Một số kết quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực Khuyến ngư giai đoạn 2021- 2024 tại Phú Yên

Thứ hai - 21/10/2024 21:00
Khuyến nông là hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo tay nghề cho nông dân nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Trong đó hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ được chú trọng và đặt lên đầu tiên với các phương thức đặc thù bao gồm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, mô hình trình diễn, thông tin tuyên truyền và thông qua các hình thức như chương trình, dự án, kế hoạch khuyến nông, chương trình, kế hoạch chuyển giao công nghệ. Có thể hình dung một cách hình tượng rằng khuyến nông là chiếc cầu nối đa chiều giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với nông dân, doanh nghiệp, vừa đóng vai trò là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân, vừa là nơi tiếp nhận và kịp thời phản ánh nhu cầu thực tế của nông dân và doanh nghiệp đến với Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học. Trong thời gian qua, hệ thống khuyến nông là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

1. Kết quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong hoạt động khuyến nông lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2021-2024 tại Phú Yên

Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp hội đoàn thể và đơn vị liên quan khảo sát nhu cầu sản xuất của người nông dân, tìm hiểu các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp xuất phát từ các đề tài, dự án khoa học công nghệ đã triển khai có hiệu quả trong tỉnh để tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành và sửa đổi bổ sung Chương trình Khuyến nông tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 (tại Quyết định 1802/QĐ-UBND ngày 13/10/2020, Quyết định số 1127/QĐ-UBND ngày 25/8/2023, Quyết định số 1259/QĐ-UBND ngày 17/9/2024 của UBND tỉnh Phú Yên), ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về khuyến nông trên địa bàn tỉnh Phú Yên (tại Quyết định số 25/2024/QĐ-UBND ngày 29/5/2024 của UBND tỉnh Phú Yên). Căn cứ Chương trình Khuyến nông 5 năm đã được phê duyệt, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai nhiều dự án, mô hình, tổ chức nhiều lớp tập huấn hiện trường, hội nghị, hội thảo nhằm ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp vào thực tế sản xuất của nông dân địa phương, góp phần vào mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của ngành nông nghiệp trong tỉnh, gia tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Trong lĩnh vực thủy sản, thực hiện lồng ghép các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp như đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng nuôi, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai thực hiện và đưa vào Kế hoạch Khuyến nông hàng năm các mô hình nuôi nước mặn, nuôi nước ngọt, khai thác hải sản như: nuôi cá mú (giống cá mú trân châu lai giữa cá mú nghệ và cá mú cọp cho ra chất lượng thịt ngon và tốc độ tăng trưởng tốt), cá rô phi đơn tính đực (con giống được tuyển chọn để lựa chọn đàn giống có giới tính đực chiếm đa số từ đó nâng cao năng suất vụ nuôi), cá thát lát (đối tượng nuôi tương đối mới trong tỉnh, với lợi thế có thể sơ chế thành chả cá để cấp đông bảo quản trong thời gian dài), hải sâm (đối tượng nuôi thân thiện với môi trường, có thể kết hợp với nhiều đối tượng nuôi biển khác để mang lại kinh tế cho người dân), ốc hương (hiện tại đang có giá trị kinh tế), ứng dụng đèn led trong nghề lưới chụp, lưới vây để khai thác hải sản vùng khơi (góp phần hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác hải sản để tăng sản lượng đánh bắt), khuyến cáo người dân áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác hải sản theo quy định, có khai báo, bảo vệ và khai thác nguồn lợi hải sản bền vững.

Trong giai đoạn từ năm 2021-2024, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã triển khai 11 mô hình khuyến nông thuộc lĩnh vực thủy sản nhằm áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật trong điều kiện canh tác hộ gia đình với quy mô phù hợp để làm mẫu nhân ra diện rộng. Một số mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản được nông dân quan tâm, nhân rộng tốt ở một số địa phương như:

- Mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể: Triển khai trong giai đoạn 2021-2024 với tổng quy mô 928 m2/19 hộ tham gia mô hình tại huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa, TX. Đông Hòa, TP. Tuy Hòa. Kết thúc mô hình lươn đạt tỷ lệ sống từ 75-90%, kích cỡ từ 250 – 310 g/con sau vụ nuôi 8 tháng, đạt so với yêu cầu đề ra. Mô hình được nhân rộng tại các huyện Phú Hòa (khoảng 24 hộ), huyện Tây Hòa (khoảng 29 hộ). Ngoài ra một số hộ dân tham gia mô hình đã tìm hiểu và nghiên cứu cho sinh sản lươn giống để cung cấp cho nhu cầu thị trường trong tỉnh.



- Mô hình nuôi chình thương phẩm trong ao đất: Triển khai từ năm 2020-2022 với quy mô 1.450m2/02 hộ dân tham gia tại huyện Tây Hòa. Kết thúc mô hình sau vụ nuôi 24 tháng chình đạt tỷ lệ sống 90%, kích cỡ khoảng 1,9-2,5 kg/con, đạt so với yêu cầu đề ra.



- Mô hình nuôi chình thương phẩm trong bể: Triển khai trong  giai đoạn 2021-2024 với tổng quy mô 178 m2/03 hộ dân tham gia tại thị xã Đông Hòa. Kết thúc mô hình sau vụ nuôi 12 tháng chình đạt cỡ trung bình 01 kg/con trở lên, tỷ lệ sống trên 90%, đạt so với yêu cầu đề ra.



- Mô hình nuôi cua biển thương phẩm: Triển khai trong giai đoạn 2022-2023 với tổng quy mô 42.000 m2/05 hộ tham gia tại thị xã Đông Hòa. Kết quả sau vụ nuôi 5 tháng, tỷ lệ sống đạt từ 54%, kích cỡ trung bình 250 g/con trở lên, đạt yêu cầu đề ra. Mô hình được địa phương nhân rộng lên khoảng 40 hộ nuôi với diện tích khoảng 20 ha tại thị xã Đông Hòa.



- Mô hình nuôi cá mú (cá song) thương phẩm trong ao đất: Triển khai từ năm 2023-2024 với quy mô 3.300 m2/1 hộ tham gia tại thị xã Đông Hòa. Kết thúc mô hình kết quả trọng lượng bình quân từ 1 kg/con, tỷ lệ sống đạt 80% trở lên, đạt so với yêu cầu đề ra. Mô hình đã được một số địa phương nhân rộng tại thị xã Đông Hòa, Sông Cầu.



- Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm”: Triển khai từ năm 2023-2024 với tổng quy mô 02 ha/03 hộ tham gia triển khai tại thị xã Sông Cầu. Năng suất sản xuất muối trên nền trải bạt nhựa HDPE khoảng 115-120 tấn/ha/vụ, trong khi đó năng suất sản xuất muối trên nền đất khoảng 80-100 tấn/ha/vụ, đồng thời thời gian 1 lần thu hoạch của sản xuất muối trên nền bạt nhựa HDPE được rút ngắn xuống khoảng 2-3 ngày. Sản phẩm của mô hình đảm bảo chất lượng, ít lẫn tạp chất, được HTX muối Tuyết Diêm bao tiêu thu mua tiêu thụ.


Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã tổ chức ghi hình, xây dựng các videoclip hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp đăng tải trên trang thông tin điện tử Khuyến nông Phú Yên, fanpage Khuyến nông Phú Yên và tài khoản youtube Khuyến nông Phú Yên. Việc xây dựng và đăng tải các videoclip này mang lại hiệu quả rất đáng khích lệ, thu hút người xem và chia sẻ. Một số nội dung videoclip lĩnh vực thủy sản có lượng người xem cao như: Clip sử dụng vật liệu mới làm lồng nuôi tôm hùm có 17.000 lượt xem; clip hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc bươu đen có 22.669 lượt xem…


Tổ chức hội nghị, hội thảo Giải pháp nuôi trồng và phát triển thủy sản bền vững” tại thị xã Sông Cầu với sự tham dự của Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Giống nông nghiệp, Phòng Kinh tế TX. Sông Cầu, Hội Nông dân TX. Sông Cầu, Hội Nông dân huyện Tuy An, các chuyên gia, nhà khoa học đại diện của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III; Công ty cổ phần nuôi trồng thủy sản STP Khánh Hòa; Công ty TNHH Hải Long Bình Định; Công ty Uni-President Việt Nam và 102 nông dân sản xuất nhỏ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại các địa phương trên địa bàn TX. Sông Cầu, huyện Tuy An, các cơ quan thông tấn, báo chí Báo Nông nghiệp Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên (PTP), Báo Phú Yên, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (VTV8), TTXVN tại Phú Yên. Thông qua hội thảo, người nông dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật  mới như: Hiện trạng, tiềm năng và phương hướng phát triển nuôi trồng hải sâm cát tại Việt Nam; Giải pháp nuôi trồng và phát triển thủy sản bền vững bằng vật liệu HDPE; Quy trình nuôi tôm theo combo 58 của tập đoàn HAID; Thiết bị hút xác tôm tự động CDSS.

2. Đề xuất các giải pháp, định hướng thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong thủy sản

Để thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đầu tiên cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học để đúc kết thành nhiều tiến bộ kỹ thuật hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp, trong đó phải ưu tiên nguồn vốn và tạo nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các viện, trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Các tiến bộ kỹ thuật được công nhận cần có tính thực tiễn cao, mang lại hiệu quả thiết thực, sản phẩm tạo ra khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật có chất lượng tốt, năng suất cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, đáp ứng được thị hiếu và phù hợp với mức sống của đa số người tiêu dùng. Cần đẩy mạnh nghiên cứu nâng cao kỹ thuật canh tác, sản xuất các đối tượng thủy sản chủ lực, có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu lớn, bên cạnh đó cũng cần quan tâm nghiên cứu thử nghiệm để phát triển các đối tượng sản xuất tiềm năng trong tương lai. Một số nội dung hiện nay cần được quan tâm trong lĩnh vực thủy sản  như nghiên cứu sản xuất, lai tạo con giống thủy sản có khả năng chống chịu với điều kiện môi trường khắc nghiệt và bệnh nguy hiểm; nghiên cứu thúc đẩy sản xuất thức ăn thủy sản bền vững, sử dụng các nguồn thức ăn có nguồn gốc từ thực vật; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giám sát quá trình nuôi trồng, đảm bảo việc nuôi trồng diễn ra hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm nước và đất.

Cần có chính sách hỗ trợ cho vay vốn để người nông dân có điều kiện cải tiến cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác. Bên cạnh đó cần bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ra từ kết quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, như vậy giá bán sẽ ổn định, không bị tư thương ép giá, giúp người nông dân có cơ sở hạch toán kinh tế và yên tâm vào việc đầu tư sản xuất. Cần có sự quan tâm chỉ đạo phối hợp giữa các cấp ngành về vấn đề hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị để đảm bảo giá trị đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng. Xây dựng và áp dụng hệ thống chứng nhận thủy sản bền vững giúp nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm trên thị trường. Lồng ghép việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào hồ sơ đăng ký các sản phẩm OCOP thủy sản tại địa phương, tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản được chứng nhận OCOP vì khi có hiệu quả kinh tế người nông dân sẽ có động lực từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu để chuyển sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác mới.

Khuyến nông viên cần được tiếp cận và tham gia vào các hoạt động khoa học công nghệ để có thể mở rộng vốn kiến thức từ đó chuyển tải được các nội dung kỹ thuật canh tác mới, tiên tiến đến với người nông dân, hoặc cũng có thể xem các nhà khoa học, các viện trường, các doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng là một thành phần quan trọng tham gia vào hoạt động khuyến nông bên cạnh hệ thống khuyến nông được nhà nước thành lập. Thường xuyên tổ chức và phối hợp với các cơ quan chuyên môn đào tạo bồi dưỡng lực lượng cán bộ khuyến nông, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo các mô hình khuyến nông để mỗi cán bộ khuyến nông vừa am hiểu kiến thức chuyên môn, vừa có năng lực làm công tác dân vận, phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền đoàn thể ở địa phương để tuyên truyền, thúc đẩy nhanh việc nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thông tin tuyên truyền thông qua các chuyên mục khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng  cường các cuộc hội thảo, tham quan, cung cấp tin, bài, hình ảnh về các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các mô hình khuyến nông đạt hiệu quả trên các trang thông tin điện tử của khuyến nông các cấp. Tăng cường công tác tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân, từng bước tháo gỡ nút thắt trong sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hóa, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” và người nông dân không còn hào hứng để làm theo và nhân rộng mô hình. Tăng cường tổ chức các sự kiện khuyến nông nhằm liên kết “bốn nhà” để quảng bá các tiến bộ kỹ thuật mới, tổ chức các hội chợ tư vấn chuyển giao công nghệ để mang tiến bộ kỹ thuật đến gần với người nông dân hơn; tổ chức các chuyến tham quan học tập trong và ngoài tỉnh để nông dân “mắt thấy, tay sờ”, kết nối nhiều đơn vị, nắm bắt thông tin về mặt kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm,… từ đó góp phần đẩy mạnh việc chuyển giao, nhân rộng những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp từ đề tài, dự án thử nghiệm ra thực tế sản xuất, từ  đơn vị nghiên cứu đến người nông dân, từ địa phương này sang địa phương khác./.

Tác giả bài viết: Đào Mai Quốc Việt - TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây