Diễn biến thị trường một số nông sản chủ lực
admin
2021-05-26T19:11:36-04:00
2021-05-26T19:11:36-04:00
https://khuyennongpy.org.vn/index.php/thong-tin-nong-nghiep/dien-bien-thi-truong-mot-so-nong-san-chu-luc-22.html
https://khuyennongpy.org.vn/uploads/news/2021_05/nepthom03-15648878272121845392518.jpg
Trung tâm Khuyến nông Phú Yên
https://khuyennongpy.org.vn/uploads/logo.png
Chủ nhật - 16/05/2021 19:09
Trích Thông tin tham khảo định kì về thị trường nông sản tháng 12/2020 của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản
1. Lúa gạo
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2020 ước đạt 443 nghìn tấn với giá trị đạt 240 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo cả năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn và 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về khối lượng nhưng tăng 9,3% về giá trị so với năm 2019. Philippin đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 với 32,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt 1,94 triệu tấn và 910,16 triệu USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong 11 tháng đầu năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Indonesia (gấp 2,8 lần, đạt 88,3 nghìn tấn và 47,8 triệu USD) và Trung Quốc (tăng 91,6%, đạt 752,3 nghìn tấn và 431,7 triệu USD). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất trong 11 tháng đầu năm 2020 là Iraq (giảm 65,6%, đạt 90 nghìn tấn và 47,6 triệu USD). Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2020 đạt 496 USD/tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, trong 11 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 32,5% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 32,9%; gạo nếp chiếm 29,6%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,8%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippin (chiếm 53,7%), Cuba (chiếm 23,5%) và Hàn Quốc (chiếm 7,7%). Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Bờ Biển Ngà (chiếm 31,8%), Ghana (chiếm 12,8%) và Philippin (chiếm 11,3%). Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 87,9%), Indonesia (chiếm 2,8%), và Philippin (chiếm 2,8%). Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Papua New Guinea (chiếm 16,7%), Đảo quốc Solomon (chiếm 9,2%), và Trung Quốc (chiếm 8,1%).
Trong tháng 12/2020, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng giảm đột ngột vào đầu tháng và tăng mạnh trở lại từ giữa tháng. Vào đầu tháng 12/2020, giá gạo giảm đột ngột từ 498 USD/tấn xuống 480 USD/tấn, do các thương nhân xả hàng làm rỗng kho để chờ thu mua vụ Đông xuân sắp tới. Tuy nhiên, giá đã tăng mạnh trở lại sau đó, nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt container chuyên chở vào cuối năm nên chi phí vận chuyển tăng mạnh. Giá gạo Thái Lan và Ấn Độ cũng tăng lên trong tháng. Cụ thể, Thái Lan tăng từ 498 USD/tấn từ đầu tháng lên 510 USD/tấn; Ấn Độ tăng từ 378 USD/tấn lên 383 USD/tấn. Nguyên nhân chính cũng bắt nguồn từ hiện tượng phí vận chuyển tăng cao vào cuối năm như trên.
Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL diễn biến tăng trong tháng cuối cùng của năm 2020. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 300 đồng/kg lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 2514 tăng 300 đồng/kg lên 6.500 đồng/kg; lúa gạo thường ở mức 10.500 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 200 đồng/kg lên 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 300 đồng/kg lên mức 7.300 – 7.700 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 200 đồng/kg lên 7.400 – 7.600 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 tươi tăng 800 đồng/kg lên 6.800 đồng/kg; lúa khô tăng 200 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg; lúa hạt dài tươi tăng 700 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg, lúa khô tăng 300 đồng/kg lên mức 7.600 đồng/kg.
Nhìn lại cả năm 2020, giá lúa, gạo tại thị trường ĐBSCL biến động theo chiều hướng tăng, với giá lúa thường tăng khoảng 1.500 – 2.000 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng khoảng 1.000 – 1.200 đồng/kg, tùy từng thời điểm và mùa vụ. Giá lúa sụt giảm thấp nhất vào khoảng tháng 2 do nguồn cung thu hoạch vụ Đông Xuân dồi dào và nhu cầu tiêu thụ yếu.
Một số nhận định và dự báo: (1) Tại thị trường nội địa, dự kiến tháng 1/2021 giá gạo tiếp tục giữ vững ở mức cao do nhu cầu mua đều và đặc biệt là nhu cầu từ kho gạo chợ làm hàng Tết. (2) Sau kì nghỉ lễ dài, các hợp đồng giao dịch xuất khẩu còn chưa ký kết nhiều.
2. Sắn
Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 12 năm 2020 ước đạt 330 nghìn tấn với giá trị đạt 118 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cả năm 2020 ước đạt 2,76 triệu tấn và 989 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng 2,4% về giá trị so với năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân năm 2020 ước đạt 358,3 USD/tấn, giảm 6% so với cùng kì năm ngoái.
Về cơ cấu thị trường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất với tổng lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc đạt 1,9 triệu tấn, tương tương với 772 triệu USD, tăng 11,5% về sản lượng và tăng 2,7% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Đài Loan, Malaysia cũng là 2 thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020, với mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu lần lượt là 15% và 3% so với cùng kì năm ngoái.
Về cơ cấu sản phẩm: (i) Mặt hàng sắn lát, xuất khẩu cả năm 2020 ước đạt 640 nghìn tấn, tương đương 139 triệu USD, tăng 60% về lượng và 75% về giá trị so với cùng kì năm trước. Giá xuất khẩu sắn lát bình quân 12 tháng ở mức 217 USD/tấn, tăng 10% so với mức giá 198 USD/tấn của cùng kì năm trước. (ii) Mặt hàng tinh bột sắn, xuất khẩu năm 2020 ước đạt 2,1 triệu tấn với giá trị 850 triệu USD, giảm 1% về lượng và giảm 4% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn đạt 401 USD/tấn, giảm 4% so với cùng kì năm trước.
Xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc tiếp tục tăng về lượng trong tháng 11, đạt 36,3 nghìn tấn, tăng 36% so với tháng 10 năm 2020; giá trị xuất khẩu đạt 6 triệu USD giảm 9% do giá xuất khẩu sắn lát trong tháng 11 giảm. Nhìn chung, bất chấp tác động của dịch Covid-19 thì xuất khẩu sắn lát 11 tháng đầu năm sang Trung Quốc đã đạt con số đáng kinh ngạc tương đương 101,5 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái giá trị xuất khẩu chỉ đạt 55,4 triệu USD. Hiện thị trường ngô Trung Quốc đang tăng giá tại một số tỉnh và cảng do điều kiện thời tiết xấu đã ảnh hưởng đến tiến độ sấy ngô vụ mới và cản trở việc vận chuyển ngô khiến nguồn cung khan hiếm, cùng với đó tiêu thụ cồn tại Trung Quốc trong dịp lễ tết cuối năm tăng cao sẽ đẩy xuất khẩu sắn lát tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Xuất khẩu tinh bột sắn vẫn đang trên đà tăng trong tháng 11 năm 2020. Lượng xuất khẩu ở mức 225,4 nghìn tấn, với giá trị 93,2 triệu USD, tăng 24% về lượng và 25% về giá trị so với tháng 10 năm 2020. Giá xuất khẩu tinh bột sắn vẫn tiếp tục tăng nhẹ lên 414 USD/tấn, tăng 1% so với tháng trước. Hiện Trung Quốc đang ưu tiên nhận các hợp đồng còn lại, những hợp đồng kí mới vẫn ít nên khả năng trong tháng 12 lượng tinh bột sắn từ miền Trung và miền Nam đi theo đường biển sẽ giảm lại.
Trên thị trường thế giới, giá sắn và sản phẩm sắn cũng đang biến động tăng ở một số nước sản xuất chính. Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan đã điều chỉnh tăng giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn tháng 12 lên mức 475 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng 11/2020. Trong khi giá thu mua tinh bột sắn cũng được điều chỉnh lên mức 13,5 Baht/kg, tăng 0,1 Baht/kg so với tháng trước.
Tại thị trường trong nước, các nhà máy tại Tây Ninh giảm giá thu mua sắn, giá sắn nguyên liệu phổ biến quanh mức 2.900 đồng/kg, giảm nhẹ so với tháng trước. Giá sắn lát điều chỉnh giảm về mức 5.100-5.400 đồng/kg so với mức 5.300-5.600 đồng/kg của tháng trước. Giá tinh bột sắn thành phẩm tại Tây Ninh cũng giảm nhẹ, cao nhất 10.600 đồng/kg đối với hàng nội địa do giá xuất khẩu biên mậu/chính ngạch được điều chỉnh giảm.
Một số nhận định và dự báo: Những tác động của dịch Covid-19 trong đầu năm 2020 đã khiến ngành sắn Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đã lấy lại đà tăng trưởng sau khi dịch bệnh được kiếm soát và trở thành một trong số ít mặt hàng nông sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Dự báo đến hết năm 2020, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt do được hậu thuẫn bởi yếu tố nhu cầu tại thị trường Trung Quốc tăng cao và nguồn cung trong nước chưa dồi dào.
3. Sản phẩm chăn nuôi
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 12 năm 2020 ước đạt 31 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi cả năm 2020 ước đạt 327 triệu USD, giảm 18,2% so với năm 2019. Trong 11 tháng đầu năm 2020 giá trị xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa đạt 88,28 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019; Giá trị xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt động vật đạt 84,71 triệu USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019; Giá trị xuất khẩu mật ong đạt 65,38 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại thị trường thế giới, trong tháng qua, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trên khắp nước Mỹ dẫn đến nhiều nhà hàng và dịch vụ ăn uống có nguy cơ phải đóng cửa, nhiều người Mỹ có thể phải ở nhà kéo theo nhu cầu đối với thịt bò và thịt lợn giảm, khiến giá thịt lợn giảm. Giá lợn nạc giao tháng 2/2021 thị trường Chicago, Mỹ biến động giảm trong tháng qua với mức giảm 2,7755 UScent/lb (~1416 đ/kg) xuống còn 65,8 UScent/lb (~33.561 đ/kg).
Tại thị trường trong nước, trong tháng 12/2020, giá lợn hơi tăng nhẹ tại một số vùng trên cả nước. Cụ thể, giá lợn hơi tại miền Bắc tăng 2.000 – 4.000 đ/kg so với tháng trước và dao động trong khoảng 68.000 - 74.000 đ/kg. Mức giá cao nhất được ghi nhận là tại Bắc Giang và Tuyên Quang, lần lượt là 70.000 đ/kg và 72.000 đ/kg, giá tại Nam Định và Thái Nguyên cùng ở mốc 69.000 đ/kg, thấp nhất là Hà Nam và Ninh Bình cùng ở mức 68.000 đ/kg. Trong khi đó, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá thu mua lợn hơi tăng nhẹ hơn, chỉ tăng 1.000 đ/kg so với tháng trước, và hiện dao động trong khoảng 67.000 - 72.000 đ/kg. Trong đó, mức giá cao nhất là tại Quảng Nam 72.000 đ/kg, tiếp đến là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Khánh Hòa với khoảng giá từ 70.000– 71.000 đ/kg. Hai tỉnh Bình Thuận và Quảng Trị cùng ghi nhận mốc 69.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam được giao dịch trong khoảng 68.000 - 70.000 đ/kg, tăng 2.000 –3.000 đ/kg so với tháng trước. Giá lợn hơi ghi nhận tại Sóc Trăng, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang và Trà Vinh cùng ở mốc 70.000 đ/kg. Tại Đồng Tháp, giá lợn hơi thấp hơn một chút so với các tỉnh trên, ở mức 69.000 đ/kg, và Bình Phước có mức giá thấp nhất trong khu vực là 68.000 đ/kg.
Nhìn chung trong cả năm 2020, giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng trong 6 tháng đầu năm và giảm vào những tháng gần cuối năm. So với cuối năm 2019, giá lợn hơi hiện đã giảm 12.000 – 16.000 đ/kg. Ngược lại với biến động của thịt lợn, giá các sản phẩm gia cầm bán tại trại biến động giảm tại các vùng miền trong tháng qua. Giá gà thịt lông màu khu vực miền Bắc giảm 5.000 – 11.000 đ/kg xuống còn 35.000 – 45.000 đ/kg. Giá gà thịt lông màu khu vực miền Trung giảm 2.000 đ/kg xuống 30.000 – 33.000 đ/kg. Giá gà thịt lông màu khu vực miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ giảm 5.000 – 7.000 đ/kg xuống mức 25.000 – 26.000 đ/kg. Giá trứng gà miền Bắc giảm 100 - 200 đ/quả xuống 1.400 – 1.700 đ/quả. Giá trứng gà miền Trung giảm 200 đ/quả xuống còn 1.400 – 1.800 đ/quả. Giá trứng gà miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ 50 đ/quả, hiện ở mức 1.450 – 1.650 đ/quả. Giá các sản phẩm gia cầm có xu hướng giảm do nguồn cung tăng.
4. Thủy sản
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 12 năm 2020 ước đạt 700 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 đạt gần 8,4 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2019. Theo Tổng cục hải quan, xuất khẩu thủy sản tháng 11 đạt 742,18 triệu USD đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng 2020 đạt 7,68 tỷ USD giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020, chiếm 59,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ 11 tháng 2020 đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019, Trung Quốc đạt 1,48 tỷ USD, tăng 3,4%; EU đạt 900 triệu USD, giảm 3,8%.
Trong 11 tháng đầu năm 2020, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Nga tăng 25,6%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là Thái Lan giảm 16,3%.
Trong khi đó, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 12/2020 đạt 160 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu năm 2020 đạt gần 1,76 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2019. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 11 tháng đầu năm 2020 chủ yếu là từ Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 13,5%), Nauy (11%), Nhật Bản (9,2%). So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 từ Ấn Độ tăng 20,8%, Nhật Bản tăng 20%, trong khi nhập khẩu từ Nauy giảm 9,8%.
Theo số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Hoa Kỳ (NMFS), giá trung bình của cá tra phile đông lạnh nhập khẩu trong tháng 10/2020 tại Mỹ là 2,65 USD/kg, giảm 1,11% so với tháng 9/2020 và thấp hơn 13,11% so với cùng tháng năm 2019. Giá bình quân nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 10/2020 đạt 8,8 USD/kg, tăng 1,38% so với tháng 9/2020 và thấp hơn 0,45% so với cùng tháng năm 2019.
Năm 2020 được dự báo sẽ tương đối tích cực hơn đối với ngành thủy sản so với năm 2019, nhưng sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều dự báo trước đó. Nguồn cung cá, tiêu thụ và doanh thu thương mại đều được dự kiến sẽ giảm trong năm nay do tác động của các biện pháp ngăn chặn đại dịch đối với nhu cầu, hậu cần, giá cả, lao động và kế hoạch kinh doanh. Sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu hiện dự kiến sẽ giảm lần đầu tiên sau nhiều năm, mức giảm khoảng 1,3%. Sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên trên toàn cầu cũng dự kiến sẽ giảm nhẹ vào năm 2020, vì nhìn chung, nỗ lực đánh bắt giảm do các hạn chế liên quan đến Covid-19 đối với thuyền viên tàu cá và điều kiện thị trường kém. Các tác động đến thị trường của đại dịch đã mang lại một số thay đổi sâu rộng, nhiều thay đổi có khả năng tồn tại lâu dài. Giá tổng hợp cho năm 2020, được đo bằng Chỉ số giá thủy sản, giảm so với cùng kỳ năm trước đối với hầu hết các loài được giao dịch.
Tại thị trường trong nước, sau hơn một tháng tăng, giá cá tra trong nửa đầu tháng 12 đã giảm trở lại do những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tạm thời giảm thu mua cá tra nguyên liệu ngoài do đầu ra xuất khẩu đang chậm lại, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng dao động quanh mức 19.000-20.000 đ/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con), giảm 2.500 đ/kg so với tháng trước. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc thời gian gần đây có gặp khó khăn hơn so với trước do cơ quan thẩm quyền Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Thị trường tôm nguyên liệu tại vùng ĐBSCL vẫn vững giá khi nguồn cung hạn chế và các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua nguyên liệu phục vụ nhu cầu xuất khẩu cho dịp Noel và năm mới. Tại Bạc Liêu, tôm sú ướp đá cỡ 20, 30 con/kg tăng 5.000 đ/kg so với tháng 11 lên tương ứng 220.000 đ/kg, 195.000 đ/kg, cỡ 40 con/kg giữ mức 150.000 đ/kg. Giá tôm thẻ cỡ 60, 70 con/kg giữ mức 115.000 đ/kg, 110.000 đ/kg, cỡ 100 con/kg tăng 8.000 đ/kg lên 90.000 đ/kg.
Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, đại dịch COVID-19 đã tác động khá mạnh tới mặt hàng thủy sản của nước ta do dịch bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã khiến cho tiêu thụ thủy sản giảm, xu hướng tiêu dùng thay đổi, đơn đặt hàng giảm từ 35% đến 50%. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu thủy hải sản các loại của Việt Nam giảm liên tục trong hai quý đầu năm nay. Tuy nhiên, bước sang quý III, do xuất khẩu thủy sản bắt đầu hồi phục với mức tăng trong tháng 9/2020 đạt trên 12% so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường cá tra và tôm xuất khẩu và trong nước có dấu hiệu hồi phục. Mặc dù vậy, vào tháng cuối của năm 2020 thị trường của 2 mặt hàng này đều giảm sau khi có sự kiểm soát nhập khẩu của thị trường Trung Quốc.
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm gặp khó khăn lớn do Covid-19, nhưng nhờ phục hồi và tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm nên có thể năm nay kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 8,58 tỷ USD tương đương năm 2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm tăng 12,4%, đạt 3,78 tỷ USD.
Một số nhận định và dự báo: (1) Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản sẽ không tăng về lượng trong thời gian tới. Cơ cấu mặt hàng sẽ vẫn sẽ chuyển sang những sản phẩm thủy sản đông lạnh, đóng hộp, tiện dụng ở nhà, dễ chế biến... Về cơ cấu thị trường sẽ có sự thay đổi lớn do tác động từ các rào cản thương mại và phi thương mại cũng như các FTA song phương và đa phương. Ngoài ra dịch Covid – 19 đang làm ảnh hưởng tới nguồn cung thủy sản của các nhà cung cấp thủy sản cho Nhật Bản cũng sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu thị trường cung cấp thủy sản trong thời gian tới. Tính chung 11 tháng năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Nhật Bản đạt 167,18 nghìn tấn với trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 7,5% về lượng và 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. 11 tháng năm 2020 có 365 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu thủy sản tới Nhật Bản. Đối với mặt hàng tôm, xuất khẩu của Việt Nam tới Nhật Bản trong những tháng năm 2021 sẽ phải cạnh tranh mạnh với tôm của Ấn Độ đang có mức giá thấp hơn hẳn do chi phí sản xuất tôm ở Ấn Độ thấp hơn. Hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và có nhiều lợi thế từ FTA song phương với Nhật Bản đối với mặt hàng tôm. (2) Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Mỹ trong thời gian tới sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng và hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dung. (3) Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong những tháng năm 2021 chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc những tháng năm 2021 có thể bị chậm ở một số thời điểm. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro. (4) Trong quý I/2021 cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tôm ở dạng đông lạnh tới những thị trường lớn có nhu cầu cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Nga. Cần đặc biệt lưu ý các thủ tục để được hưởng ưu đãi thuế từ các FTA để tăng tính cạnh tranh về giá đối với những sản phẩm tôm của những đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan và Inđônêsia. Đối với thị trường Trung Quốc, mặt hàng tôm hùm sống và tôm khô đang có nhu cầu lớn nên các doanh nghiệp cần lưu ý đặc biệt đảm bảo chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc ở hai mặt hàng này. (5) Đối với mặt hàng cá ngừ, nguồn cung cá ngừ bị ảnh hưởng lớn trong tháng 10/2020 vì những cơn bão đã tác động tới khả năng xuất khẩu cá ngừ trong những tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên tình hình xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2021 sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn khi nguồn cung dần trở lại ổn định. Các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý tới nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở thị trường Ai Cập và Ixraen. (6) Đối với mặt hàng cá tra, nguồn cung cá tra đang dần ổn định, đầu ra cho sản phẩm cá tra cũng ít bị gián đoạn như giai đoạn quý II và quý III/2020. Giai đoạn đầu năm 2021 là thời điểm để các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đẩy mạnh xuất khẩu cá tra hơn nữa tới những thị trường lớn và truyền thống.
Nguồn tin: Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản