Trước kia, nói đến hai chữ “Mùa vàng” là nói đến sản lượng và giá trị của lúa, nhưng ngày nay, bên cạnh việc thu hoạch lúa thì phế phụ phẩm sau thu hoạch là rơm rạ cũng góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, vừa tận dụng vào trồng trọt, chăn nuôi vừa cung cấp cho thương lái thu mua sản xuất. Do nhu cầu thị trường tiêu thụ rơm rất lớn nên người dân ngày càng thay đổi nhận thức và thói quen trong việc xử lý rơm, rạ thay vì đốt hoặc thải trực tiếp ra môi trường như trước kia.
Hình: Rơm còn lại trên cánh đồng sau khi thu hoạch lúa (chụp tại Huyện Tây Hòa)
Hiện nay, bằng việc ứng dụng cơ giới hóa vào khâu thu hoạch, rơm được máy cuộn thành từng cuộn gọn gàng và thương lái đến tận ruộng để thu mua. Cơ giới hoá giúp người dân có thể giải quyết tốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm được thu ra khỏi đồng và sử dụng để sản xuất các sản phẩm như: làm nấm rơm, ủ chua làm thức ăn cho bò, ủ rơm làm phân bón hữu cơ, than sinh học hay đồ mỹ nghệ... nhằm tối đa tuần hoàn nguyên liệu trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Hình: Người dân vận chuyển rơm sau khi máy cuốn gọn gàng thành cuộn
(chụp tại thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa)
Theo ông Võ Văn Vương (hộ nông dân sản xuất lúa có trang bị máy gặt đập liên hợp và máy cuộn rơm) ở thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa cho biết: Khi sử dụng máy cuộn rơm, nông dân nhàn hơn vì không phải gom rơm thành nọc, vun đống, giúp việc vận chuyển, bảo quản trở nên dễ dàng hơn bên cạnh đó còn cho thu nhập đáng kể từ khoản tiền bán rơm. Theo ông tính toán, 1 ha lúa sẽ cuốn được khoảng 150 cuộn rơm. Nông dân phải trả chi phí thuê máy là 7.000 đồng/cuộn, sau khi trừ chi phí, các chủ máy có thu nhập khoảng 700.000 đồng/ha. Trường hợp người dân không có nhu cầu sử dụng thì bán lại cho chủ máy cuộn với giá 13.000 đồng/cuộn, hoặc bán cho thương lái với giá 20.000đ/ cuộn tại ruộng. Như vậy, người dân sẽ có nguồn thu từ rơm khoảng 2 triệu đồng/ha.
GIẢI PHÁP GIÚP NGƯỜI NÔNG DÂN TẬN DỤNG NGUỒN RƠM ĐƯA VÀO SẢN XUẤT
Nhằm đáp ứng nhu cầu của địa phương đồng thời cung cấp cho nông dân những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; những kiến thức, kỹ năng, thao tác thực hành về kỹ thuật ủ chua dự trữ thức ăn trong chăn nuôi bò, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ rơm rạ, kỹ thuật trồng nấm… để áp dụng vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt tại hộ gia đình, trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên tiếp tục xây dựng nội dung các lớp tập huấn ngay tại hiện trường liên quan đến việc tận dụng nguồn nguyên liệu, phế phụ phẩm sẵn có như rơm, rạ để phát triển kinh tế hộ gia đình, với một số chủ đề nổi bật như: “Hướng dẫn kỹ thuật chế biến thức ăn thô xanh (bắp, cỏ, rơm…) và phối trộn thức ăn cho bò”; “Các phương pháp ủ sử dụng phân chuồng và phế phụ phẩm trong nông nghiệp”; “Kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm rơm”…Có thể thấy, đây là những nội dung thiết thực, hữu ích giúp bà con nông dân dễ dàng học và áp dụng.
Bà Lê Thị Duy Đính (giảng viên phụ trách các lớp tập huấn hiện trường mảng chăn nuôi thú y của Trung tâm Khuyến nông) cho biết: Phương pháp ủ rơm lúa với urê rất phổ biến, đơn giản và dễ thực hiện. Rơm lúa sau khi chế biến đúng kỹ thuật giúp nâng cao hàm lượng dinh dưỡng, có thể cho gia súc nhai lại ăn mà không sợ bị ngộ độc. Gia súc nhai lại được ăn loại rơm đã ủ với urê sẽ giúp tăng trọng nhanh, ăn được nhiều hơn so với rơm chưa qua ủ, do hàm lượng đạm trong rơm tăng lên đáng kể. Còn đối với phương pháp ủ phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ… sau khi được hướng dẫn tại lớp tập huấn, bà con sẽ biết cách ủ phân đúng kỹ thuật cho ra sản phẩm phân hữu cơ chất lượng thì khi đưa vào sử dụng bón cho cây trồng sẽ giúp tăng độ phì nhiêu, màu mỡ cho đất, hạn chế tình trạng chai đất, thoái hóa đất, tiết kiệm chi phí hơn so với sử dụng phân vô cơ. Bên cạnh đó giúp cho bà con tái sử dụng nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả cao và bảo vệ môi trường.
Hình: Lớp tập huấn tại hiện trường do Trung tâm Khuyến nông tổ chức
Ngoài ra sản xuất nấm rơm cũng được coi là một trong những phương pháp sinh học tận dụng nguồn rơm rạ hiệu quả. Nấm rất giàu protein và là sản phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày được nhiều gia đình ưa chuộng. Trồng nấm rơm được nhiều địa phương ứng dụng bởi mang lại nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống. Làm nấm rơm, người dân không cần phân bón vì rơm rạ khi phân hủy đã đủ cung cấp dinh dưỡng cho nấm phát triển giúp người trồng tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh những lợi ích nêu trên, ngày nay rơm còn được sử dụng để chế tạo ra các sản phẩm đan lát, thủ công mỹ nghệ, làm viên than nén hay nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến giấy…
Như vậy, ngoài việc sử dụng rơm trực tiếp như cho trâu bò ăn, hoặc phủ lên luống rau giúp giữ độ ẩm, hạn chế cỏ dại như công dụng cũ thì giờ đây rơm đã và đang đem lại cho bà con nông dân nhiều lợi ích phục vụ phát triển kinh tế, mang về nguồn thu nhập hiệu quả giúp bà con nông dân có thêm giải pháp vừa tận dụng được phế phụ phẩm sau thu hoạch vừa bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn. Có thể nói, rơm dần được ví như sợi vàng của nghề nông.