MÍA ĐƯỜNG PHÚ YÊN: CẢI TIẾN ĐỂ THÍCH ỨNG

Thứ hai - 11/10/2021 04:47
Ngay sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, theo đó không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5% đã tạo ra một nghịch lý cho ngành mía đường Việt Nam: sản lượng đường trong nước dư thừa nhưng lại nhập siêu lên đến 884.285 tấn đường vì không còn rào cản thuế. Cùng với đó, tình hình khí hậu, thời tiết phức tạp, diễn biến của dịch Covid-19, tình trạng đường nhập lậu khó kiểm soát... đã đẩy ngành mía đường đứng trước nhiều thách thức
Là một trong 3 loại cây trồng chủ lực của tỉnh Phú Yên, ngoài lúa và sắn thì cây mía đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm nay, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, diện tích sản xuất mía trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần từ 27.949 ha (năm 2017) còn 21.601 ha (năm 2020) do chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (đặc biệt là hạn hán năm 2019); do giá đường trên thế giới giảm sâu và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
Tuy diện tích mía trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo diện tích đã quy hoạch, cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh nhưng để phát triển bền vững vẫn cần xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân, xây dựng được vùng nguyên liệu mía chất lượng, bền vững; đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
image002 1

Vùng nguyên liệu mía tỉnh Phú Yên chủ yếu ở 03 huyện miền núi (Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân) tập trung ở các vùng gò đồi cao, điều kiện sản xuất nói chung còn khó khăn, khó áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, luân canh, xen canh nên khi mía chín tập trung đồng loạt gây khó khăn cho việc thu hoạch (thiếu nhân công thu hoạch, quá tải công suất ép của các nhà máy, thu hoạch chậm trong khi mía chín làm giảm năng suất). Hệ thống thủy lợi để sản xuất mía mặt bằng chung toàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, phần lớn diện tích sản xuất mía phụ thuộc nước trời, thời gian xuống giống phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết (xuống giống đồng loạt khi có mưa...). Ngoài ra, giao thông vùng nguyên liệu mía cũng còn nhiều bất cập, người dân còn tốn thêm chi phí vận chuyển mía từ ruộng ra đường, đây cũng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của người trồng mía nên khi thấy cây trồng khác có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn thì họ có thể từ bỏ cây mía. Đã có trên 4.500 ha mía không hiệu quả được bà con nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác như: sắn, keo lai, ngô sinh khối, cây ăn quả các loại ...
image003 1

Chính vì vậy, để khai thác hiệu quả ngành công nghiệp chế biến đường và tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp mía đường trên địa bàn tỉnh Phú Yên luôn chú ý đầu tư, hỗ trợ các giải pháp vừa tăng năng suất, chất lượng mía vừa tìm cách giảm giá thành trồng mía. Để làm được điều này, trên cơ sở vùng nguyên liệu được phân công, các doanh nghiệp mía đường đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường đầu tư hạ tầng vùng mía, liên kết với nhà khoa học tìm biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng mía và có chính sách cụ thể bảo đảm lợi ích của người trồng mía để họ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Các nhà máy hoạt động ổn định, có kế hoạch thu mua, lịch đốn chặt, vận chuyển ngay từ đầu vụ, không để tồn mía trong dân. Việc ký kết hợp đồng với nông dân về đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, ứng trước tiền thực hiện ngay từ đầu vụ và bảo đảm thực hiện thu mua nguyên liệu cho nông dân như hợp đồng cam kết.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cũng đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác; du nhập, khảo nghiệm và nhân nhanh các giống mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất và chữ đường, nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm, áp dụng rộng rãi quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh theo hướng quản lý dịch hại tổng hợp IPM; trồng luân canh, thâm canh; áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, từng bước ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững trong sản xuất nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho cây mía.
image005

Tăng cường hỗ trợ đầu tư sửa chữa và làm mới đường giao thông, hệ thống thủy lợi, đặc biệt là trong vùng nguyên liệu và các địa bàn liên quan. Có biện pháp hữu hiệu để khuyến khích nông dân sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi đã đầu tư tưới nước cho vùng nguyên liệu mía, tránh tình trạng công trình thủy lợi đã đầu tư tưới nước cho vùng nguyên liệu mía nhưng thực tế trồng cây khác, không trồng mía.

Tác giả bài viết: Trần Thị Thanh Hằng - Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây