Một số lưu ý khi chăn nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản
Nguyễn Thị Mai Ngọc (tổng hợp)
2024-11-12T03:37:36-05:00
2024-11-12T03:37:36-05:00
https://khuyennongpy.org.vn/index.php/van-ban-tai-lieu-ky-thuat/mot-so-luu-y-khi-chan-nuoi-chim-bo-cau-phap-sinh-san-505.html
https://khuyennongpy.org.vn/uploads/news/2024_11/image-20241112153600-1.jpeg
Trung tâm Khuyến nông Phú Yên
https://khuyennongpy.org.vn/uploads/logo.png
Thứ ba - 12/11/2024 03:35
Bồ câu là loài hiền lành, dễ nuôi, ít bệnh. Thịt chim bồ câu được coi là một món ăn quý trong Đông y nhờ vào hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú. Vì vây, trong những năm gần đây mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản ngày càng được mở rộng tuy nhiên số lượng chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Đối với bất cứ loại vật nuôi nào cũng vậy, những yếu tố quan trọng giúp bà con phát triển đàn vật nuôi, ổn định thu nhập bao gồm: Chất lượng con giống, chuồng trại, vệ sinh môi trường, chế độ dinh dưỡng, kỹ thuật chăm sóc theo tập tính sống riêng của từng loại vật nuôi. Do đó, để nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản đạt năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế người chăn nuôi cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Chọn giống chim bồ câu Pháp
Giống chim bồ câu Pháp: Dòng Mimas “siêu lợi” và dòng Titan “siêu nặng” đều cho tỷ lệ nuôi sống cao, hiệu quả chăn nuôi tốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Tiêu chuẩn con giống: khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không dị tật, có bộ lông bóng mượt. Thời điểm chọn mua chim giống tốt nhất là khi chim được 4 - 5 tháng tuổi, nên chọn các cặp chim đã được ghép sẵn với nhau (1 trống, 1 mái) và lựa chọn các cơ sở uy tín để mua được chim giống có chất lượng.
Phân biệt trống mái dựa trên ngoại hình: con trống to hơn, đầu thô, có phản xạ gù mái (lúc thành thục), khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp; con mái thường có khối lượng nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng.
- Chuồng trại chăn nuôi
Chuồng nuôi chim phải khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh được gió lùa, mưa, mèo, chuột, có độ cao vừa phải, có ánh sáng mặt trời và đặc biệt phải yên tĩnh đối với chuồng nuôi chim ấp trứng và chim non. Kiểu làm chuồng phổ biến nhất là chuồng nuôi nhiều tầng làm bằng khung thép, được chia thành các ô, mỗi ô chuồng có kích thước 50 x 60 x 50 (cm) có đầy đủ máng ăn, máng uống.
Máng ăn nên đặt ở những vị trí dễ nhìn thấy, dễ mổ thức ăn, tránh ẩm ướt và hạn chế thức ăn rơi vãi (do chim bồ câu có đặc tính chọn thức ăn ở nơi cao). Máng uống phải đảm bảo tiện lợi và dễ vệ sinh, có thể tận dụng lon nước giải khát, lon bia, ly nhựa... để làm máng uống.
Ổ đẻ: Do đang trong giai đoạn nuôi con, chim bồ câu đã đẻ lại nên mỗi đôi chim cần 2 ổ đẻ, một ổ đẻ và ấp trứng đặt ở trên, một ổ nuôi con đặt ở dưới. Mỗi ô chuồng có một cửa ra vào nhỏ để thuận tiện cho việc bắt chim phòng bệnh hoặc xuất bán.
- Chăm sóc, nuôi dưỡng
Chim ăn trực tiếp các loại hạt thực vật như các loại đậu, bắp, lúa, gạo... và thức ăn công nghiệp ngoài ra chim cần một lượng nhất định các hạt sỏi, giúp cho chim trong quá trình tiêu hoá của dạ dày cơ (mề). Nên cho chim bồ câu ăn 2 lần trong ngày buổi sáng lúc 8-9 giờ, buổi chiều lúc 14-15 giờ và vào một thời gian cố định trong ngày, lượng thức ăn = 1/10 trọng lượng cơ thể. Nhu cầu nước uống của chim bồ câu không lớn nhưng cần có đủ nước để chim uống tự do khoảng 50 - 90 ml/ngày/con. Có thể bổ sung vitamin và kháng sinh vào nước uống để phòng bệnh khi cần thiết.
Chim mái khoảng 6 tháng tuổi bắt đầu sinh sản, chim mái đẻ 2 trứng/lứa chim ít khi đẻ 1 hay 3 trứng. Sau khi đẻ quả trứng thứ hai chim bắt đầu ấp nhưng có đôi khi chim ấp ngay khi đẻ quả trứng đầu tiên vì vậy nếu không để ý và can thiệp thì quả trứng thứ nhất sẽ nở trước quả trứng thứ hai khi đó chim non nở trước sẽ có kích thước lớn hơn, khỏe hơn, ăn nhiều hơn và chèn ép chim thứ hai vì vậy nên lấy quả trứng đẻ trước ra khỏi tổ và trả về lại tổ sau khi chim mẹ đẻ xong quả trứng thứ hai.
Thời gian ấp trứng khoảng 16 - 18 ngày, sau khi nở được 4 tuần tuổi chim bồ câu con ra ràng có thể xuất bán thịt. Khoảng cách giữa hai lứa đẻ từ 40-45 ngày. Chim bồ câu sinh sản quanh năm nên trong điều kiện chăn nuôi tốt thì một cặp chim bố mẹ trung bình có thể sinh sản 12-14 chim bồ câu con/năm.
Để tăng tỷ lệ trứng nở cao tránh được tình trạng hao hụt do dập, vỡ trứng và con non nở ra khỏe mạnh,...một số trang trại sử dụng máy ấp trứng thay thế cho việc ấp nở tự nhiên. Khi chim bố mẹ đẻ trứng, toàn bộ trứng thật sẽ được lấy ra đưa vào máy ấp trứng, đồng thời trứng nhân tạo sẽ được đưa vào ổ thay thế cho trứng thật. Lúc này chim bố mẹ vẫn tiếp tục quá trình ấp trứng, tiết sữa diều như bình thường. Khi con nở sẽ được đưa trở lại chuồng cho chim bố mẹ nuôi.
Ngoài ra, người chăn nuôi có thể áp dụng quy trình ghép con để nuôi. Thông thường một cặp bố mẹ sẽ ấp nở và nuôi 2 con con cho đến khi xuất bán nhưng để tăng năng suất sinh sản và đảm bảo sức khỏe lâu dài cho đàn chim bố mẹ, có thể tiến hành nuôi ghép con. Khi 3 cặp chim con nở thì sẽ tách 1 cặp con dồn cho 2 cặp chim bố mẹ nuôi và cặp bố mẹ còn lại sẽ tiếp tục sinh sản lứa tiếp theo. Trong thời kỳ nuôi con (từ khi nở đến 28 ngày tuổi), cần thay lót ổ thường xuyên (2-3 ngày/lần) để tránh sự tích tụ phân trong ổ. Khi chim non được 7-10 ngày mới tiến hành cho ổ đẻ thứ hai vào và sau khi tách mẹ, ổ đẻ được bỏ ra rửa sạch, phơi khô sát trùng để dùng cho lứa đẻ tiếp theo. Mỗi cặp bồ câu có chu kỳ sinh sản trong 5 năm, tuy nhiên sau hơn 3 năm đẻ, khả năng sinh sản sẽ giảm sút cần loại bỏ và thay chim bố mẹ mới.
- Quy trình thú y, phòng bệnh
Thức ăn cung cấp cho chim không bị ẩm mốc, nước uống phải sạch.
Cần chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, quét dọn hàng ngày đối với các dãy chuồng, khu vực xung quanh chuồng và lối đi.
Trong điều kiện không có dịch bệnh, định kỳ phun thuốc sát trùng 2 tuần 1 lần đối với toàn bộ khu vực chăn nuôi. Các loại hóa chất có thể sử dụng là: lodin, Bencocid, vimekon…
Thực hiện tiêm phòng vaccin đặc biệt lưu ý bệnh Newcastle là bệnh do virus gây ra, rất hay xảy ra trên đàn bồ câu.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Mai Ngọc (tổng hợp)