Quản lý thức ăn công nghiệp đối với ao nuôi cá mú

Thứ hai - 31/07/2023 03:00
Cá mú là loài cá có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, gần đây đã được sản xuất giống nhân tạo thành công. Nhờ chủ động được nguồn giống, được thị trường ưa chuộng nên hiện nay nghề nuôi cá mú trong ao được đông đảo nông dân các tỉnh ven biển quan tâm và đầu tư trong đó có tỉnh Phú Yên.
Ao nuôi là một hệ sinh thái nhân tạo với đầy đủ các yếu tố bao gồm yếu tố vô sinh (nhiệt độ, độ mặn, pH, oxy hòa tan, chất đáy…), yếu tố hữu sinh (các nhóm sinh vật như cá nuôi, vi khuẩn, tảo…), trong đó, thức ăn là mắt xích quan trọng ảnh hưởng toàn bộ các yếu tố bên trong ao. Nếu thức ăn thiếu, cá không được cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ phát triển kém, con lớn tấn công con nhỏ dễ làm trầy xướt, tạo điều kiện cho mầm bệnh tấn công vào cá nuôi…. Nếu thức ăn thừa, vi sinh vật sẽ phát triển quá mức, yếu tố thủy lý, thủy hóa biến động, môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm, cá không phát triển được, dễ bệnh và có thể chết, chi phí thức ăn, thuốc hóa chất để xử lý tăng cao.
Chi phí thức ăn thường chiếm khoảng 60% chi phí một vụ nuôi thủy sản. Do vậy, quản lý thức ăn là khâu rất quan trọng trong vụ nuôi. Quản lý tốt thức ăn sẽ giảm được giá thành sản phẩm và hơn hết là quản lý được môi trường nước trong ao nuôi.
Để quản lý tốt thức ăn công nghiệp đối với ao nuôi cá mú, người nuôi cần phải xem xét các yếu tố như:
1. Lựa chọn thức ăn: Thức ăn được lựa chọn cho cá ăn phải đầy đủ các dưỡng chất theo nhu cầu và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá, được sản xuất và bảo quản tốt, tuyệt đối không sử dụng thức ăn không rõ nguồn gốc, bao bì rách, nhiễm nấm mốc hoặc hết hạn sử dụng … Nên lựa chọn thức ăn của các nhà sản xuất uy tín, được lưu hành tại Việt Nam theo quy định.
2. Lựa chọn kích cỡ thức ăn: Kích cỡ viên thức ăn phụ thuộc vào cỡ cá, mỗi nhà sản xuất sẽ phân chia các mã sản phẩm theo từng giai đoạn nuôi, do vậy cần tuân thủ bảng hướng dẫn cho ăn của từng nhà sản xuất.

2
Hình: Kích cỡ thức ăn phù hợp từng giai đoạn của cá nuôi.

3. Cách cho ăn: Cá mú là loài có tính hoạt động về đêm, ban ngày ít hoạt động, trong điều kiện nuôi nhốt tùy vào giai đoạn mà điều chỉnh số lần cho ăn cho hợp lý.
- Khi cá còn nhỏ (dưới 200g/con): Cho ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều tối, khẩu phần cho ăn bằng 2-3% khối lượng thân.
- Khi cá đạt khối lượng từ 200g/con trở lên: Cho ăn 1-2 lần/ngày, khẩu phần cho ăn bằng 2% khối lượng thân.
- Cho ăn theo giờ cố định, tránh thời gian môi trường nước không thuận lợi (từ 12 giờ khuya - 04 giờ sáng là thời gian lượng oxy hòa tan thấp nhất và từ 11 giờ 30 - 14 giờ chiều là thời gian nhiệt độ nước trên bề mặt cao nhất).
- Khi chuyển cỡ thức ăn, không chuyển đột ngột mà chuyển chậm trong khoảng 05 ngày, tỷ lệ thức ăn cỡ nhỏ - cỡ lớn lần lượt là 7-3, 5-5, 3-7 rồi mới hoàn toàn cho ăn cỡ lớn.

1
Hình: Thường xuyên kiểm tra cá nuôi.

4. Một vấn đề cần lưu ý là cần bổ sung định kỳ vitamin, khoáng tổng hợp trộn vào thức ăn để đảm bảo cá không bị thiếu chất.
5. Thường xuyên kiểm tra tình hình sức khỏe cá, môi trường ao nuôi để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp.

Tác giả bài viết: Võ Thị Thu Hiền - Trạm KN thị xã Sông Cầu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây