Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, nông dân huyện Phú Hòa đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi, nhằm giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, phát triển nghề theo hướng bền vững, gia tăng giá trị kinh tế như mô hình chăn nuôi bò vỗ béo được triển khai tại các xã Hòa Trị, Hòa Thắng và Hòa Quang Bắc; mô hình chăn nuôi heo thịt đảm bảo vệ sinh môi trường có sử dụng đệm lót sinh học theo chuỗi liên kết tại xã Hòa Trị; mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học có sử dụng đệm lót tại xã Hòa Định Tây. Ngoài ra nông dân huyện Phú Hòa còn được hỗ trợ chuyển đổi nuôi một số đối tượng nuôi mới như mô hình nuôi ếch thương phẩm tại xã Hòa Định Đông, nuôi lươn thương phẩm không bùn tại 2 xã Hòa Thắng và Hòa Định Đông. Trong đó phải kể đến mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể không bùn đang được đông đảo nông dân nhân rộng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Hòa.
Ngoài các hộ được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ xây dựng mô hình, một số bà con nông dân của huyện Phú Hòa cũng đã nuôi thành công mô hình lươn không bùn như ở xã Hòa Thắng có cơ sở nuôi lươn không bùn của ông Nguyễn Việt Tuyến được xây dựng trên 200m2 diện tích hồ nuôi, cơ sở nuôi lươn của ông Trần Quốc Bông, ông Võ Cao trên 100m2 hồ nuôi; ở xã Hòa Định Đông có cơ sở nuôi lươn không bùn của hộ ông Dương Minh Tuấn xây dựng khoảng 100m2 diện tích ao nuôi, hộ ông Hồ Tấn Bình trên 150m2; ngoài ra còn có ông Nguyễn Sĩ Tùng ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng; hộ bà Nguyễn Thị Chính thôn Đông Lộc, xã Hòa Thắng; hộ ông Bùi Văn Chín thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam,... cũng đã nuôi thành công mô hình lươn không bùn trong bể xi măng và đã đem lại lợi nhuận đáng kể cho bà con nông dân tại địa phương.
Ông Nguyễn Việt Tuyến, một trong những hộ nuôi lươn thành công cho biết: Lươn rất dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn, từ 5-7 tháng, thức ăn cho lươn là cám viên có độ đạm từ 25-40%, mỗi ngày cho ăn từ 1-2 lần vào chiều mát và ban đêm. Ông cho biết thêm: Để nuôi 1000 con lươn giống, người nuôi cần đầu tư khoảng 7 triệu đồng tiền mua con giống, tiền mua thức ăn tinh (khoảng 130kg) gần 5 triệu đồng, mua thức ăn bổ sung khoảng 1,4 triệu đồng, chi thuê công lao động khoảng 3,6 triệu đồng, 2 triệu đồng cho các khoản chi phí điện nước, ao nuôi, tổng chi chưa đến 19 triệu đồng; trong khi đó, sau 5 – 7 tháng nuôi, lươn có thể đạt quy cách khoảng 300gam/con, tỉ lệ sống đạt 80% thì với giá bán 160.000đ/kg, người nuôi lãi hơn 13 triệu đồng.
Mô hình nuôi lươn không bùn đã khắc phục được phần nào những hạn chế của kiểu nuôi lươn truyền thống và đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân, tận dụng được thời gian lao động nhàn rỗi ở nông thôn; đồng thời góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa các đối tượng nuôi, nâng cao giá trị kinh tế hộ gia đình và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn