Trồng nấm mối đen trong nhà kính mang lại thu nhập cao

Thứ tư - 04/09/2024 21:26
Nấm mối đen có tên khoa học là Xerula radicata, có nơi gọi tên là nấm rễ dài bởi vì rễ của chúng khá dài và cắm sâu xuống đất. Không có trong tự nhiên, nấm mối đen được lai tạo năm 2010, sau đó loại nấm này được đăng ký bản quyền với tên tiếng Anh là Black Termitomyces Heim. Sở dĩ gọi là nấm mối đen vì để phân biệt với nấm mối trắng tức là nấm mối trong tự nhiên thường mọc hoang ở các gò mối tại các khu vực ẩm thấp, thường xuất hiện vào mùa mưa.
Để nhận diện được đâu là nấm mối đen, có thể dựa vào một số đặc điểm hình thái sau đây:
  • Chiều cao: Khi trưởng thành, mỗi cây nấm mối đen có thể cao khoảng 10 - 15cm.
  • Màu sắc: Thân nấm màu trắng hoặc màu ngà có xu hướng sạm đen. Mũ nấm màu nâu đen, khá nhỏ và có dạng như  ô cụp, thịt nấm bên trong có màu trắng.
  • Hình dạng: Thân nấm hình trụ tròn bán kính có thể lên tới hơn 2cm. Rễ dài và cắm sâu xuống dưới đất.
  • Cách thức mọc: Mọc đơn lẻ, dù mọc theo nhóm nhưng cũng là thân lẻ. Hiếm khi thấy những cây nấm mọc chung từ 1 gốc.
Đặc trưng của loài nấm này là khi ăn sẽ cảm nhận vị ngọt ngon, chứa nhiều chất bổ dưỡng.

Thành phần dinh dưỡng trong 100g nấm mối đen sấy khô (Theo Công ty TNHH Nấm ngon Việt):
 
Năng lượng 28 calo
Chất đạm 27 g
Chất béo 2,1-4,6 g
Carbohydrate 26 g
Canxi 17 mg
Sắt 0,9 mg
Vitamin B1 0,2 mg
Vitamin B2 0,9 mg
Vitamin B3 38 mg

Với hàm lượng dinh dưỡng cùng hàng loạt các nguyên tố thiết yếu thì nấm mối đen mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới sự phát triển nhanh của các công ty nông nghiệp thì dòng nấm mối này nhanh chóng được công nghiệp hóa ở rất nhiều nơi nhưng giá nấm bán thì không hề thấp.

Nhận thấy được tiềm năng từ trồng nấm mối đen, anh Nguyễn Đức Hiệp sinh năm 1978 ngụ tại khu phố Tân Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên tìm tòi học hỏi từ Bắc vào Nam để hiểu rõ về kỹ thuật trồng nấm và hiện tại anh xây dựng trại nấm 80m2 sức chứa 9000 phôi nấm giống, với chi phí đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu của trại hơn 200 triệu đồng. Nấm mối đen được nuôi trong môi trường nhân tạo, nhiệt độ luôn duy trì ở mức 26-280C, độ ẩm từ 85% trở lên, bên trong nhà trồng nấm trang bị hệ thống quạt mát, máy điều hoà phun sương điều khiển qua smartphone để duy trì môi trường phù hợp cho phôi nấm phát triển.

nam moi
Anh Nguyễn Đức Hiệp với mô hình trồng nấm mối đen

Từ “kinh nghiệm xương máu” qua nhiều lần thất bại, anh Hiệp cho biết: hai yếu tố rất quan trọng trong trồng nấm mối đen là khâu lựa chọn phôi nấm và việc duy trì độ ẩm trong khoảng 85%, điều chỉnh độ ẩm sao cho phù hợp với khí hậu tại địa phương mình để phôi nấm phát triển.

 Hiện nay nấm mối đen của anh thu hoạch 3 vụ/ năm. Tuỳ theo kích cỡ và độ nở của nấm mà giá bán khác nhau. Dao động từ 150.000 đồng - 250.000 đồng/ kg. Loại 1 bán ra 250.000 đồng/ kg, loại 2 bán ra 200.000 đồng/ kg, loại 3 bán ra 150.000 đồng/ kg. Sau 4 tháng thu hoạch nấm, anh sẽ loại thải phôi nấm. Anh nói, phôi loại thải vẫn ra nấm nhưng anh không giữ lại vì không hiệu quả kinh tế. Sau đó vệ sinh, khử trùng để trại trống một tháng, rồi tiếp tục nhập phôi giống cho vụ kế tiếp. Anh nhập giá phôi 20.000 đồng/ bịch. Mỗi phôi thu hoạch được 200g -250g nấm mối đen. Nếu chăm sóc tốt có thể lên đến 300g nấm/ bịch phôi. Trừ chi phí vận hành và phôi giống anh nói: “ một lời một”.

Thị trường tiêu thụ nấm mối đen nhiều nhất ở các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội…; do nhu cầu tiêu thụ nấm mối đen cao nên anh Hiệp luôn bị “ cháy hàng”. Anh Hiệp ao ước nếu có nguồn kinh phí dồi dào hơn anh sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng cung cấp nấm cho thị trường và suy nghĩ hướng mua thêm máy móc, thiết bị để có thể bảo quản sản phẩm được lâu hơn, hướng đến việc xuất khẩu.

 Số điện thoại của anh Nguyễn Đức Hiệp: 0905061266.

Tác giả bài viết: Diệp Thị Nguyên Mai - Trạm KN thị xã Sông Cầu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây