Định hướng và thực hiện tháo gỡ khó khăn hướng đến phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững tại Phú Yên, việc không chỉ riêng ai

Chủ nhật - 15/09/2024 23:08
Chăn nuôi gia cầm là một trong những ngành sản xuất quan trọng của nông nghiệp Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội và an ninh lương thực của đất nước.
Có thể thấy rằng chăn nuôi gia cầm góp phần phát triển rất lớn trong nền kinh tế sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo thu nhập cho người nông dân, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tham gia vào chuỗi giá trị thực phẩm; cung cấp nguồn protein chất lượng cao cho người dân từ sản phẩm thịt, trứng; duy trì và phát huy các giống gia cầm bản địa có giá trị văn hóa dân gian. Chăn nuôi gia cầm còn có thể tận dụng các nguồn thức ăn phụ phẩm từ nông nghiệp, giảm thiểu lượng rác thải sinh học, sử dụng phân gia cầm làm phân bón hữu cơ có lợi cho cây trồng

Tại tỉnh ta, tiếp tục triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên lĩnh vực chăn nuôi, phát triển chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi tập trung theo hướng hiện đại, quy mô công nghiệp, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời duy trì phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng công nghiệp, có kiểm soát, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chú trọng chăn nuôi các đối tượng chủ lực như bò, lợn… và trong đó có cả gia cầm.

Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh khoảng 4,5 triệu con, trong đó đàn gà 3,6 triệu con, đàn vịt 0,9 triệu con. Gia cầm chủ yếu được nuôi quy mô nhỏ lẻ tại hộ gia đình, chỉ 43 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ và vừa, trong đó có 02 trang trại được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (Số liệu theo Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên tính tới tháng 6/2024)
 
bai dinh 1Dự án Phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học“ tại huyện Tuy An
 

Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 14/9/2021) với định hướng đến năm 2025, tổng đàn gia cầm đạt 5,5 triệu con; trong đó đàn gà khoảng 3 triệu con. Nâng cao tỷ lệ giống gà thuần thả vườn và giống vịt thuần trong cơ cấu tổng đàn. Tiếp tục hoàn thiện và áp dụng các quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, ưu tiên sử dụng thức ăn chủ yếu từ nguyên liệu sản xuất trong tỉnh, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường. Xây dựng vùng chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, đẩy mạnh việc liên kết trong chăn nuôi gia cầm, khuyến khích chăn nuôi gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAHP.

Hiện nay chăn nuôi gia cầm đang gặp không ít khó khăn, tồn tại cần phải tháo gỡ như: Đa phần nông dân hoạt động chăn nuôi gia cầm có quy mô nhỏ lẻ, nguồn vốn đầu tư còn thấp. Biến đổi khí hậu và một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia cầm (như bệnh Cúm gia cầm) không chỉ gây thiệt hại lớn về số lượng và chất lượng đàn gia cầm, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng. Nhận thức, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học của người chăn nuôi còn hạn chế; công tác vệ sinh môi trường và phòng bệnh còn nhiều bất cập, chưa chủ động được trong phòng bệnh dẫn đến tính bền vững và ổn định chưa cao. Một bộ phận không nhỏ người dân có thói quen và tập quán chăn nuôi truyền thống, sản xuất chạy theo xu hướng thị trường, tự phát, không tuân thủ quy hoạch và định hướng của ngành cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn đưa ra. Giá cả con giống, thức ăn, vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra còn bấp bênh, có rất ít đơn vị bao tiêu sản phẩm, chưa hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất. Tỷ lệ giống gia cầm thuần chưa cao, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp. Việc lạm dụng sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh trên gia cầm đã tạo ra việc kháng thuốc làm giảm hiệu quả điều trị, chi phí điều trị bệnh tăng cao, dư lượng thuốc kháng sinh trên các sản phẩm gia cầm còn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong chăn nuôi gia cầm hướng đến chăn nuôi gia cầm bền vững, góp phần đạt được những định hướng phát triển chăn nuôi đã đề ra trong Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Đề xuất một số giải pháp như sau:

- Giải pháp về khoa học

+ Đề xuất nhà khoa học, viện nghiên cứu nghiên cứu sản xuất, lai tạo con giống gia cầm, nâng cao tỷ lệ giống thuần có khả năng chống chịu với điều kiện môi trường khắc nghiệt, thích ứng với biến đổi khí hậu và bệnh nguy hiểm.

+ Đề xuất cơ quan nghiên cứu thúc đẩy sản xuất thức ăn chăn nuôi bền vững, sử dụng các nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn sẵn có tại địa phương.

+ Đề xuất các đơn vị, công ty có liên quan sản xuất các chế phẩm xử lý chất thải giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn sức khỏe cộng đồng.

- Giải pháp về kỹ thuật

+ Nhập giống có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở giống an toàn về các bệnh truyền nhiễm như Gumboro, Cúm gia cầm, Marek,… giống có tỷ lệ thuần cao, sức sản xuất tốt, thích nghi với điều kiện chăn nuôi tại địa phương.

Ưu tiên phát triển các giống bản địa, đặc sản có giá trị cao như: Gà nòi Phú Yên, Gà ta Phú Yên, ….Vịt thịt nhập ngoại về nuôi sản xuất giống tại Phú Yên.

+ Áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi sẽ giúp phòng ngừa dịch bệnh, tăng hiệu quả sản xuất chăn nuôi, hướng đến an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

+ Thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Thực hiện cách ly ngăn chặn, phòng ngừa các tác nhân gây bệnh; vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi. Tiêm phòng vaccine đúng bệnh, đủ liều, theo độ tuổi.

+ Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn thức ăn chăn nuôi cho gia cầm bằng việc sử dụng hợp lý khẩu phần thức ăn (ăn đúng, ăn đủ) và tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn thức ăn công nghiệp, góp phần giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi

+ Phát triển chăn nuôi gia cầm luôn gắn với công tác xử lý môi trường, hạn chế mức thấp nhất gây ô nhiễm môi trường tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng nuôi và sức khỏe cộng đồng xung quanh.

+ Thực hiện mật độ nuôi và khu vực nuôi đúng theo văn bản của Tỉnh: Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 của UBND tỉnh Phú Yên về quy định mật độ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Phú YênNghị quyết số số 06/2021/NQ-HĐND ngày 11/8/2021 của HĐND tỉnh Phú Yên về quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

- Giải pháp về hợp tác và liên kết cộng đồng

+ Thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, áp dụng quy trình khép kín, công nghệ hiện đại.

+ Khuyến khích và phát huy vai trò của tổ cộng đồng, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; các tổ cộng đồng, hợp tác xã nông nghiệp là nơi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong hoạt động chăn nuôi gia cầm.

+ Tăng cường tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm liên kết “bốn nhà” để giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững.

- Giải pháp về thị trường

+ Cần có sự quan tâm chỉ đạo phối hợp giữa các cấp, các ngành, đơn vị cung ứng, đơn vị tiêu thụ sản phẩm về vấn đề hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị để đảm bảo ổn định đầu vào, giá trị đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm từ gia cầm nói riêng.

+ Xây dựng và áp dụng hệ thống chứng nhận trong hoạt động chăn nuôi gia cầm có tính bền vững giúp nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm trên thị trường.

+ Tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm từ gia cầm (thịt, trứng) tại địa phương.

-  Giải pháp về thông tin tuyên truyền

+ Tuyên truyền, vận động, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư kinh phí tiêm các loại vắc xin phòng bệnh trên gia cầm như vắc xin phòng bệnh Gumboro, Newcastle, Đậu gà, Tụ huyết trùng, Dịch tả vịt, Cúm gia cầm,…theo đúng độ tuổi của gia cầm. Việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ sẽ tạo miễn dịch chủ động, hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra trên vật nuôi, tạo điều kiện chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững; bảo vệ sức khỏe người dân; giảm thiểu thiệt hại kinh tế.

+ Tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy gia cầm ốm, không vứt xác gia cầm ra khu vực ao, hồ, sông, suối và khu vực xung quanh, không ăn thịt gia cầm bệnh, không vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm đi nơi khác.

+ Tuyên truyền, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật chăn nuôi gia cầm bền vững như: chăn nuôi gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAHP, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học,…

- Giải pháp về nâng cao năng lực của đội ngũ thú y cơ sở

+ Các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng cho lực lượng thú y nhất là cán bộ thú y cơ sở về nghiệp vụ chuyên môn, trình độ tổ chức, giám sát, quản lý các hoạt động chăn nuôi.

+ Kiện toàn đội ngũ thú y cơ sở hoặc cán bộ nông nghiệp xã vừa am hiểu kiến thức chuyên môn, vừa có năng lực làm công tác dân vận, phối hợp tốt với các ngành chức năng, chính quyền đoàn thể, người trực tiếp tham gia hoạt động chăn nuôi ở địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường.
 
bai dinh 2Mô hình chăn nuôi gà thịt sử dụng đêm lót sinh học tại huyện Tuy An

Tác giả bài viết: Lê Thị Duy Đính (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây