Kỹ thuật trồng sen lấy gương

Chủ nhật - 30/05/2021 23:54
(Áp dụng cho địa bàn tỉnh Phú Yên) (tiếp theo kì trước)

(Áp dụng cho địa bàn tỉnh Phú Yên) (tiếp theo kì trước)

7. Dinh dưỡng và biểu hiện thiếu dinh dưỡng.

- Bón phân phải dựa trên phân tích đất, lá sen ở các giai đoạn tăng trưởng khác nhau. Lượng dinh dưỡng bị ảnh hưởng bởi loại đất và các biện pháp canh tác trước đó. Phân tích đất sẽ phát hiện các dưỡng chất bị thiếu, dư thừa, pH và các chỉ dẫn cần thiết. Nông dân đối chiếu giữa kết quả phân tích đất và lá, quan sát màu sắc lá để đưa ra biện pháp xử lý thích hợp.
Lượng phân bón cụ thể áp dụng cho 1 ha như sau:

- Bón lót: Vôi 500-600kg, phân chuồng từ 1000-1200 kg, phân vi sinh 400kg, phân NPK Phú Mỹ 16-16-8+13S+TE 120kg.Phân chuồng hoai trộn với phân vi sinh hữu cơ ủ 7-10 ngày đem bón đều đáy ruộng.

- Lần 1: 15-20 ngày sau khi cấy (NSKC) tiến hành làm sạch cỏ, bón 50 kg DAP(cây mọc rễ nhanh); Cách bón xung quanh gốc cây sen con mới mọc lá bèo.
- Lần 2: 30 NSKC với lượng 100 kg NPK 16-16-8+13S+TE. Cách bón xung quanh gốc cây sen con mới mọc lá bèo.
- Lần 3: 40-50 NSKC với lượng phân 100 kg NPK 20-20-15+TE(nếu dùng 16-16-8+13S+TE thì tăng lượng 120-150 kg). Cách bón rải xa gốc theo các nhánh ở đáy ruộng sen.

- Lần 4: 70-80 NSKC 100 kg NPK Phú Mỹ 16-8-16+TE hoặc 16-9-20+TE để nuôi hạt.Cách bón rải xa gốc theo các nhánh ở đáy ruộng sen.

- Lần 5: (tùy theo tình hình sinh trưởng, nếu thấy sen phát triển không tốt) 100 kg NPK 20-20-15+TE. Cách bón rải đều ở đáy ruộng sen.
 

Các chú ý:
+ Sau trồng chú ý nước trong ruộng. Khi thấy nước đục-xanh rêu cần thay nước trước khi bón phân thúc và khống chế nước ở mức tốt nhất (15-30 cm).
+ Thường xuyên cắt tỉa lá khô, lá già để sen quang hợp tốt hơn, ngó sen nhiều hơn.
+ Khi bón phân chú ý tránh đạp rể và các dây Sen đang phát triển.

Chăm sóc Sen.
+ Thường xuyên làm sạch cỏ dại và các loại dây cỏ mọc chen trong ao.
+ Giữ ao sạch không để các nguồn nước nhiểm bẩn, các chất hóa học, thuốc trừ sâu chảy vào gây chết cây.
+ Khi Sen được 1 tháng, phải chú ý tránh đi lại nhiều trong ruộng để tránh dẫm đạp lên các nhánh Sen đang phân nhánh làm gảy nhánh.

8. Triệu chứng thiếu dinh dưỡng
-  Thiếu đạm: sen có nhu cầu đạm rất lớn vào giai đoạn tăng trưởng dinh dưỡng. Triệu chứng thiếu đạm xuất hiện trên lá già, phiến lá chuyển sang màu vàng do đạm từ lá già chuyển sang nuôi đỉnh sinh trưởng. Sau đó lá khô nhanh chóng. Thiếu đạm trầm trọng sẽ làm cây lùn lại. Tuy nhiên bón nhiều phân đạm, đặc biệt lúc hình thành củ sẽ kích thích phát triển thân ngầm hơn là củ. Ngộ độc phân đạm phiến lá bị cháy tạo vết hình tròn ở giữa 2 gân lá, nơi trao đổi khí xãy ra.

-  Thiếu lân: sen rất nhạy cãm với phân lân. Thiếu lân lá có biểu hiện màu xanh đậm có những vệt tím (anthocyanosis) trên lá non. Khi thiếu trầm trọng lá sẽ chuyển sang màu tím hòan toàn, gân lá chuyển sang màu xám đen và khô, cây tăng trưởng rất chậm. Thừa lân lá non bị biến dạng, không bung ra được.

-  Thiếu kali: sen có nhu cầu kali rất lớn vào giai đoạn trổ hoa và hình thành củ. Biểu hiện đầu tiên trên là những vệt vàng chạy dọc theo gân lá già. Vệt vàng ngày càng lan rộng sau đó chuyển sang màu nâu.

-  Thiếu ma-nhê (Mg): triệu chứng xuất hiện trên lá già, có những đốm vàng giữa 2 gân lá, do Mg di chuyển sang đỉnh sinh trưởng. Thiếu trầm trọng vệt vàng sẽ lan rộng ra cả phiến lá.

Thiếu Calci: thiếu calci có triệu chứng tương tự như thiếu ma-nhê, những đốm vàng xuất hiện trên lá già, sau đó chuyển sang màu cam. Có khác là lá dòn dễ vở.

9. Sâu hại:
a. Sâu ăn tạp:
-  Sâu ăn tạp thường xuất hiện và gây hại trong mùa nắng, chủ yếu ăn lá non đến trưởng thành. Sâu lớn nên dễ thấy, ăn nhiều làm rách lá. Tuy nhiên sâu có một số nhược điểm sau: sâu chỉ ăn rải rác từng lá, phải vào bờ hóa nhộng, sâu sống tập trung nên dễ trị bằng thuốc theo 4 đúng. Sử dụng thuốc, Takumi, Alika 247SC hoặc  Confidor cộng dầu khoáng SK 98EC, tập trung xịt những nơi có sâu, khi sâu còn nhỏ.

 b. Bù lạch, rầy mềm:
- Là 02 đối tượng chích hút, xuất hiện suốt vụ thường có mật số rất cao trong mùa nắng, tấn công hầu hết trên các bộ phận còn non của cây chúng bám vào cuống lá, cuống hoa chích hút làm lá bị co rúm, cuống bị chai sần và quăn queo, gương nhỏ và méo mó, hạt không chắc hoặc bị thoái hóa. Bù lạch có kích thước rất nhỏ có mật số rất cao nhiều khi lên đến 1000 con/lá và vòng đời ngắn khoảng 2 tuần lễ, nên rất khó phát hiện và trị dứt điểm.

- Sử dụng luân phiên các loại thuốc Alika 247SC, Regent 800, Virtako 40WG cộng với dầu khoáng SK 98EC xịt đều phía dưới lá,bông.
           

10. Bệnh hại:
 - Chủ yếu bệnh thán thư, gây hại hầu hết trên các bộ phân cây sen như lá, bông, hạt,bệnh gây hại trên lá và bông khi còn dưới mặt nước nấm bệnh đã tấn công khi lú khỏi mặt nước bệnh đã làm thối lá hoặc bông.

 - Theo kinh nghiệm để phòng trừ đạt hiệu quả lúc sen ra đọt non, bông rộ rút nước cạn phun thuốc ngừa bằng những loại thuốc đặc trị sau 3 ngày, bón vôi rồi cho nước vào ruộng trở lại, hiệu quả khá cao.

- Bệnh thối thân do nấm Phythophthora rất phổ biến. Bệnh làm đỉnh sinh trưởng và thân bị thối đen, lây lan rất nhanh trong hồ, triệu chứng ban đầu là lá bị vàng úa cả lá, sau đó khô đi rất nhanh. Mô bị thối đen, bầy nhầy có mùi thối ngay cả rễ vẫn phát triển tốt. Khi hồ bị bệnh, nhổ các sen mắc bệnh đem đốt, hạ mực nước và bón sulphat đồng. Nếu bệnh vẫn tiếp tục lây lan phải khử trùng cả hồ bằng sodium hypochloride.

- Bệnh thối củ do nấm Fusarium oxysporum sp nelumbicola và Pythium elongatum. Cả 2 loại nấm này đều tồn tại rất lâu trong đất. Bệnh thường bộc phát khi nhiệt độ cao, ít mưa. Nếu ruộng bị bệnh thì trong mùa tới chọn loại cây trồng khác để canh tác.

- Phổ biến là bệnh đốm phấn do Erysiphe polygoni, Cercospora sp, Ovularia sp và Cylindrocladium hawkesworthii. Chúng tạo những vết bệnh màu vàng, lồi lên trên phiến lá, sau đó chuyển sang màu đen. Bệnh làm giảm quang hợp, ảnh hưởng đến năng suất. Trị bằng các loại thuốc trừ nấm gốc đồng. Bệnh sọc virus do rhabdovirus tạo những sọc vàng trên thân và củ, trên lá có những đốm vàng

- Các loại thuốc đặc trị bệnh thán thư như: Ridomil 68WP; Ridozed 72WP; Antracol 700WP, khi phun thuốc nên cộng với dầu khoáng SK 98EC để thuốc bám dính và loang đều trên lá tăng hiệu lực thuốc, đồng thời dầu khoáng cũng có tác dụng làm hạn chế sự gây hại của sâu ăn tạp, rầy mềm, bọ trĩ.
Việc bón phân cân đối là hình thức chống sâu bệnh tốt nhất vậy nên không bón phân đơn, tránh để các nguồn nước ô nhiểm và bẩn chảy vào ruộng Sen vì nó làm tan dịch bệnh cho ruộng và cây Sen.
           
11. Thu hoạch:

 - Khi sen già trên đỉnh hạt xuất hiện màu đen, ở cuống của gương sen có màu hồng thì thu hoạch được. Nên thu hoạch 2 ngày/lần để hạn chế hái sót tạo sen quá lứa khó chế biến vì sen già rất nhanh. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 40-50 ngày, sau đó cây sen tàn dần.

 - Khi thu hoạch trái thì kết hợp loại bỏ lá ở ngay cùng vị trí cuống, bông (cây sen có đặc tính từ mắt ở thân ngầm cây sẽ cho 1 cuống mang lá và một cuống mang bông) để giúp cây phát triển tiếp vì lá này sau khi đã thu gương nó trở nên vô hiệu. Nếu để chúng phát triển tiếp tạo sự cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng với các lá khác nhất là các nơi sen đang phát triển, ảnh hưởng lớn đến năng suất sau này.
+ Loại I: nhân trong vỏ sen cứng, đúng độ già, có tinh bột nhiều hạt nằm trong gương hơi lỏng, đầu núm hạt đen, đầu vỏ hạt có màu vàng nhạt (Màu vàng da cam), xung quanh vỏ hạt sen trong gương còn màu xanh tươi. Số lượng hạt chắc đạt từ 12 hạt trở lên.
+ Loại II: Tiêu chuẩn như loại I, chỉ khác số lượng hạt chắc đạt từ 5-11 hạt.
+ Loại III: Tiêu chuẩn như loại I, chỉ khác số lượng hạt chắc đạt dưới 5 hạt.
 + Không nên thu hoạch khi sen còn non hoặc để sen quá già mới thu hoạch làm giảm giá trị, không xuất khẩu được.
 


12.  Lưu gốc:
- Thời gian thu hoạch kéo dài 40-50 ngày, sau đó sen tàn dần. Để canh tác tiếp vụ lưu gốc, thì nông dân rút nước cạn 10cm và cày trục theo băng có bề rộng 2 m (chú ý chọn lại giống ở phần bị cày trục để dằm lại) chừa lại đường có bề rộng 80 cm. Sau khi trục xong tiến hành dặm rải phân với liều lượng 400kg phân lân và bón thêm 50kg phân NPK (16:16:8)/ha, cho nước vào ruộng 20cm, 10 ngày sau sen sẽ mọc lại và tiếp tục chăm sóc như phần trên.

- Chỉ nên trồng liên tiếp 2 vụ sen rồi chuyển sang trồng lúa. Để vụ sen gốc thứ 3 năng suất rất thấp do sâu bệnh tích lũy nhiều.Nếu cần để giống khi trồng lại thì nên lấy giống ở vụ sen trước trồng riêng một khu ruộng khác để khi trồng lại ta có giống khỏi đi mua./.
Ks. Huỳnh Văn Bảo - GĐ HTXDVNNTH Hòa Xuân Tây 1

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây