Trước đây khi đến xã An Xuân, huyện Tuy An người ta chỉ thấy bạt ngàn ruộng mía, sắn và những đồi keo; nhưng khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã An Xuân, huyện Tuy An đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng cây sắn, mía, keo,… kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi, vải,… Một số hộ tại đây bước đầu đã thu được trái ngon, quả ngọt từ vườn cây ăn quả.
Được xem là xã miền núi của huyện Tuy An, xã An Xuân có nhiều điều kiện tiềm năng về đất đai, tuy nhiên bà con nông dân tại đây chủ yếu là trồng sắn, mía và trồng cây lâm nghiệp nên hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác chưa cao. Cây sắn, cây mía do thiếu nguồn nước tưới vào mùa nắng nên năng suất không cao, hiệu quả kinh tế thấp. Về cây keo, thì theo bà con nông dân cho biết, trồng cây keo lai mặc dù chỉ tốn tiển đầu tư năm đầu, ít tốn công và chi phí đầu tư các năm tiếp theo thấp nhưng 1 ha đất trồng keo sau 5 năm bán chỉ được chừng 50 đến 70 triệu đồng, tính ra mỗi năm thu từ 10 đến 12 triệu đồng/ha, nông dân nào nhiều đất thì cũng tạm ổn chứ nhà nào diện tích đất trồng ít thì cuộc sống rất khó khăn. Nhiều hộ nông dân đã nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay vì trồng sắn, mía, keo lai như trước để chuyển sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao hơn, nhưng chọn đối tượng cây ăn quả nào phù hợp với điều kiện của địa phương thì một số còn loay hoay chưa dám quyết.
Khi các ngành, các cấp xắn tay vào cuộc
Ông Ngô Thanh Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuân cho biết trước thực tế canh tác nông nghiệp còn bấp bênh, thu nhập không ổn định của nông dân tại địa phương, UBND huyện, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy An, Đảng ủy xã An Xuân định hướng quy hoạch hình thành vùng trồng cây ăn quả tại địa phương. Các cơ quan chuyên môn của huyện Tuy An như Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông… đã tư vấn hướng dẫn cho nông dân phương pháp xây dựng, thiết kế vườn cây ăn quả. Như trong tháng 4/2023, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức lớp tập huấn ngay tại hiện trường hướng dẫn kỹ thuật chiết, ghép, nhân giống cây ăn quả đã giúp nông dân chủ động tuyển chọn giống cây ăn quả có chất lượng tốt để mở rộng và phát triển vườn cây ăn quả của mình.
Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân huyện Tuy An đã hỗ trợ nguồn vốn xây dựng vùng trồng cây ăn quả với kinh phí khoảng 700 triệu đồng xây dựng các mô hình trồng nhãn, vải, bưởi, dừa… cho 12 hộ nông dân. Ngoài ra Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Hội Nông dân xã cũng đang xây dựng thí điểm 3 ha mô hình trồng cây mắc ca và đang đầu tư xây dựng trồng 2 ha cây sầu riêng tại thôn Tân Thành, xã An Xuân, nếu các mô hình trồng thí điểm trên thành công sẽ định hướng nông dân nhân rộng các mô hình này ra địa bàn toàn xã. Qua 3 năm thực hiện, đến nay các đối tượng cây ăn quả của các mô hình này đang sinh trưởng, phát triển khá tốt, nhìn chung khí hậu địa phương phù hợp các đối tượng cây trồng nhãn, vải, bưởi… một số vườn đã ra trái bói nhưng nông dân đang tập trung nuôi gốc chưa cho ra trái rộ, tuy nhiên qua đánh giá ban đầu trái rất sai, cơm dày, thơm ngon.
Hy vọng vào những mùa trái ngọt
Đến thăm vườn bưởi của gia đình ông Trà Văn Dương, thôn Xuân Trung, xã An Xuân, ông Dương cho biết cách đây 4 năm nhận thấy việc trồng sắn, bắp, keo lai quá vất vả nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu nên ông cố gắng học tập xây dựng vườn bưởi nhằm có thu nhập cao hơn. Với diện tích 4 sào đất (2.000 m2) vườn nhà ông trồng 100 gốc bưởi, năm ngoái sau 3 năm trồng bưởi đã cho trái bói, chất lượng bưởi rất ngon, ông thu hoạch và bán được 5 triệu đồng, năm nay vườn đang cho ra trái rộ thì thu nhập chắc chắn thu nhập sẽ cao hơn. Theo ông Dương, với giá bán bưởi khoảng 25.000 đồng/kg, nếu 1 cây cho thu hoạch khoảng 20 trái, trung bình 2 kg/trái thì giá trị kinh tế thu được cao hơn nhiều so với trồng sắn, mía như trước đây. Làm vườn bưởi chỉ vất vả giai đoạn đầu, khi cây bắt đầu khép tán thì khỏe hơn, giờ chỉ việc chăm sóc và thu hoạch thôi. Cũng tại thôn Xuân Trung, xã An Xuân có gia đình chị Trịnh Thị Trà Vịnh cách đây 4 năm cũng xây dựng vườn vải, nhãn trên đất trồng sắn trước đây với diện tích 1 ha trong đó có 200 gốc vải và 400 gốc nhãn. Năm ngoái vườn vải của gia đình chị đã cho ra trái bói, chất lượng quả thơm ngon, quả to, ngọt, mọng nước… nhiều người dân tại địa phương đến thưởng thức và khen ngon, vườn vải hiện đang đậu quả rộ, theo chị Vịnh năm nay giá bán vải trên thị trường hiện đang cao, chắc chắn vườn vải sẽ cho thu nhập tốt.
Vườn bưởi của gia đình ông Trà Văn Dương, thôn Xuân Trung, xã An Xuân
Quả vải trong vườn cây ăn quả của gia đình chị Trịnh Thị Trà Vịnh, thôn Xuân Trung, xã An Xuân, huyện Tuy An
Mặc dù bước đầu đã xây dựng được một số vườn cây ăn quả tại địa phương, nhưng theo ông Ngô Thanh Tân - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuân tâm sự, vẫn còn nhiều khó khăn đối với nông dân vì điều kiện giao thông đi lại vất vả nên việc cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp còn hạn chế, người dân khi cần mua thiết bị, vật tư, phân bón… phải chạy xuống thị trấn Chí Thạnh chứ tại địa phương không có. Hy vọng sự chung tay giúp sức của các ngành, các cấp cũng với sự nỗ lực cố gắng của bà con nông dân chắc chắn trong thời gian tới sẽ hình thành vùng trồng cây ăn quả tại xã An Xuân, giúp bà con nơi đây thu được những mùa “trái ngọt”./.