Một số nội dung cần lưu ý đối với công tác phòng bệnh, sử dụng vắc xin trong chăn nuôi vịt

Chủ nhật - 02/07/2023 22:54
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên về số lượng vật nuôi gia súc có khoảng hơn 322 nghìn con, gia cầm có khoảng hơn 4 triệu con, trong đó chăn nuôi vịt đạt khoảng 900 nghìn con/năm.

Nghề chăn nuôi vịt phát triển, tập trung chủ yếu ở các huyện Đông Hoà, Tuy An, Phú Hoà. Tuy nhiên, chăn nuôi vịt vẫn còn theo phương pháp truyền thống, nuôi thả đồng để tận dụng nguồn thức ăn trong giai đoạn ngắn, theo hướng tự phát, nhỏ lẻ, chuồng trại còn tạm bợ, chưa đầu tư nhiều về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi đàn vịt. Vì vậy, tốn nhiều công chăm sóc, quản lý trên đồng, bãi chăn dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường, hạn chế kiểm soát chất thải, gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Trung tâm Khuyến nông xin giới thiệu một số nội dung mà bà con nông dân cần lưu ý đối với công tác phòng bệnh và sử dụng vắc xin phòng bệnh trong chăn nuôi vịt.

Đối với chăn nuôi vịt nói riêng, gia cầm nói chung thì công tác phòng bệnh và sử dụng vắc xin phòng bệnh là khâu rất đáng lưu ý, vì một khi phát dịch bệnh thì khó kiểm soát được dẫn đến thiệt hại về kinh tế rất lớn cho người chăn nuôi. Để công tác phòng bệnh được đảm bảo trong suốt quá trình chăn nuôi, cần phải thực hiện những vấn đề sau:

picture3

Hướng dẫn sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi vịt


1. Vệ sinh chuồng trại và thiết bị chăn nuôi:

Chuồng trại đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, duy trì mật độ đúng yêu cầu và đủ diện tích sân chơi như đã qui định ở phần  trên.

- Phải thực hiện nghiêm túc đầy đủ luật lệ về công tác phòng trừ dịch bệnh, trước cửa chuồng nuôi phải có hố khử trùng. Trong chuồng nuôi chỉ nên có 01 lứa vịt và nếu có 2 lứa thì chỉ nên cách nhau không quá 7 ngày tuổi.

- Chuồng nuôi phải có chu kỳ luân chuyển hàng năm để có thời gian xử lý và trống chuồng. Vịt nhập về phải nuôi cách ly từ 15 - 20 ngày và giữ đúng các nguyên tắc thú y quy định.

- Chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phải được rửa để khô ráo xung quanh chuồng nuôi phải vệ sinh công nghiệp sau đó tiến hành vệ sinh tiêu độc định kỳ bằng một số thuốc sát trùng.

+ Vôi  bột: Rải vôi bột xung quanh và bên trong chuồng nuôi  sau đó phải  để  2 - 3  ngày rồi quét dọn lại lần nữa (Biện pháp này ít dùng vì dễ làm cho vịt hô hấp  hít phải bụi vôi  bột).  
    

+ Nước vôi: dùng nước vôi mới tôi quét nền chuồng, sân chơi và xung quanh tường phải để khô mới rải độn chuồng và đưa vịt vào .

+ Dùng Formol (1 - 3 %):  Phun toàn bộ  nền và tường chuồng.
+ Dùng Crezil  (3 - 5  %) để phun

+ Xông hơi bằng hỗn hợp formol và thuốc tím liều lượng cứ 17,5 gam thuốc tím + 35 ml Formol cho 1m3 chuồng nuôi, khi xông hơi đòi hỏi chuồng phải kín mới có tác dụng.

- Độn chuồng: Độn chuồng bằng phôi bào, trấu hoặc rơm rạ, cỏ khô cắt ngắn. Chất độn chuồng trước khi sử dụng phải được phơi khô, tiêu độc bằng các chất sát trùng kể trên, ủ một ngày, sau đó rải đều cho bay hơi hết mới đưa vào chuồng.

- Máng ăn, máng uống, lò sưởi, cót quây vịt,..., phải được rửa sạch sau đó sát  trùng bằng một trong các loại thuốc sát trùng kể trên rồi chuẩn bị sẵn trong chuồng trước khi nhập vịt về.

2.  Vệ sinh thức ăn, nước uống:

- Thức ăn: Đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng khẩu phần theo tiêu chuẩn. Không cho vịt ăn các loại thức ăn ôi, mốc. Thức ăn bị nhiễm nấm mốc chứa nhiều độc tố của nấm mốc là một trong các nguyên nhân gây chết vịt đặc biệt là vịt con, và làm giảm tỉ lệ đẻ trứng rất nghiêm trọng đối với vịt sinh sản. Không dùng các loại thức ăn hàm lượng muối cao, trong thức ăn có thể sử dụng chế phẩm vi sinh như EM, dung dịch Anolit, Catolit để giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường do chất thải của vịt.

- Nước uống: Nước uống cho vịt phải là nước sạch, không dùng nước đục, nước ao, hồ tù đọng, nước giếng có hàm lượng sắt cao. Có thể dùng thuốc tím 0,5‰ (5 gam cho 10 lít nước) để khử trùng nước uống cho vịt, ngan.... bằng Cloramin  1%  (10 gam cho 10 lít nước).

3. Vệ sinh sau từng đợt chăn nuôi:

- Gia cầm ốm yếu cần loại ngay ra khỏi đàn, xác gia cầm chết cần phải đưa ngay ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý tuỳ từng loại bệnh.

- Chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi được cọ rửa sạch sẽ và khử trùng tiêu độc để  chuẩn bị đợt chăn nuôi tiếp, để trống chuồng 7 - 15 ngày.

- Thực hiện tiêm phòng và dùng thuốc phòng bắt buộc theo đúng quy trình phòng bệnh cho từng giống và từng loại gia cầm. Đẩy mạnh công tác phòng dịch cho các đàn gia cầm nuôi phân tán trong nông hộ.

- Thực hiện nghiêm ngặt việc phun thuốc khử trùng định kỳ trong chuồng nuôi và khu vực trang trại, gia trại 1 - 2 lần/tuần. Tuân thủ nghiêm túc các vấn đề về an toàn sinh học cho trang trại và cho người ra vào khu vực chăn nuôi.

- Giám sát theo dõi chặt chẽ mỗi khi gia cầm ốm đau. Chẩn đoán điều trị ngay mỗi khi gia cầm bị bệnh. Bao vây, khống chế, tiêu huỷ ngay đàn gia cầm tại khu vực nếu phát hiện bệnh nguy hiểm.

picture1

Hướng dẫn cách phát hiện bệnh tích trong chăn nuôi vịt


4. Xứ lý chất thải và gia cầm chết:

- Từ trước đến nay hầu như sử dụng chất thải và phân của chăn nuôi gia cầm cho trồng trọt không qua xử lý cho nên ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh môi trường và dễ lây lan dịch bệnh.

- Không sử dụng chất thải và phân của gia cầm khi chưa được xử lý.

- Nước thải, nước rửa chuồng trại của chăn nuôi gia cầm theo hệ thống mương tiêu thoát về đến hố chứa và phải được xử lý trước khi đưa ra môi trường bên ngoài trang trại. Nếu lượng nước thải không được xử lý kịp thời sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và không an toàn cho sản xuất.

- Phân  và  độn  chuồng  trong  quá  trình  chăn  nuôi  được  thu  gom  lại  thành đống  ở  nơi  qui  định,  xử  lý  theo  phương  pháp  nhiệt  sinh  vật sau đó mới được sử dụng cho trồng trọt.

- Xác gia cầm chết phải tiến hành huỷ theo phương pháp thiêu đốt, không nên chôn sẽ làm bẩn nguồn nước ngầm và ô nhiễm môi trường.

5. Hướng dẫn sử dụng vắc xin bằng cách pha vào nước uống phòng bệnh cho vịt:

- Phương pháp này chỉ áp dụng với những loại vắc-xin có chỉ định sử dụng qua đường uống.

- Sử dụng vắc-xin qua nước uống là cách đơn giản và phổ biến để dùng vắc-xin cho số lượng lớn vịt, ngan, ít gây xáo trộn cho đàn, tuy nhiên, khi thực hiện cần cẩn thận từng bước để đảm bảo đàn vịt, ngan có đáp ứng miễn dịch cao.

* Nguyên tắc chung khi dùng vắc-xin qua nước uống

- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng;

- Vắc-xin phòng bệnh nào thì chỉ phòng được bệnh đó, không phòng được bệnh khác;

- Nước sử dụng cho vắc-xin uống phải có chất lượng tốt, không có cặn hữu cơ, clorin, chất khử trùng và không nhiễm ion kim loại (sắt, nhôm, kẽm, thủy ngân, chì; v.v...);

- Nước sử dụng phải mát, trong khoảng nhiệt độ từ 18 - 20­­­0 C, độ pH từ 5,5 - 7,5;

Lưu ý: Trong trường hợp dùng nước máy có chứa clorin, để trung hòa chất clorin và cân bằng độ pH của nước (trong khoảng 5,5 - 7,5) có thể làm như sau:

+ Cách 1: Để nước máy trong thùng chứa mở nắp qua 24 giờ.

+ Cách 2: Dùng sữa bột tách bơ hòa tan trong nước với liều lượng 2,5 gam sữa bột/ 1 lít nước.

* Kỹ thuật dùng vắc-xin qua nước uống: Để đảm bảo hiệu quả sử dụng vắc-xin phải thực hiện đầy đủ các bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị trước ngày uống vắc-xin

- Kiểm tra để đảm bảo có đủ số lượng vắc-xin, sữa bột dùng cho đàn, vịt ngan;

- Kiểm tra để đảm bảo có đủ số lượng máng uống cho tất cả đàn vịt, ngan uống cùng một lúc;

- Rửa sạch toàn bộ máng uống, bình chứa nước bằng xà phòng và sau đó rửa lại bằng nước sạch;

- Chuẩn bị đủ lượng nước cần dùng để pha vắc-xin cho đàn vịt, ngan uống hết trong khoảng 2 giờ.

Chú ý: Nếu thời gian uống ít hơn 1,5 giờ thì có thể vịt, ngan sẽ không nhận đủ liều vắc-xin, nếu thời gian uống nhiều hơn 2 giờ thì vắc-xin có thể bị mất hiệu lực trước khi vào cơ thể vịt, ngan.

Bước 2: Vào ngày uống vắc-xin

- Kiểm tra lại tình trạng sức khỏe đàn vịt, ngan trước khi dùng vắc-xin;

- Rửa dụng cụ, máng uống, không dùng chất tẩy rửa và chất khử trùng;

- Chỉ nên dùng đồ dùng bằng nhựa như máng uống, xô, thùng chứa nước, bình pha và chia vắc-xin;

- Không cho vịt, ngan uống nước một tiếng trước khi dùng vắc-xin để chúng khát nước sẽ uống vắc-xin nhanh hơn;

- Pha vắc-xin vào nước uống:

+ Đổ vào xô, thùng lượng nước đã chuẩn bị để vịt, ngan uống hết trong 2 giờ;

+ Vặn nắp kim loại của lọ vắc-xin;

+ Mở nắp lọ vắc-xin dưới mặt nước trong xô, thùng để nước tràn vào lọ; dùng que nhựa khuấy đều lọ vắc-xin, sau đó hòa lọ vắc-xin vào xô nước.

- Phân chia lượng nước đã pha vắc-xin đều cho tất cả máng nước, đảm bảo tất cả vịt, ngan đều được uống vắc-xin cùng lúc;

- Khuyến khích vịt, ngan uống vắc-xin: Sau khi cho uống vắc-xin 15 - 30 phút, người chăn nuôi đi vào chuồng vịt, ngan một lượt để xua vịt, ngan uống, đảm bảo toàn bộ đàn uống hết lượng nước đã pha vắc-xin trong vòng 2 giờ.

Bước 3: Sau uống vắc-xin:

- Kiểm tra máng uống đảm bảo nước pha vắc-xin đã được vịt, ngan uống hết.

- Bổ sung thêm nước sạch đã khử clorin vào máng uống trong 24 giờ tiếp theo.

- Ghi chép chi tiết về vắc-xin vào sổ theo dõi: Tên vắc-xin, lô số, hạn sử dụng, ngày sử dụng vắc-xin.

- Xử lý lọ vắc-xin đã qua sử dụng bằng nước sôi hoặc chất khử trùng.

- Bổ sung vitamin, men tiêu hóa cho vịt, ngan trong 3 - 5 ngày tiếp theo.
 

Tác giả bài viết: Lê Thị Duy Đính - TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây