ĐỐT RƠM RẠ SAU MỖI VỤ THU HOẠCH - LỢI ÍT, HẠI NHIỀU

Thứ năm - 09/05/2024 04:08
Đến hẹn lại lên, câu chuyện đốt rơm rạ của bà con nông dân sau mỗi vụ thu hoạch lúa lại diễn ra.
Huyện Phú Hòa với 5.318 ha sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024. Thời điểm này, lúa vụ Đông Xuân đã thu hoạch xong. Sau thu hoạch, thay vì thu gom rơm rạ để tận dụng làm thức ăn gia súc, ủ phân bón, trồng nấm... vẫn còn nhiều diện tích nông dân chọn cách đốt rơm rạ ngay trên ruộng. Dọc Quốc lộ 25 đoạn qua địa bàn huyện Phú Hòa thời điểm này, chúng ta sẽ không khỏi bắt gặp cảnh nông dân đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Rơm rạ bị đốt tạo ra những cột khói cao nghi ngút, gây ô nhiễm môi trường, một số ruộng nằm sát quốc lộ, khói lan ra che khuất tầm nhìn của người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông.

Đây là vấn đề không mới, đã thành tập quán sản xuất lâu đời của người nông dân vì trong suy nghĩ một số người nông dân cho rằng việc đốt rơm rạ sẽ không tốn công xử lý sau thu hoạch mà đồng thời còn tiêu diệt mầm mống dịch hại, một phần cỏ dại mọc trên đồng ruộng tạo ra một lượng tro làm phân bón trả lại cho đất.


image 20240509151234 15
Hình 1. Khói trắng bay nghi ngút trên đồng ruộng

Nhưng suy nghĩ và cách làm như thế chỉ “lợi bất cập hại”.

theo nghiên cứu của các chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng, tiêu diệt các loại côn trùng có ích, dẫn đến làm mất cân bằng hệ sinh thái bền vững trên ruộng lúa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bùng phát sâu bệnh trên đồng ruộng, làm cho người nông dân phải sử dụng lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao.

image 20240509151234 16
image 20240509151234 17
Hình .2. Người dân đốt rơm rạ tại khu đồng Hòa Trị - Phú Hòa

Việc đốt rơm rạ sau thu hoạch không những gây ra hậu quả như ô nhiễm không khí, gia tăng nhiệt độ cục bộ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng về lâu dài do nguy cơ phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ, tồn tại bền vững trong môi trường, đốt rơm rạ thiếu kiểm soát cũng làm ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của nông dân lân cận các khu ruộng. Việc xử lý rơm rạ không đúng cách còn gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên thiên nhiên vì theo Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), trong 1 tấn rơm chứa khoảng 5-8 kg đạm, 1,2 kg lân, 20 kg kali, 40 kg silic và 400 kg carbon; do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là chúng ta đã tự bỏ đi một lượng lớn phân bón, chất dinh dưỡng tự nhiên cần thiết cho cây lúa.

Thành phần hóa học của rơm rạ tính theo khối lượng khô gồm 60% xenluloza (cellulose), 14% linhin (lignin), 3,4% đạm hữu cơ (protein), 1,9% chất béo (lipid). Nếu tính theo nguyên tố thì Cacbon (C) chiếm 44%, Hyđrô (H) chiếm 5%, Oxy (O) chiếm 49%, Ni tơ chiếm khoảng 0,92%, một lượng rất nhỏ Phốtpho (P), Lưu huỳnh (S) và Kali (K).

image 20240509151234 19

image 20240509151000 11
Hình 3. Gốc rơm rạ cháy khô còn sót lại trên đồng ruộng

Khi đốt rơm rạ lượng C, H, O biến hết thành các khí CO2, CO và hơi nước. Protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2… bay lên. Trong tro chỉ còn lại ít P, K, Ca và Si… nghĩa là giá trị về mặt khoáng chất, chất hữu cơ không còn nhiều. Tạo ra hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển. Theo ước tính của các nhà chuyên môn, đốt 1 ha (trung bình 8 tấn rơm rạ) sẽ phát thải 9,1 tấn CO2, 798 kg khí CO, 398 kg các chất hữu cơ độc hại và 12 kg tro bụi.

Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên đã có văn bản số 1160/SNN-TTBVTV ngày 03/5/2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ gửi các địa phương trên toàn tỉnh. Theo đó yêu cầu các địa phương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn mình quản lý thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không nên đốt rơm rạ sau thu hoạch; thông tin về tác hại của việc đốt rơm rạ không đúng quy định ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, lửa từ các đống rơm rạ còn có thể dẫn đến nguy cơ cháy lan ra những đám ruộng chưa thu hoạch, gây tai nạn giao thông do khói bụi che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông,... Đồng thời, có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật; có giải pháp để hỗ trợ, vận động người dân thu gom, xử lý rơm rạ còn lại trên đồng ruộng, bảo đảm vệ sinh môi trường theo quy định; có thể thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh, tố giác của các cá nhân, tổ chức khi phát hiện có tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn quản lý.

image 20240509151000 14
Hình 4. Cuộn rơm để sử dụng cho gia súc ở Hòa Thắng – Phú Hòa

Rơm rạ có rất nhiều lợi ích và điều quan trọng là chúng ta sử dụng cách nào để phát huy hết hiệu quả của nó đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực như gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng./.

Tác giả bài viết: Lê Đức Thuận (Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Phú Hòa)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây