Trước hết là khâu chọn giống. Con giống tốt thì nuôi mau lớn, trọng lượng xuất chuồng cao, chi phí thức ăn thấp, ít bị bệnh, chất lượng sản phẩm cao, nên bán được giá cao hơn. Chọn giống cao sản, do các cơ sở cung cấp giống có uy tín, được kiểm dịch và phòng ngừa đủ các hệnh nguy hiểm.Thứ hai, tùy vào điều kiện tiền vốn, diện tích đất trồng cỏ, lao động, kỹ thuật và kinh nghiệm, mà quyết định qui mô đàn cho phù hợp. Nếu nuôi trâu bò thương phẩm, bán thịt, thì nên bố trí nuôi gia súc mẹ để tự lực về giống, vừa giảm chi phí về con giống, vừa chủ động trong sản xuất, lại hạn chế dịch bệnh do quá trình mua con giống từ nơi khác và do quá trình vận chuyển làm dịch bệnh lây lan. Về chuồng trại phải xây dựng ở nơi cao ráo, thoáng mát, xa nhà ở, nên bố trí chuồng theo hướng Đông – Nam là tốt nhất, để ánh nắng buổi sáng chiếu vào. Nền chuồng dốc để nước không ứ đọng. Chuồng nuôi phải bố trí rãnh thoát nuớc, dễ vệ sinh gắn liền với hệ thống xử lý chất thải như túi ủ hay hầm ủ Biogas, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa có gas để sử dụng làm chất đốt, vừa tận dụng chất thải từ hầm ủ hay túi ủ để nuôi trùn quế hay làm phân bón cho cỏ rất tốt. Về thức ăn, nên tận dụng triệt để các nguồn nguyên liệu, các phế phụ phẩm của nông nghiệp như: thân cây đậu phụng, cây bắp, rơm rạ … đem ủ chua giúp cho gia súc tăng khả năng tiêu hóa hấp thụ, kích thích gia súc thèm ăn và tăng trọng nhanh hơn. Với thức ăn tinh như: Cám gạo, bột bắp, bột mì, khô dầu đậu phộng, mật đường, trùn quế, tận dụng vỏ đàu tôm, đầu cá khô, urê và các loại Premix khoáng hay Premix vitamin xay nhuyễn để phối trộn cho gia súc ăn trực tiếp hoặc dùng máy ép viên ép thành viên cho ăn hay dự trữ sẽ giảm đáng kể chi phí giá thành sản phẩm chăn nuôi. Nên cho vật nuôi ăn, uống đủ số lượng thức ăn, nước uống theo độ tuổi, đúng giờ, đúng bữa, không cho ăn thức ăn ôi, mốc. Thực hiện nghiêm ngặt qui trình tiêm phòng bệnh cho vật nuôi bằng vacxin hay kháng sinh. Bảo quản vacxin đúng kỹ thuật, sử dụng đúng liệu trình lặp lại. Hàng ngày cho ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Vệ sinh và xịt thuốc sát trùng chuồng trại định kỳ theo qui định. Theo dõi sức khỏe vật nuôi, nếu thấy bất thường là cách ly ngay. Phát hiện bệnh kịp thời, điều trị đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng liệu trình. Khi vật nuôi bị bệnh chết do bệnh truyền nhiễm phải xử lý xác chết đúng qui định của thú y. Không bán chạy gia súc khi biết là bị bệnh truyền nhiễm hay quăng xác chết xuống kênh mương làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Thực hiện phương thức chăn nuôi” Cùng vào, cùng ra”, tức là không nuôi xen nhiều đối tượng vật nuôi khác lứa tuổi, và sau mỗi lứa xuất chuồng phải để trống chuồng 2 – 3 tuần mới nuôi lứa khác sau khi đã xử lý chuồng đúng kỹ thuật.Với chăn nuôi trong nông hộ hiện nay, chủ yếu là tận dụng công lao động nhàn rỗi, lấy công làm lời, tự sản xuất chế biến một phần thức ăn chăn nuôi, tận dụng triệt để chất thải làm khí đốt hay xử lý phân hữu cơ bón cho cây trồng. Do tình hình giá cả thị trường biến động lớn, lúc lời, lúc lỗ là chuyện bình thường, nên người chăn nuôi cần phải kiên trì, có điều chỉnh hợp lý qui mô đàn, không nên bán chạy đàn khi chưa đủ độ tuổi xuất bán; đến khi giá thị trường tăng lại phục hồi không kịp, thiệt hại càng lớn hơn.Cách phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò - Đặc điểm bệnh viêm da nổi cục (VDNC):
Bệnh VDNC có thể xảy ra trên trâu, bò ở mọi lứa tuổi. Vi rút không gây bệnh trên người. Dịch bệnh xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất. Đường truyền lây của bệnh chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc trực tiếp giữa gia súc khỏe và gia súc bệnh (từ các lớp da tổn thương, nước bọt, nước mũi, sữa, tinh dịch, thịt, dịch từ cục vỡ, loét); hoặc có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng ăn, máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch…Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20 %, tỷ lệ chết khoảng 1 - 5 %. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày.
Vi rút VDNC tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; vi rút tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô. Vi rút nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và chất tẩy rửa có chứa dung môi lipid, nhưng trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng.
- Triệu chứng:
Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu như sau: Sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, suy nhược, gầy yếu; giảm năng suất sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt; hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển. Sưng các hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi); một số trường hợp sưng các khớp chân. Trâu, bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Trâu, bò mang thai có thể bị sảy thai và động dục trong vài tháng. - Phòng bệnh:
Khi mua giống phải chọn những cơ sở mua bán giống có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.
Định kỳ tẩy giun sán cho đàn trâu, bò. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn trâu, bò như: vắc xin Tụ huyết trùng trâu bò, vắc xin LMLM trâu, bò, đặc biệt là vắc xin VDNC trâu, bò.
Thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trong và ngoài chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi (máng ăn, máng uống,…), có biện pháp để tiêu diệt các loài vật chủ trung gian truyền bệnh như: ruỗi, muỗi, ve, mòng và các loại côn trùng hút máu khác,… tại khu vực chuồng nuôi.
Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt; đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn trâu, bò.
Kịp thời phát hiện sớm trâu, bò mắc bệnh, cách ly trâu, bò mắc bệnh.
Khi phát hiện trâu, bò nghi mắc bệnh cần báo cáo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
- Điều trị:
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh VDNC, chủ yếu là điều trị triệu chứng bệnh kế phát và các biện pháp phòng bệnh là chính.
- Sử dụng các loại thuốc hạ sốt như: Analgin, Urotropin, Paracetamol... , hộ chăn nuôi cũng có thể dùng các loại thuốc hạ sốt của người ở dạng viên sủi (Efferagan 500) pha vào nước cho trâu, bò sốt uống liên tục ngày 03 lần sáng trưa chiều (01 viên cho 50 kg trọng lượng). bù điện giải bằng orezon. Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Sử dụng một trong các loại thuốc kháng sinh sau chống bội nhiễm kế phát, nhiễm trùng như: BIO DOC, VimexySon COD, , Amoxyline LA, Penicillin, lincospectryl, Streptomycin, Kanamycine, Tulavitryl, ... thời gian sử dụng 3-5 ngày liên tục. Nếu trâu, bò có thai thì dùng thuốc an thai progestogen… Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm Diclofenat, Dexamethasole,... Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Sử dụng một trong các loại thuốc trợ sức, trợ lực để tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò như: Catosal, BComplex, Gluco C, Vitamin C, Canxipho để tiêm, hoặc hòa vào nước cho uống hàng ngày. Nên tiêm thuốc có thành phần Buphan, nếu trâu, bò mệt mỏi quá thì ta có thể truyền dịch cho bò bằng dung dịch đường gluco hoặc muối truyền. Có thể trộn Biotin vào thức ăn để kích thích mọc lông và tái tạo da. Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Nếu trâu, bò khó thở thì dùng một trong các loại thuốc như Bromhexin, Cafein, Camphona… Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.