Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên

Thứ ba - 04/06/2024 20:39
Ngày 23/5/2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: "Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên" tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Tham dự diễn đàn có ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và lãnh đạo các Sở, ban ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân của 5 tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên và Quảng Ngãi. Đây là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học cùng bà con nông dân giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc triển khai, áp dụng ngày càng sâu rộng cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển nông nghiệp bền vững.
 
z5481374268368 624adb664732f7b337018418be68493f


Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông  nghiệp những năm gần đây đã có nhiều thay đổi tích cực, số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp từ năm 2011 - 2023 tăng nhanh: số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần, riêng đối với cơ giới hóa sản xuất lúa giai đoạn 2008 - 2023: Khâu làm đất tăng từ 75% lên 97%; khâu gieo sạ, cấy tăng từ 5% lên 65%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật từ 55% lên 80%; khâu thu hoạch từ 15% lên 78%; khâu thu gom rơm, rạ đạt 90%.

Mặc dù vậy, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp mới tập trung ở một số khâu và chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, như: giao thông nội đồng, quy mô đồng ruộng còn nhỏ, phân tán, hệ thống tưới, tiêu chưa đồng bộ,..; chính sách tích tụ ruộng đất, hạn điền, tín dụng, hỗ trợ liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đủ mạnh và rộng; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng cơ giới hóa, chưa hình thành được nhiều các tổ hợp tác trong phát triển cơ giới hóa nông nghiệp ở từng địa phương;…
 
z5468281202330 d8d01078634984ba3a808f9f16fa24b7


Tại tỉnh Phú Yên, nhìn chung, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chú trọng nhưng chưa đồng bộ và rộng khắp, tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, vận chuyển (tỉ lệ áp dụng trên 95%); khâu tưới nước chủ động được áp dụng trên cây lúa (tỉ lệ áp dụng 90%); khâu thu hoạch chủ yếu áp dụng đối với cây lúa (tỉ lệ hơn 95%), đã đưa máy móc vào khâu thu hoạch mía nhưng chưa nhiều; tỉ lệ áp dụng máy cơ giới ở các khâu gieo trồng, bón phân, sấy vẫn còn rất thấp. Nguyên nhân chính là do diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún. Do vậy, việc cơ giới hóa trong nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhất là trong khâu gieo trồng.
 
TT Các khâu công việc Tỷ lệ cơ giới hoá (%)
Lúa Mía Sắn
1 Làm đất 97,6 98,0 98,5
2 Gieo trồng 18,0 23,4 9,0
3 Tưới, tiêu chủ động 63,8 17,4 4,7
4 Chăm sóc 17,7 10,2 6,6
5 Thu hoạch 96,2 18,9 12,3
6 Cơ giới hoá đồng bộ 32,2 15,0 5,0

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: “Cơ giới hóa trong nông nghiệp là 1 trong những yếu tố cốt lõi, nền tảng để thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế; giúp giảm chi phí, nhân công, nâng cao năng suất chất lượng và giảm phát thải, giảm tổn hại đến môi trường”. Do đó, rất cần thiết phải đầu tư ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong ứng dụng thiết bị cơ giới hóa vào sản xuất như: cơ chế hỗ trợ đầu tư trang thiết bị máy móc cơ giới, chính sách về vay vốn tín dụng; vấn đề đào tạo nông dân vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị cơ giới; nghiên cứu cải tiến các máy móc, thiết bị cơ giới hóa để phù hợp với điều kiện đồng ruộng và nâng cao hiệu quả của thiết bị; đổi mới mô hình dịch vụ cơ giới hóa;…Qua đó, đề ra một số giải pháp cụ thể như sau:

- Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (đất đai, giao thông nội đồng, thủy lợi nội đồng; hạ tầng công nghệ...) và đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tập trung hóa đất đai xây dựng cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hoá.

- Đẩy mạnh chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp, trong đó, trọng tâm là khuyến khích phát triển các tổ hợp tác, tổ dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

- Phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp. Sử dụng công nghệ 4.0 điều khiển các máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp.

- Phát triển cơ giới hoá đồng bộ phù hợp với từng vùng sản xuất với quy mô lớn gắn với tổ chức sản xuất và theo chuỗi giá trị nông sản và tăng cường chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao và kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi tư duy, thúc đẩy, nhân rộng việc ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp tự động hoá và nông nghiệp số./.
 

Tác giả bài viết: Ngô Thị Bích Diễm - TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây