Trung tâm Khuyến nông Phú Yênhttps://khuyennongpy.org.vn/uploads/logo.png
Thứ hai - 21/09/2020 17:17
Xuất phát từ 20 con dê đầu tiên được mua từ tỉnh Ninh Thuận, 3 năm sau, đàn dê của gia đình anh Cửu đã tăng hơn 150 con dê lớn, nhỏ với tổng giá trị kinh tế khoảng hơn 350 triệu đồng.
Được sự giới thiệu của ông Biện Ngọc Min, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ, tôi đã đến trang trại chăn nuôi dê thương phẩm của gia đình anh Nguyễn Văn Cửu ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An để tận mắt quan sát quy mô khu chăn nuôi dê của gia đình anh.
Trang trại chăn nuôi dê thương phẩm của gia đình anh Cửu được bố trí cách xa khu dân cư tầm 7 km, với diện tích chăn thả hơn 10 ha đất vườn đồi. Năm 2017, anh đã mua 20 con dê từ tỉnh Ninh Thuận về nuôi, lấy ngắn nuôi dài, anh vừa bán dê thương phẩm vừa chọn lọc dê bố mẹ để nhân giống, gầy đàn, đến nay đàn dê của gia đình đã tăng lên hơn 150 con dê với tổng giá trị hơn 350 triệu đồng.
Để có được kết quả này, anh Cửu đã chịu khó cất công đi học tập kinh nghiệm chăn nuôi dê ở các tỉnh bạn như Bình Thuận, Ninh Thuận vừa kết hợp nghiên cứu tìm tòi kiến thức chăn nuôi dê trên internet, sách báo; riêng các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê thương phẩm và đặc biệt là các lớp tập huấn TOT về hướng dẫn chăn nuôi dê thích ứng với biến đổi khí hậu do Trung tâm Khuyến nông Phú Yên tổ chức trong những năm gần đây, anh đã luôn tham gia đầy đủ và ghi chép cẩn thận những kiến thức mà cán bộ kỹ thuật của Trung tâm truyền đạt, chuyển giao.
Từ những kiến thức và kinh nghiệm đã có được, anh đã bố trí, xây dựng trang trại nuôi dê trên diện tích 10ha đất một cách khoa học, như khu nuôi dê tập trung rộng khoảng 2.000m2, khu trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho dê rộng khoảng 2,5 ha, khu chăn thả bán thâm canh trên 5,5 ha,... với cách bố trí trang trại hài hòa theo kiểu chăn nuôi kết hợp trồng trọt, nên nguồn thức ăn xanh cho đàn dê luôn dồi dào, làm giảm chi phí mua thức ăn công nghiệp, công chăn dắt, gia đình anh chỉ mua thức ăn bổ sung trong mùa mưa bão khi đàn dê không thả rông được. Nhờ điều kiện chăn nuôi thuận lợi cùng với sự đầu tư, chăm sóc hàng ngày mà đàn dê của gia đình anh ít khi bị bệnh, sinh trưởng và phát triển đồng đều, chất lượng thịt thương phẩm rất ngon.
Trong những năm qua, mỗi năm, công việc chăn nuôi dê đã mang đến cho gia đình anh Cửu lãi ròng hơn 100 triệu đồng, vì vậy, để củng cố hơn nữa việc chăn nuôi, anh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời với tổng giá trị hơn 50 triệu đồng, nhờ vậy mà nguồn điện được chủ động hoàn toàn để vừa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình, vừa phục vụ cho trang trại chăn nuôi dê. Anh cho biết: Kế hoạch sắp tới của gia đình anh là tiếp tục tăng số lượng đàn dê thương phẩm lên trên 300 con, tận dụng điều kiện đất đai để mở rộng đối tượng chăn nuôi khác như nuôi bò lai hướng siêu thịt, chăn nuôi heo rừng lai…
Với bản chất nông dân hiền lành, chân chất, anh Cửu luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi dê cho các hộ dân trong vùng, nhiều người tìm đến để học tập và mua giống về nuôi, anh đã tận tình giúp đỡ, tư vấn cả về kỹ thuật cũng như con giống; ngoài ra, anh còn mong muốn nghề chăn nuôi dê cần được phổ biến, nhân rộng để từ đó thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê, bởi theo anh, thịt dê hiện nay được xem như là một món đặc sản tại các nhà hàng, nên nhu cầu tiêu thụ rất ổn định, nếu thành lập tổ hợp tác thì người nuôi luôn chủ động được nguồn hàng để cung cấp theo chuỗi giá trị, chỉ có cách làm như vậy mới có thể đảm bảo được tính bền vững của nghề chăn nuôi dê./.