Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến: Tăng hiệu quả canh tác cây trồng

Thứ hai - 07/06/2021 03:00
Nhằm thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tăng hiệu quả canh tác cây trồng, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn Phú Yên. Với sự hỗ trợ từ Nhà nước, các mô hình tưới tiết kiệm được kỳ vọng sẽ nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Trong các mô hình tưới tiết kiệm nước, việc áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt đã và đang được coi là giải pháp hữu hiệu giúp tăng sản lượng cây trồng, tăng thu nhập kinh tế cho các hộ gia đình.

Hiệu quả nhiều mặt

Năm 2018, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện dự án: Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh mía tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Dự án do ThS Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên làm chủ nhiệm. Dự án đã triển khai 3 mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất thâm canh cây mía trên diện tích 3ha tại 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa.
 

dualuoi
Mô hình dưa lưới tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến. Ảnh: THÁI HÀ

Theo ThS Nguyễn Đức Thắng, tưới nước tiết kiệm giúp giữ được độ ẩm của đất theo nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây; giúp bộ rễ cây phát triển khỏe, có thể đưa phân bón trực tiếp vào nguồn nước tưới, giúp giảm thiểu lượng phân bón bị thất thoát do bốc hơi hoặc bị rửa trôi do tưới tràn quá nhiều. Ngoài ra, vùng đất ngoài rễ cây không được cung cấp nước sẽ hạn chế được cỏ dại, giảm chi phí phun thuốc trừ cỏ, qua đó góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

Với nhiều ưu điểm vượt trội, hiện nay, ngoài áp dụng tưới cho cây mía, Phú Yên đã và đang nhân rộng công nghệ tưới nhỏ giọt cho nhiều loại cây trồng phù hợp khác như dưa hấu, ớt, bắp sinh khối, chuối, chanh dây, các loại cây ăn quả lâu năm ở các huyện Tây Hòa, Sông Hinh và Sơn Hòa…

Ông Ra Lan Thu (xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa) canh tác 1ha mía sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm từ năm 2018, chia sẻ về lợi ích của hệ thống này: Qua 3 năm áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, tôi nhận thấy việc làm mía vừa hiệu quả vừa giảm công sức. Tôi không phải tưới nước thủ công, cũng chẳng cần xới vỡ đất để bỏ phân mà mọi thứ đều được trộn vào bồn, theo đường ống dẫn nước chảy đến từng gốc mía. Vì giảm nhiều sức lao động nên khi canh tác 1ha mía, tôi chỉ tranh thủ làm những ngày cuối tuần, thời gian còn lại tôi làm công việc khác. Tốn ít công chăm sóc nhưng ruộng mía của gia đình tôi lúc nào cũng xanh tốt hơn, cao hơn những ruộng xung quanh. Vụ vừa rồi, tôi thu được 110 tấn mía/ha.

Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Nông nghiệp và Thực phẩm Nhà Bè, đơn vị cung cấp hệ thống tưới nhỏ giọt, cho biết chi phí cho một hệ thống tưới tự động không quá đắt nhưng mang lại hiệu quả cao. Trừ cây dưa hấu, chủ yếu do người từ các địa phương khác thuê đất để làm nên họ mua vật tư giá rẻ dùng một vụ rồi bỏ, hiện nay, người trồng mía đầu tư hệ thống tưới từ 30-40 triệu đồng nhưng sử dụng khoảng 4 năm, cũng mức đầu tư như trên nhưng nếu dùng cho cây ăn quả thì thiết bị có độ bền khoảng 10 năm.

Khuyến khích mở rộng

Trong điều kiện ngành Nông nghiệp đang ngày càng mở rộng, hạn hán và nhu cầu sử dụng nước càng tăng mạnh đã khiến nguồn nước cạn kiệt. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, nhưng vẫn đảm bảo tăng sản lượng cây trồng là một trong những vấn đề cấp bách.

Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, khẳng định việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến là một trong những giải pháp khả thi nhằm sử dụng nguồn nước tưới hợp lý và hiệu quả trước ảnh hưởng của thời tiết khô hạn ở các huyện miền núi. Để khuyến khích người dân tưới tiết kiệm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77, HĐND tỉnh cũng có Nghị quyết 19 hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Người dân có nhu cầu áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm có thể liên hệ với Trung tâm Khuyến nông Phú Yên để nhận được sự hỗ trợ này.

Ông A Lê Y Bớ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho rằng, hệ thống tưới tự động đã cho thấy những ưu điểm vượt trội hơn phương pháp tưới truyền thống; tuy nhiên, không phải người dân nào cũng mạnh dạn và có đủ điều kiện để lựa chọn, đầu tư một hệ thống tưới nước tiết kiệm. Để khuyến khích các nông hộ mạnh dạn đầu tư hệ thống này, năm 2021, Phú Yên đã có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho các loại cây trồng.

Riêng huyện Sơn Hòa cũng đã truyền thông giúp người dân nắm được thông tin cũng như hướng dẫn cụ thể để người dân tiếp cận với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm, các ngành chức năng cũng cần phối hợp với các đơn vị cung ứng vật tư, thiết bị tưới nước tiết kiệm tăng cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật lắp đặt hệ thống này đến người dân.

Nghị quyết 19 của HĐND tỉnh Phú Yên (khóa VII) quy định, tổ chức thủy lợi cơ sở, cá nhân tại địa bàn xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thôn, buôn đặc biệt khó khăn khi đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng sẽ được hỗ trợ 40% chi phí vật liệu, máy thi công, thiết bị và không quá 30 triệu đồng/ha; đối với địa bàn xã, phường, thị trấn, thôn, buôn còn lại là 30% chi phí và mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/ha.

THÁI HÀ (nguồn http:baophuye.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây