Tham gia Hội thảo qua hình thức trực tuyến có trên 100 đại biểu với sự tham gia của ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương và lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo các tỉnh có diện tích trồng mía lớn như Khánh Hòa, Long An và Hậu Giang, đội ngũ phóng viên, biên tập viên Báo Người Lao Động, đặc biệt là sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực mía đường gồm: Tiến sỹ Cao Anh Đương - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường; thạc sỹ Lương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, thạc sỹ Lê Thị Thường, Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống, Viện Nghiên cứu Mía đường, ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường. Ngoài ra còn có sự tham dự trực tuyến của lãnh đạo, bà con nông dân tại các địa phương có diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Tham gia Hội thảo qua hình thực trực tiếp tại tỉnh Phú Yên có 50 đại biểu đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở ban ngành, lãnh đạo UBND, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện có diện tích trồng mía trong tỉnh, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa và các công ty doanh nghiệp kinh doanh vật tư trong lĩnh vực mía đường. Đặc biệt, hội thảo đã mời 10 nông dân trồng mía tiêu biểu trên địa bàn tỉnh để chia sẻ kinh nghiệm trồng mía hiệu quả và đề xuất các ý kiến của mình.Ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và tiến sỹ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đồng chủ trì Hội thảo.Hội thảo “Để mía không đắng” là dịp để Phú Yên và các tỉnh có nhiều diện tích trồng mía có dịp tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, canh tác mía bền vững. Hội thảo cũng nhằm đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ, hành động, phương thức phối kết hợp, phương án huy động nguồn lực, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để triển khai thành công Đề án tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của ngành Mía đường.
Thông qua những tham luận, ý kiến đóng góp tại hội thảo, đồng chủ trì Hội thảo, TS Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động tóm tắt 10 nhóm giải pháp để hỗ trợ, phát triển ngành mía đường trong thời gian tới: Một là, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ lai tạo giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để hạ giá thành.
Hai là, tận dụng tối đa phụ phẩm từ cây mía. Ví dụ bã mía cũng phải tận dụng được để đốt phát điện, làm đệm sinh học trong chăn nuôi... Có khi giá trị từ sản phẩm đường không cao bằng những sản phẩm khác. Phải làm sao để cây mía cũng giống cây dừa Bến Tre, có thể dùng được 100% phụ phẩm, không bỏ phí cái gì.
Ba là, cần thay đổi tập quán canh tác cũ manh mún, đơn lẻ. Việc này không phải ngày một ngày hai làm được mà cần lâu dài. Có thể tham khảo tỉnh Đồng Tháp có mô hình mỗi lĩnh vực một hội quán mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan dày công xây dựng khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy, mỗi tuần gặp nhau một lần, uống trà và trao đổi kinh nghiệm. Bí thư, chính quyền địa phương, chuyên gia... cũng xuống giúp nông dân. Như thế thì một ngày chưa giải quyết được nhưng 10 ngày có thể giải quyết được, tạo động lực phát triển mạnh mẽ.Bốn là, cần kiểm soát chi phí đầu vào. Giá phân bón tăng trên toàn thế giới, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng qua đây có thể thấy là chúng ta quá phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Tại sao các nhà khoa học, các tập đoàn nhà nước không đầu tư nghiên cứu phân bón để chủ động, giảm dựa vào thế giới?Năm là, kiểm soát đường nhập lậu vì nguồn đường bất hợp pháp này mà đường trong nước không cạnh tranh nổi.Sáu là, tăng cường phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, lẩn tránh thuế qua nước thứ ba.Bảy là, tăng cường liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà DN và nhà nước. Ngành NN-PTNT đã kêu gọi và nói nhiều lần rồi. Đặc biệt, cần sự liên kết như trường hợp mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa. Như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói trong một tọa đàm về kết nối cung - cầu nông sản do Báo Người Lao Động tổ chức gần đây là: "Trước khi sống chung với dịch thì phải sống chung với nhau".Tám là, vai trò của truyền thông. Cần truyền thông tích cực về ngành và truyền thông phải đúng. Nếu không nói được nỗi khổ của nông dân thì nhà nước sao biết được để hỗ trợ? Cố gắng đi sâu đi sát đời sống nông dân, nói được lên tiếng nói của bà con...Chín là, vấn đề vốn, tín dụng. Hiện một số ngân hàng đã tham gia nhưng có vẻ chưa mạnh mẽ lắm. Nông dân muốn làm lớn, mở rộng thì ngân hàng cũng cần có chương trình giúp nông dân, trong đó có nông dân trồng mía vì sản xuất manh mún thì khó làm giàu được.Mười là, tăng cường chuyển đổi sản xuất hữu cơ. Đây cũng là mục tiêu của nông nghiệp Việt Nam theo hướng "thuận thiên", bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm sạch như Bộ NN-PTNT kêu gọi.