt mới mua về hoặc đàn vịt ốm.
            - Về con giống: phải nhập con giống khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, từ những trang trại an toàn dịch, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y cấp. Vịt mới mua về phải nuôi cách ly 15 ngày để theo dõi.
- Về chăm sóc nuôi dưỡng: Phải cho vịt ăn, uống đầy đủ đảm bảo chất lượng. Thường xuyên bổ sung vitamin, men tiêu hoá, khoáng chất, điện giải để tăng sức đề kháng cho đàn vịt.
- Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng: Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Sau mỗi vụ nuôi phải tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để xử lý, cọ rửa chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng xà phòng, sau đó tiến hành phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi, ngâm dụng cụ chăn nuôi trong thuốc sát trùng. Để trống chuồng 10 - 15 ngày trước khi nhập nuôi lứa mới.
- Tiêm phòng vaccine dịch tả vịt
7.3 Bệnh Tụ huyết trùng
Tất cả các loại gia cầm đều mắc bệnh, nhưng gà và vịt thường bệnh nặng. thường được gọi là bệnh toi gà, vịt.
Bệnh thường xảy ra vào thời gian giao mùa trong năm, lây lan nhanh và tỷ lệ chết rất cao.
a. Triệu chứng
Vịt mắc bệnh nặng hay nhẹ là tùy độc lực của mầm bệnh. Nếu độc lực cao thì vịt chết rất nhanh và nhiều.
- Thể quá cấp tính: Bệnh diễn biến nhanh đến nỗi không quan sát kịp triệu chứng. Đàn vịt đang khỏe mạnh bình thường đột nhiên ủ rũ, nhiệt độ thân thể cao và con vật chết 1- 2 giờ (tối vịt vẫn còn ăn sáng đã chết), có khi chết tới 50% tổng số đàn.
-Thể cấp tính: khá phổ biến, vịt ủ rủ, bỏ ăn, xù lông, đi lại chậm chạp. Mũi, miệng chảy ra nước nhớt, sủi bọt lẫn máu màu đỏ sẫm. Giữa thời kỳ bệnh vịt có thể ỉa chảy, phân loãng đen xám, xanh hoặc vàng. Vịt ngày càng khó thở, mặt tụ máu, không có triệu chứng thần kinh, bại liệt. Con vật thường chết sau vài ba ngày do ngạt thở.
- Thể mãn tính: Thường thấy ở cuối vụ dịch. Vịt thường gầy còm, da bọc xương do bệnh tác động vào nhiều cơ quan phủ tạng trong cơ thể. Gan bị viêm hoại tử mãn tính gây rối loạn cơ năng. Khớp đùi, đầu gối, cổ chân bị viêm mãn tính, đôi khi thấy viêm màng não và có triệu chứng thần kinh.
b. Bệnh tích
- Thể quá cấp tính: ngoài hiện tượng tụ máu và xuất huyết ở các xoang và phủ tạng ra không thấy có bệnh tích điển hình.
- Ở thể cấp tính: vịt khi chết thường thấy tụ máu và xuất huyết ổ các tổ chức liên kết dưới da, các xoang và cơ quan trong cơ thể. Tim bị sưng, bao tim trương to có chứa dịch màu vàng, viêm ngoại tâm mạc cho nên thấy xuất huyết.


- Phổi tụ máu, viêm màu nâu thẫm, có thể thấy chứa nước màu đỏ nhạt. Gan hơi sưng, màu vàng hoặc chấm đỏ do hoại tử đặc biệt của bệnh tụ huyết trùng, các nốt hoại tử to bằng mũi kim hoặc đầu đinh ghim.



- Lách bị tụ máu, hơi sưng. Niêm mạc một bị viêm tụ máu chảy máu có các đàm màu đỏ thẫm.
- Thể mãn tính: chủ yếu là viêm và hoại tử mãn tính đường hô hấp và gan, đôi khi viêm phúc mạc. Buồng trứng, ống dẫn trứng bị viêm, sưng to, màu vàng nhạt, chứa đầy nước, có khi các khớp viêm sưng to chứa nhiều dịch màu xám đục.
c. Phòng bệnh
- Vịt giống mới mua về cần cho uống Vitamin C để phòng và chống stress gây hại, sưởi ấm cho vịt 1-3 tuần lễ đầu, cho ăn thức ăn đầy đủ thành phần và dinh dưỡng, tốt nhất là dùng loại thức ăn viên cho vịt con.
- Vịt từ 20 ngày tuổi trở lên phải chích ngừa vaccin tụ huyết trùng cho vịt. Tiêm vaccin khi vịt khoẻ mạnh và vào ngày thời tiết mát mẻ.
  ĐIỀU TRỊ:
- Cho vịt uống : Erco-sulfa : 5g/ 2 lít nước hoặc trộn với 1 kg thức ăn, dùng liên tục 3-5 ngày Hoặc Genta-colenro : 1g/ 1lít nước hoặc trộn với 0,5kg thức ăn
- Kết hợp tiêm Cephaflox : tiêm bắp 1ml/2kg P, liên tục 3-5 ngày Hoặc dùng 1 trong các loại sau:
- Vime-spikacin : tiêm bắp 1ml/ 2kg P, liên tục 3-5 ngày
- Septryl 240 : tiêm bắp 1ml/2kg/ngày
- Colidox GV : tiêm bắp 1ml/2kg/ ngày
- Kampico : tiêm bắp 1ml/2kg/ngày
- Penkana hoặc Ka-Ampi : tiêm bắp 1 lọ cho 10-15kg/lần ngày 2 lần
7.4 Bệnh thương hàn 
NGUYÊN NHÂN:
Do vi trùng Salmonella typhimurium gây nên, sự nhiễm bệnh chủ yếu theo đường tiêu hóa khi sử dụng thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Cũng có trường hợp bị nhiễm bệnh qua đường hô hấp hay niêm mạc mắt.
Vịt bị bệnh hay đã khỏi nhưng còn mang mầm bệnh bài thải ra môi trường bên ngoài là nguồn lây bệnh chủ yếu. Vi trùng có thể xâm nhập qua trứng ở những quả bị dơ, thường trứng sẽ chết phôi khi ấp. Nếu nở ra con cũng mắc bệnh thể ẩn hay cấp tính.
TRIỆU CHỨNG:
- Vịt con: Do trứng bị nhiễm vi khuẩn thương hàn nên khi nở ra vịt con yếu, ủ rũ, không ăn, tập trung gần đèn sưởi. Lúc đầìu vịt bị tiêu chảy, phân loãng có bọt khí, vịt ít đi lại, đứng riêng khỏi đàn, tụ tập theo từng nhóm riêng, chúng thích đứng chỗ ấm áp. Một vài ngày thấy vịt bị viêm kết mạc mắt. Giai đoạn này vịt bắt đầu chết, trước khi chết có triệu chứng thần kinh: co giật, ngoẹo đầu.
- Vịt lớn: Vịt ủ rũ, bỏ ăn, thường đứng riêng lẻ, xả cánh. Toàn thân mỏi mệt, ủ rũ, viêm kết mạc mắt có mủ do đó mắt nửa mở hay nhắm hẳn lại. Cánh xệ xuống, lông khô không mướt. Đi phân loãng hoặc trắng, sau đó phân trắng có lẫn máu hoặc phân loãng màu hơi vàng. Một số trường hợp có triệu chứng viêm khớp, một số con bị viêm phổi kế phát, ho khò khè.
Vịt lớn trên 45 ngày thường bị bệnh ở thể mãn tính, thường thấy đi tiêu chảy đôi khi thấy máu, vịt ốm, lông không bóng mượt. Buồng trứng bị thoái hóa, biến dạng méo mó. Một số trứng có màu xám chì, lục nhạt, nâu, ống dẫn trứng bị vỡ và tích lại .
Bệnh tích: Gan sưng, rìa gan dầy lên, trên màng gan có sợi fibrin, bề mặt gan không đều nhau. Dưới màng gan xuất hiện những đốm hoại tử màu trắng. Túi mật thường căng và đầy mật. Niêm mạc dạ dày tuyến thường sưng lên, và phủ bởi chất nhày.
Trong thể bệnh cấp tính, ruột non bị phù thủng, sung huyết và xuất huyết. Ở bệnh mãn tính ruột già bị thủy thủng, xuất hiện nốt loét có gờ xung quanh.
Vịt trưởng thành bị xơ gan, viêm túi mật, viêm buồng trứng, ống dẫn trứng và có thể bị viêm phúc mạc. Bên ngoài thấy vịt bị sưng niêm mạc, lông cánh và lông tơ xung quanh hậu môn bị dính đầy phân.
PHÒNG BỆNH:
Cho vịt ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, khẩu phần cân đối: đạm, tinh bột, béo, nhất là đảm bảo đủ các Vitamin tan trong dầu như: A, D, E, các vitamin này có nhiều trong bột cá, dầu gan cá. Khi nuôi không nên nhốt với mật độ quá đông, nếu nhập đàn phải có thời gian cách ly khoảng 10 ngày khi không có hiện tượng bệnh mới cho nhập đàn. Những vịt bị bệnh lúc còn nhỏ vi trùng thường tồn tại trong túi mật, manh tràng cho đến lớn, những con vịt này đẻ trứng không thể dùng để ấp được vì khi ấp vi trùng sẽ gây nhiễm cho thai ngay tại lò ấp hay sau khi nở .
Trong thiên nhiên mầm bệnh tồn tại khắp nơi trong đất, nước, mương, chuồng trại do vi trùng đào thải từ những con vịt bị bệnh hay những con vịt khỏe mang trùng cho nên vịt con mới nở ra tốt nhất chúng ta nên trộn thức ăn, nước uống bằng các loại kháng sinh, trộün liên tục trong 10 ngày sau khi nở.
ĐIỀU TRỊ:
Có thể sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị thương hàn sau đây:
Thuốc kháng sinh uống: Norflox 20%, Vimenro, Vime-Flutin, Coli-Norgent, Norgencin, Genta-Colenro, Ampiseptryl.
Thuốc kháng sinh tiêm:
Dilog : tiêm bắp 1ml/ 10kg P/ ngày , liên tục 3-5 ngày
Kampico : tiêm bắp 1ml/ 2kg P/ ngày
Colidox GV : tiêm bắp 1ml/ 2kg P/ ngày
Vimexysone COD: tiêm bắp 1ml/5kg/ngày
Norgent 300 : tiêm bắp 1ml/4kg/ ngày
Nên bổ sung các loại khoáng, vitamin như :
B. Complex fort : Tiêm 1ml cho 10kg thể trọng.
Vimix Plus : 1g pha cho 1 lít nước dùng liên tục 3 - 5 ngày. Hydrovit for Egg : Chai 100ml hòa nước, sử dụng liên tục 5-7 ngày. Vime C Electrolyte: 1g pha cho 1 lít nước dùng liên tục 3 - 5 ngày.
Vimevit Electrolyte: Gói 100g pha cho 200 lít nước uống. 
7.5 Bệnh viêm xoang mũi truyền nhiễm   
NGUYÊN NHÂN:
Bệnh xảy ra trên vịt ở mọi lứa tuổi, bệnh thường không gây chết nhưng kéo dài rất lâu, nếu điều trị không dứt điểm. Bệnh có thể do các mầm bệnh gây nhiễm sau:
Mycoplasma
Bệnh thường là bệnh kế phát, khi điều kiện ngoại cảnh thay đổi như từ nắng chuyển sang mưa hay thời tiết lúc mưa dầm là điều kiện cho bệnh phát ra. Bên cạnh đó mật độ nuôi quá cao, điều kiện chuồng trại ẩm ướt, dinh dưỡng kém, mật độ nuôi cao làm giảm sức đề kháng của vịt nên gây bệnh.
Mầm bệnh bài thải liên tục ra môi trường bên ngoài qua phân, dịch mũi, trứng, nhiễm vào thức ăn, nước uống làm cho bệnh lây lan dễ dàng hơn và việc ngăn chặn khó khăn hơn.
Staphylococcus hay Streptococcus
Loại vi khuẩn nầy thường gây bệnh trong điều kiện chăn nuôi thiếu nước sạch và vệ sinh không đảm bảo. Xoang mũi bị viêm gây thành những ổ mủ trắng đục làm nghẽn đường hô hấp hai bên hốc mũi.
TRIỆU CHỨNG:
Các dấu hiệu thường phát triển chậm trong đàn, nặng hay nhẹ tùy vào thời tiết, và có thể kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng.
- Khi vịt bị bệnh thấy nhiều con trong đàn khẹt, ấn vào hai bên xoang mũi có nước dịch viêm chảy ra, dịch lúc đầu trong sau đó đục và xám, có con khi thở nghe tiếng kêu khò khè, có con há mỏ ra để thở.
- Chảy nước mắt và viêm kết mạc mí mắt, mi mắt dính lại. Nhiều con bị viêm kết mạc hóa mủ, không thấy đường tìm thức ăn và có triệu chứng kém ăn. Bệnh nặng có biểu hiện co giật từng cơn và chết.
- Thời gian bệnh có thể kéo dài 5-10 ngày hay đến hai tháng. Thường bệnh xảy ra cùng một lúc với các bệnh khác như bệnh thương hàn hay bệnh ký sinh trùng  
Bệnh tích
Bệnh tích điển hình :Viêm túi khí, viêm gan ngoại vi có fibrin.Viêm ngoại tâm mạc kết dính.
PHÒNG BỆNH:
Hiện nay chưa có loại vaccin nào được coi là hữu hiệu để phòng bệnh này, do đó việc sinh phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng tốt là vấn đề cần phải quan tâm. Cóï thể dùng các loại kháng sinh như Erlicovet, Genta-Colenro, Tylenro5+5, Erco-sulfa, Vigentryl, Genroflox ... để pha vào nước uống hoặc trộn vào thức ăn theo định kỳ.
ĐIỀU TRỊ:
Có thể dùng một trong các loại kháng sinh đặc trị bệnh viêm xoang mũi vịt sau:
Erlicovet: Gói 50g cho 100kg vịt (khoảng 300 con vịt nhỏ dưới 6 tuần tuổi hay 100 vịt lớn trên 6 tuần tuổi).
Vimenro : 100ml pha vào 50-70 lít nước uống. 
7.6 Bệnh nhiễm khuẩn E. Coli 
NGUYÊN NHÂN:
Bệnh xuất hiện ở vịt mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu khi vịt được 3-15 ngày tuổi, tỷ lệ chết có thể đến 60%, những con sống sót thường còi cọc, chậm lớn và sử dụng thức ăn kém. Vi khuẩn E. Coli, thường có sẵn ở ruột già của vịt khỏe mạnh, khi điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng không tốt, nhất là khi cho ăn không hợp lý sẽ tạo điều kiện cho E.Coli phát triển và gây bệnh.  
TRIỆU CHỨNG:
Vi khuẩn E. Coli có sẵn trong cơ thể gia cầm hay nhiễm từ môi trường bên ngoài, khi vào cơ thể chúng xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn gây nhiễm trùng máu, vi khuẩn đến niêm mạc ruột, gây viêm ruột, đến các xoang gây viêm thanh dịch có tơ huyết, đến các cơ quan phủ tạng gây viêm hoại tử. Trong thời gian này, men tiêu hóa Protein và acid Chlohydric của dạ dày tuyến không đủ sức dung hòa một lượng thức ăn đạm quá nhiều do đó khi đến ruột thức ăn bị tác động bởi vi khuẩn lên men thối rữa, sinh hơi và sinh ra các chất độc gây rối loạn tiêu hóa, nhiễm độc gan, con vật bị ngộ độc toàn thân, xuất hiện các triệu chứng thần kinh như ủ rũ, mắt lim dim, co giật. Bệnh có thể xảy ra ở hai thể cấp tính và mãn tính. Nhìn chung, triệu chứng thường không đặc hiệu.
Thời gian nung bệnh từ 1- 10 ngày. Ở vịt 3 ngày tuổi đã có thể nhiễm bệnh, vịt bị rút cổ, lông xù, mắt lim dim như buồn ngủ, một số con có triệu chứng cảm cúm, sổ mũi và khó thở, tiêu chảy phân loãng có màu trắng xanh rồi chết. Trước khi chết nhiều con có triệu chứng thần kinh như: co giật, quay đầu, ngoẹo cổ… vịt đẻ chết lai rai, giảm đẻ, vỏ trứng dính máu.
Bệnh tích:  Sưng gan và viêm ruột. Nếu bệnh nặng thì cả hai lá gan đều sưng đỏ và xuất huyết lấm tấm, túi mật thường căng to. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ thấy phần dưới của gan sưng và xuất huyết còn phần phía trên có màu vàng.
- Màng bao tim, gan có lớp nhầy trắng .
- Túi khí có những đốm hoại tử màu vàng.
- Niêm mạc ruột có màu đỏ, phân có màu trắng.
- Vịt đẻ buồng trứng bị vỡ và teo lại.
Phân biệt với các bệnh khác :
Bệnh trúng độc do thức ăn
Bệnh này xảy ra cùng trong thời gian với bệnh E.Coli nhưng bệnh chết nhanh hơn, có triệu chứng thần kinh nặng hơn, gan sưng và đen toàn bộ, thận sưng và tiêu chảy. Khi ngừng cho ăn bệnh giảm hẳn.
7.7 Bệnh thương hàn
Bệnh này cũng xảy ra cùng thời gian với bệnh E.Coli, triệu chứng giống như bệnh E.Coli nhưng bệnh tích ở gan không có những điểm hoại tử màu trắng, túi khí không có những điểm màu vàng. Ngoài ra có nhiều vi sinh vật khác có khả năng gây bệnh cho vịt với các triệu chứng tương tự như viêm bao hoạt dịch, viêm khớp do Mycoplasma, Salmonella hoặc nhiễm trùng huyết cấp tính do Pasteurella, Salmonella, Streptococci.
PHÒNG BỆNH:
- Chăm sóc ngay từ những ngày đầu không để vịt con bị lạnh và ăn thức ăn tự nhiên quá sớm ( tép sống ...).
- Nếu cần thiết, có thể dùng kháng sinh liều thấp để phòng ngừa cho vịt từ ngày tuổi thứ 1 đến ngày tuổi thứ 10 bằng cách trộn các loại kháng sinh : Terra-colivet, Ampiseptryl ... vào thức ăn liên tục trong 3- 4 ngày
ĐIỀU TRỊ:
Dùng các loại kháng sinh cho uống hay trộn vào thức ăn như:
Dilapat : 2g/ 1 lít nước , uống liên tục 3-5 ngày
Hoặc : Vime-Dilog : 2g/ 1 lít nước , uống liên tục 3-5 ngày
Genta- colenro : 1g/ 1lít nước hoặc trộn với 0,5kg thức ăn
- Trường hợp bệnh nặng có thể dùng một trong những loại kháng sinh sau đây tiêm bắp :
Amogen : tiêm bắp 1ml/ 4-5 kg P/ ngày , liên tục 3-5 ngày
Kampico : tiêm bắp 1ml/ 2kg P/ ngày
 Colidox GV : tiêm bắp 1ml/ 2kg P/ ngày
Vimexysone COD: tiêm bắp 1ml/5kg/ngày
Trong quá trình điều trị có thể phối hợp hai phương pháp chích và uống với nhau để mang lại hiệu quả cao và nhanh hơn, nên bổ sung các loại khoáng, vitamin như :
Vimix Plus : 1g pha cho 1 lít nước dùng liên tục 3 - 5 ngày.
Hydrovit for Egg : Chai 100ml hòa nước, sử dụng liên tục 5-7 ngày.
Vime C Electrolyte : 1g pha cho 1 lít nước dùng liên tục 3 - 5 ngày.
Vimevit Electrolyte: Gói 100g pha cho 200 lít nước uống.
Aminovit : Gói 100g pha cho 500 lít nước uống.
Sau mỗi lần điều trị nếu có điều kiện nên lập kháng sinh đồ bởi vì vi khuẩn E. Coli luôn gây đề kháng với thuốc. 
 

Tác giả bài viết: BS Thú y Huỳnh Văn Viên, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây