Thực hiện tái đàn gia súc gia cầm gắn với an toàn dịch bệnh, đáp ứng nguồn cung sản phẩm chăn nuôi trên thị trường

Thứ năm - 11/11/2021 03:26
Cũng như tình hình chung cả nước, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đã chịu nhiều ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra, một số diện tích cây trồng đến thời điểm thu hoạch, sản phẩm chăn nuôi không tiêu thụ được hoặc giá đầu ra thấp; trong khi giá vật tư đầu vào, nhân công lao động không ổn định, luôn có xu hướng tăng làm phát sinh chi phí, giảm hiệu quả kinh tế trong sản xuất… Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên vật nuôi cũng đã tác động không nhỏ đến ngành chăn nuôi, nhất là bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò khởi phát từ tháng 4/2021 đến nay cơ bản đã kiểm soát được nhưng đã gây ra thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi.
Nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể hoạt động lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, lúc đó con giống, thức ăn chăn nuôi sẽ bị thiếu do nguồn cung bị đứt gãy khiến các chi phí sản xuất, lưu thông tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm trên thị trường... Để chủ động ứng phó với tình hình cung cầu các sản phẩm chăn nuôi, nhằm bình ổn thị thường đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều ban ngành; nhà nước cần có những chính sách tạo sự an tâm nơi người sản xuất; các chủ trang trại, chăn nuôi nông hộ cần mạnh dạn tái lập đàn,…
Để đảm bảo chăn nuôi an toàn có hiệu quả, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:
1. Vệ sinh chuồng trại và thiết bị chăn nuôi
Chuồng trại phải đảm bảo phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông, đảm bảo cách ly với môi trường xung quanh.
Tẩy uế chuồng trại sau mỗi lứa nuôi bằng phương pháp: Rửa sạch, để khô sau đó phun sát trùng bằng các loại thuốc sát trùng và trống chuồng ít nhất 15 ngày với vật nuôi thương phẩm, 30 ngày đối với vật nuôi sinh sản.
Với những chuồng nuôi lưu cữu hoặc chuồng nuôi có vật nuôi bị bệnh truyền nhiễm, cần phải vệ sinh tổng thể và triệt để: Sau khi đưa hết vật nuôi ra khỏi chuồng, xử lý theo hướng dẫn của thú y, cần phun sát trùng kỹ (pha dung dịch sát trùng và phun theo hướng dẫn khi chống dịch) toàn bộ chuồng nuôi từ mái, các dụng cụ và môi trường xung quanh, để khô và dọn, rửa.
Các chất thải rắn trong chăn nuôi cần thu gom để đốt hoặc ủ sinh học; chất thải lỏng, nước rửa chuồng cần thu gom để xử lý, không thải trực tiếp ra môi trường. Cần phun sát trùng 1-2 lần/tuần trong suốt thời gian trống chuồng, ít nhất trong 30 ngày. Các thiết bị, dụng cụ chăn nuôi cần rửa sạch, phơi khô, sát trùng và đưa vào kho bảo quản. Vệ sinh và phun sát trùng xung quanh chuồng nuôi.




2. Đảm bảo cách ly, kiểm soát vào, ra khu vực chăn nuôi
Cách ly là sự tách biệt giữa các chuồng, trại chăn nuôi với nhau và giữa khu vực chăn nuôi với khu vực sinh sống, làm việc, đi lại của con người, sự xâm nhập của động vật khác. Thực hiện việc cách ly bằng cách xây dựng cổng, tường, hàng rào, vách ngăn giữa các khu vực, bố trí biển cảnh báo, đồng thời cách ly về thời gian giữa các lứa nuôi.
Khi thực hiện tốt việc cách ly và kiểm soát ra vào khu vực chăn nuôi thì người chăn nuôi đã góp phần ngăn chặn được các loại mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào khu chăn nuôi và ngược lại.
Để đảm bảo an toàn sinh học, cần kiểm soát con giống, con người, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, thức ăn, nước uống, vật tư, động vật, côn trùng…
3. Con giống
Mua con giống ở những cơ sở giống uy tín, đảm bảo chất lượng; chọn những con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có nguồn gốc, lý lịch rõ ràng và đã được tiêm phòng đầy đủ theo quy định của cơ quan thú y.
Khi nhập gia súc, gia cầm về cần nuôi cách ly ít nhất 10 – 15 ngày để theo dõi tình hình sức khỏe của vật nuôi, nếu không có dấu hiệu dịch bệnh mới nhập vào khu đàn nuôi cũ


4. Chăm sóc nuôi dưỡng
Đối với gia súc, gia cầm non: cần chú ý sưởi ấm đặc biệt là vào ban đêm, có thể sử dụng bóng điện, bóng hồng ngoại hoặc đốt than, củi, trấu,… bổ sung thêm chất độn chuồng như trấu, mùn cưa, rơm rạ,… để giữ ấm cho gia súc gia cầm.
Cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, vệ sinh thú y. khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Vào những thời điểm thay đổi thời tiết đột ngột thì cần bổ sung điện giải, vitamin, men tiêu hóa,… để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc gia cầm.
Chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi bằng vacxin theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình chăn nuôi.




5. Một số lưu ý khác
Để chăn nuôi ổn định, bền vững, người chăn nuôi cần bình tĩnh, thận trọng trong công tác tái đàn; tìm hiểu kỹ thông tin, theo dõi tín hiệu thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất, không tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi ồ ạt dẫn đến nguồn cung vượt quá nhu cầu thị trường.
Chủ động thu gom, chế biến và bảo quản nguồn phụ phẩm trong sản xuất công - nông nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như rơm, cỏ xanh, thân cây bắp, vỏ trái điều, xương và mỡ cá, đầu vỏ tôm... để dần thay thế một số nguyên liệu nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi và góp phần giảm giá thành sản phẩm.
Người chăn nuôi tái đàn theo mô hình an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chủ động thay đổi phương thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi. Khuyến khích các hộ chăn nuôi chuyển đổi sang nuôi động vật ăn cỏ như bò, trâu, thỏ, dê… cũng là những định hướng quan trọng đối với các nông hộ.

 

Tác giả bài viết: KS Lê Thị Duy Đính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây