Anh Khương cho biết, giống cà Tây mà gia đình anh đang trồng là giống cà được người dân tại địa phương tuyển chọn để canh tác, giống đã ổn định và thuần chủng, rất thích hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tại địa phương. Theo anh Khương, hiện nay trên toàn tỉnh Phú Yên chưa thấy địa phương nào khác trồng giống cà này và trên thị trường cũng chưa có công ty, đơn vị nào sản xuất giống để bán. Giống cà Tây này một năm chỉ trồng được một vụ đó là vụ Đông Xuân thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao, cho chất lượng trái thơm ngon. Anh Khương khẳng định giống cà này ít bị sâu bệnh; khi cây còn nhỏ chỉ lưu ý theo dõi đối tượng sâu xanh nếu xuất hiện thì phun xịt phòng trừ 1-2 lần là được, còn về kỹ thuật trồng thì cũng khá đơn giản chứ không phải đầu tư nhiều như các loại cây trồng khác. Cây cà Tây thích hợp nhất là chất đất da tây tại địa phương anh đang sản xuất, có tầng canh tác dày từ 20 đến 30cm, nếu là đất bạc màu thì cần bổ sung thêm 0,5 đến 1 tấn phân chuồng đã ủ hoai mục trên một sào 500 m2, đặc biệt là phân bò đã ủ hoai bằng chế phẩm Trichodermar. Lưu ý cần bón lót phân lân từ 30 đến 50 kg/sào 500 m2 trước khi trồng, cần bón phân cân đối các hàm lượng đa lượng, trung lượng và vi lượng, không nên bón thừa phân đạm tránh hiện tượng cây bị đổ ngã. Trước khi trồng cần phải lên luống, luống rộng từ 1,2 - 1,4m, luống cách luống khoảng 30 - 40cm để việc đi lại chăm sóc và thu hoạch được thuận tiện. Về mật độ trồng thì nên trồng 2 hàng cà/luống, cây cách cây khoảng 45cm, hàng cách hàng khoảng 1m, sau khi trồng 15 ngày cần tiến hành cắm choái và giăng dây để trong quá trình cây cà phát triển về chiều cao thì cây có điểm tựa khỏi bị đổ ngã.
Tùy theo thời tiết của từng năm, từ khi trồng đến khi thu hoạch lứa trái cà chín đầu tiên khoảng 95 - 105 ngày, sau đó cứ cách một ngày lại thu hoạch một lần kéo dài đến khoảng hai tháng sau mới kết thúc vụ thu hoạch. Năm 2025 này, gia đình anh Khương trồng 3 sào cà tây (1.500 m2), có ngày gia đình anh thu hoạch cả trăm ký cà thu vào tiền triệu với giá bán dao động trong vụ khoảng 20.000- 25.000 đ/kg.

Anh Khương đang thu hoạch cà Tây để chuẩn bị giao cho thương lái
Anh Khương phấn khởi nói giống cà Tây này cho trái rất to, có trái nặng đến gần cả ký, nên thu hoạch rất ham; đặc biệt về đầu ra thì mười mấy năm nay không phải sợ dội chợ; thu hoạch tới đâu, thương lái đến tận vườn để mua đến đó; có rất nhiều mối gọi điện đặt hàng trước vì mê chất lượng cà ăn thơm ngon, trong khi mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ nên nó hiếm. Cách chế biến món cà này để ăn tươi là dầm đường với đá, ăn vào tới đâu là mát tới đó.
Với diện tích ba sào cà của gia đình anh, nếu thời tiết thuận lợi không có mưa bão gây thiệt hại, thì hàng năm trừ hết chi phí, gia đình anh cũng bỏ túi tiền lãi trên 45 triệu đồng, bình quân cho lãi ròng trên 15 triệu đồng/sào 500 m2, so với trồng lúa thì lợi nhuận cao hơn nhiều.

Anh Lê Văn Khương đang phân loại cà Tây để chuẩn bị giao cho khách hàng
Qua theo dõi mô hình trồng cà tây thực tế tại địa phương từ nhiều năm nay, chúng tôi nhận thấy nếu thời tiết hàng năm ổn định không lụt bão gây thiệt hại cho sản xuất thì có thể khẳng định mô hình trồng cà Tây này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao so với một số loại cây trồng hiện có tại địa phương, còn về thị trường tiêu thụ thì hết sức ổn định, chưa bao giờ có chuyện được mùa mất giá.
Nếu bà con nào muốn tìm hiểu thêm, có thể liên hệ số điện thoại của ông Lê Văn Khương, chủ mô hình trồng cà Tây: 0349584764