Có nhận thức tốt thì việc có khó cũng làm được
Phạm Lê Hoàng - Trạm KN huyện Đồng Xuân
2024-10-29T04:12:42-04:00
2024-10-29T04:12:42-04:00
https://khuyennongpy.org.vn/index.php/hoat-dong-khuyen-nong/co-nhan-thuc-tot-thi-viec-co-kho-cung-lam-duoc-501.html
https://khuyennongpy.org.vn/uploads/news/2024_10/image-20241029151115-2.jpeg
Trung tâm Khuyến nông Phú Yên
https://khuyennongpy.org.vn/uploads/logo.png
Thứ ba - 29/10/2024 04:10
Không ai nghĩ ở một cái xã vùng sâu, vùng xa miền núi, với gần 100% người đồng bào dân tộc thiểu số lại có thể trồng rau sạch bằng mô hình nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tự động.
Đó là việc làm “không giống như thường lệ” của vợ chồng chị Mang Thị Nhiên (sinh năm 1987), người dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, với tinh thần dám nghĩ dám làm, đã trở thành những người tiên phong góp phần nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp sạch trong cộng đồng.
Theo chị Nhiên, trước đây người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã của chị muốn ăn rau thì đi hái rau rừng hay rau mọc hoang dại trong nương rẫy. Nhưng do điều kiện thời tiết ngày một khắc nghiệt, việc khô hạn, thiếu nước tưới ngày một trầm trọng vào mùa nắng, ngày càng có nhiều hộ không hái rau ăn được đã phải mua rau từ các nguồn bên ngoài.
Nhận thức rất sớm về việc trồng rau cung cấp trong thôn, trong xã; thấy việc trồng rau cũng đơn giản mà thu nhập lại tương đối ổn định, trong khi đất đai và nguồn nước tại gia đình ổn định, thế là chị đã trồng nhiều loại rau. Nhưng trồng rau một thời gian thì khó khăn đến từ việc kiểm soát sâu bệnh. Chị Nhiên cho biết: "Bà con rất nhạy cảm với thuốc trừ sâu, dù là thuốc sinh học. Vì thế, chúng tôi phải tìm cách hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV."
Vợ chồng chị quyết tâm thay đổi cách làm từ việc trồng rau quãng canh theo truyền thống nay chuyển sang trồng rau thâm canh trong nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tự động.
Ảnh: Nhà lưới trồng rau của chị Nhiên ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh
Ảnh: Lắp đặt hệ thống tưới và trồng rau của vợ chồng chị Nhiên
Diện tích trồng rau nhà chị Nhiên hiện có 500m², trong đó 200m² được dành cho trồng trong nhà lưới các loại rau như cải, ngò, hành lá, xà lách và rau muống; 300m² còn lại được dùng để trồng ngoài nhà lưới các loại rau quả có sức đề kháng tốt như rau giang, cà nút, mì gòn. Thu nhập từ việc bán rau hàng ngày tại chợ Xuân Lãnh và tại vườn mang lại cho chị bình quân 5.400.000 đồng/tháng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 4.000.000 đồng.
Ngoài trồng rau, gia đình chị còn phát triển chăn nuôi 4 con bò, 20 con heo rừng lai, hơn 200 con gà, mang lại thu nhập thêm 6.000.000 đồng mỗi tháng. Nguồn phân từ chăn nuôi, chị đem ủ để bón cho cây trồng. Ngoài ra, anh Điệp, chồng chị Nhiên mua máy cày phục vụ sản xuất của gia đình và nhận cày thuê, giúp gia đình có thêm thu nhập 2.000.000 đồng/tháng.
Ảnh: Nhà bảo vệ máy móc thiết bị tưới tự động nhà lưới trồng rau của vợ chồng chị Nhiên
Nhờ sự năng động và quyết tâm vượt khó, gia đình chị Nhiên đạt được tổng thu nhập trên 12.000.000 đồng mỗi tháng sau khi trừ chi phí. Con số dù không lớn, nhưng cách làm mạnh dạn tiên phong của vợ chồng chị xứng đáng được biểu dương và là tấm gương tiêu biểu cho người dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế nông thôn.
“Cuối cùng người nông dân phải nói: Đã đến lúc ta không thể nghĩ như cũ, làm như đã làm bao đời nay được nữa. Phải thích ứng, chủ động thích ứng với mọi sự biến đổi để thay đổi.” (Theo Bộ trưởng Bộ NN & PTNT - Lê Minh Hoan tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia tổ chức ngày 14/10/2024 ở Hà Nội,)
Tác giả bài viết: Phạm Lê Hoàng - Trạm KN huyện Đồng Xuân