Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức và ảnh hưởng đến đời sống người dân nói chung, đến sản xuất nông nghiệp nói riêng. Yêu cầu đặt ra với các nhà khoa học nghiên cứu nông nghiệp là tìm ra các giải pháp thích ứng BĐKH để giúp nhà nông cải thiện năng suất, sản lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất với điều kiện môi trường bất lợi.
Đề tài Đa dạng Sinh học cho Cơ hội, Sinh kế và Phát triển ở Việt Nam (tên tiếng Anh Biodiversity for Opportunities, Livelihoods and Development in Vietnam gọi tắt là BOLD) được tổ chức Global Crop Diversity Trust hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nghiên cứu chọn tạo giống lúa có sự tham gia của nông dân và nhà khoa học để phát triển các giống lúa mới mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất lúa thích ứng BĐKH cho một số vùng sinh thái tại Việt Nam.
Ông Trương Văn Tuấn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông trao chứng chỉ cho học viên lớp Chọn tạo giống lúa ở xã An Ninh Tây, Tuy An
Các vùng sinh thái và các tác nhân gây hại trên cây lúa được chọn để nghiên cứu trong đề tài BOLD gồm: đánh giá tính chống chịu ở khu vực đất nhiễm mặn và phèn vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long (phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long); đánh giá mùi thơm, rầy nâu và đạo ôn (phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL); đánh giá năng suất, sâu, bệnh ở khu vực duyên hải miền Trung (phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên); đánh giá năng suất, tính chống hạn ở khu vực Tây Nguyên (phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Gia Lai); đánh giá bệnh đạo ôn và bệnh bạc lá do vi khuẩn ở miền Bắc Việt Nam (phối hợp với Viện Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc).
Với diện tích lúa hàng năm trên địa bàn của tỉnh ta hơn 56.000 ha, việc chọn lọc và xác định các giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và phù hợp với điều kiện sinh thái của các vùng sản xuất là vấn đề hết sức cần thiết, khi sản xuất chính của đa số bà con nông dân gắn liền với cây lúa.
Đề tài BOLD được thực hiện nhằm nâng cao năng lực cộng đồng tham gia chọn giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu tại địa phương.Với mục tiêu: nông dân biết được phương pháp thực hiện thử nghiệm chọn giống lúa, xác định được những giống lúa triển vọng để nhân giống phục vụ sản xuất tại cộng đồng và sử dụng làm vật liệu lai tạo giống lúa mới.
Qua 02 năm thực hiện 2023-2024 với 03 vụ được triển khai, tại xã An Ninh Tây, huyện Tuy An đã thử nghiệm tính thích nghi của 10 giống lúa mới từ các giống lúa ưu tú có nguồn gốc từ lai tạo với giống hoang dại (Crop Wild Relatives viết tắt là CRW) tại cộng đồng và sản xuất thử 4 giống đã được chọn từ 2 vụ trước; còn tại xã Hòa Thắng, huyện Phú Hoà triển khai thí nghiệm 100 dòng lúa (CRW) và đã đạt được những kết quả như sau:
Tại xã An Ninh Tây, huyện Tuy An: Nhóm nông dân tham gia 15 người đã cùng tham gia thực hiện: Mô hình thử nghiệm tính thích nghi 10 giống lúa CRW tại cộng đồng được triển khai vụ Hè Thu 2023 và vụ ĐX 2023-2024 với 10 giống lúa mang tên Nông dân 1 đến Nông dân 10 có kiểu hình đẹp, tiềm năng năng suất cao, có 02 giống đối chứng chuẩn (IR64, OM5451) và giống đối chứng địa phương ML49. Qua 02 vụ triển khai với diện tích là 1000m2/vụ/ mô hình áp dụng đúng quy trình của đề tài BOLD đặt ra từ khâu làm mạ, khâu làm đất, phân lô cấy, cấy mạ, chăm sóc và thu hoạch (gặt tay). Trong suốt thời gian thực hiện, quá trình theo dõi, chăm sóc (yêu cầu hạn chế phun thuốc BVTV để đánh giá tính chống chịu), nhóm nông dân tự tay đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng, các yếu tố cấu thành năng suất, chỉ số thu hoạch,…; đến cuối vụ, tổ chức hội thảo để bình chọn những giống cho năng suất cao, dạng hình đẹp, khả năng chống đổ ngã, ít sâu bệnh hại, khả năng đóng thóc dày ,… phù hợp để áp dụng tại địa phương. Kết quả đã chọn được 02 giống phù hợp với địa phương là Nông dân 1, Nông dân 2. Hai giống này có dạng hình đẹp, thời gian sinh trưởng vụ Hè Thu 90-95 ngày, vụ Đông Xuân 105-110 ngày, khả năng đóng thóc dày, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất bình quân đạt: Nông dân 1: 65,2 tạ/ha, Nông dân 2: 70,3 tạ/ha cao hơn đối chứng địa phương ML 49 đối với Nông dân 1 là hơn gần 2 tạ/ha, với Nông dân 2 là hơn 8,6 tạ/ha (thể hiện qua biểu đồ năng suất thực tế). Và tín hiệu đáng mừng hai giống Nông dân 1 và Nông dân 2 được bà con nông dân đăng ký sản xuất nhân rộng mô hình trong vụ Đông Xuân 2024-2025 với diện tích 3 ha .
Biểu đồ thể hiện năng suất thực tế của mô hình sản xuất thử 3 giống Nông dân 1, Nông dân 2 và giống đối chứng ML49
BOLD đã triển khai 01 lớp tập huấn chọn tạo giống lúa tại xã An Ninh Tây vụ Hè Thu 2024 với hình thức cầm tay chỉ việc cho 20 học viên là những nông dân tham gia tổ cộng đồng thực hiện đề tài BOLD nhằm giúp bà con nắm vững kiến thức, cách làm trong chọn tạo giống để có thể áp dụng tại gia đình mình. Kết quả 100% học viên nắm được quy trình chọn tạo giống.
Nhóm nông dân tham gia đề tài BOLD
Taị xã Hòa Thắng, huyện Phú Hoà: Thí nghiệm 100 dòng lúa CRW được triển khai qua 02 vụ Hè Thu 2023 và vụ Đông Xuân 2023-2024. Diện tích thực hiện 1.000m2/vụ. Qua quá trình thực hiện nhận thấy đa phần các dòng lúa thí nghiệm có khả năng chống chịu bệnh và các tác hại xung quanh. Một số giống có khả năng thích nghi tốt tại địa phương. Việc bình chọn đánh giá tại ruộng thí nghiệm có sự tham gia của cán bộ kỹ thuật và người nông dân dựa vào các đặc tính như thời gian sinh trưởng, cứng cây, khả năng đóng thóc, dạng hạt (hạt dài, hạt tròn), màu sắc hạt, màu sắc hạt gạo (trong, đục), chiều cao cây, khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất của từng dòng bằng cảm quan, Kết quả bước đầu dánh giá sơ bộ các dòng được chọn nhiều nhất là 6 dòng: L200-5-2, L125-1, L112-3-1, L93-1-1,L18-4-1-1,L66-2-1-1. Hiện các dòng được chọn tiếp tục được sản xuất thử để theo dõi với diện tích khoảng 40m2/giống để chọn ra những giống lúa phù hợp tại đia phương.