Trung tâm Khuyến nông Phú Yênhttps://khuyennongpy.org.vn/uploads/logo.png
Thứ tư - 09/12/2020 14:47
Sống ở nông thôn cũng như mọi nông dân khác, chị Ngô Thị Xuân Điểu, ở tại khu phố Uất Lâm, phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, tuy nhiên nhờ siêng năng, ham học hỏi, biết cách áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và kịp thời chuyển đổi đối tượng sản xuất cách hợp lý nên nhờ vậy gia đình chị có cuộc sống ổn định.
Trao đổi với chúng tôi chị Điểu cho biết chị quê ở xã Hòa Xuân Tây, lấy chồng ở phường Hòa hiệp Bắc, lúc mới lập gia đình hai vợ chồng chủ yếu là làm ruộng, sau này chồng chị tham gia công tác tại phường nên mọi việc trong gia đình chị cáng đáng hết. Ban đầu chủ yếu làm ruộng từ mấy sào đất thừa kế của bố mẹ, trồng lúa năm được năm mất, chỉ đủ gạo ăn hàng ngày, cuộc sống khá bấp bênh, không nản chí, chị mày mò học tập cách nuôi heo nái. Bằng kiến thức của nghề y mà chỉ được học khi còn nhỏ, chị đã áp dụng và chủ động hoàn toàn trong việc phòng, trị bệnh khi nuôi heo nái. Chị nuôi khá mát tay nên đàn heo đẻ đều đều, ít bị bệnh tật. Cách nuôi heo để đạt hiệu quả theo kinh nghiệm của chị là năm nào heo thịt được giá thì chị giữ lại nuôi heo thịt, nếu heo con được giá thị chị bán heo con. Nhờ nuôi heo mà kinh tế gia định chị dần dần ổn định, làm ăn có dư, mọi chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tiền cho con cái đi học đều từ nghề nuôi heo nái. Tuy nhiên thời gian gần đây, nghề nuôi heo gặp nhiều bất ổn do dịch bệnh trên đàn heo xảy ra liên tục, giá cả lên xuống thất thường nên chị quyết định chuyển sang đối tượng nuôi mới.
Lần này chị học tập cách nuôi gà nhưng không theo lối nuôi gà thịt nhốt thông thường của nông dân tại địa phương mà chọn cách nuôi gà chất lượng cao với phương thức chọn các giống gà đặc sản, thịt thơm mềm, nuôi thả vườn, cho ăn hoàn toàn bằng bằng thức ăn nông nghiệp như cám, bắp, lúa, cá tạp,… chị còn chọn các thời điểm lễ tết, nhu cầu ăn gà cao để xuất bán gà. Nhờ áp dụng cách nuôi này mà đàn gà nhà chị nổi tiếng là thơm ngon, an toàn, sạch bệnh, nông dân tại địa phương khi nhà có đám tiệc đều đến chị đặt mua gà. Mặc dù giá bán gà của nhà chị cao hơn gà ở chợ nhưng nuôi tới đâu bán hết đến đó, bình quân mỗi lứa gà cho chị thu nhập từ 5 đến 7 triệu là chuyện bình thường, mỗi lứa chị thả khoảng 150 con gà giống, mỗi năm chị thả 6 lứa.
Thấy chuồng heo cũ bỏ trống, không nuôi lãng phí, cậu con trai bàn với chị tìm kiếm học hỏi cách nuôi thỏ. Hai mẹ con tìm đến các cơ sở nuôi thỏ tại các địa phương trong tỉnh, đồng thời lên mạng tìm kiếm mô hình nuôi, học tập cách nuôi để xây dựng và thiết kế chuồng nuôi thỏ theo hướng thâm canh. Nhờ việc học tập các kinh nghiệm nên chị thiết kế chuồng nuôi thỏ khá bài bản, các dãy lồng nuôi đặt song song nhau, dưới các dãy có rãnh hứng phân, thức ăn thừa rơi vãi nên có thể dễ dàng vệ sinh, dọn rửa mà không ảnh hưởng đến các dãy lồng khác, chuồng nuôi được đặt làm tại thành phố Hồ Chí Minh với thiết kế thông minh, tiết giảm tối đa diện tích nuôi, đồng thời có hệ thống vòi uống nước tự động, khay ăn thức ăn xanh, khay thức ăn tinh bổ sung…, chuồng nuôi thỏ đẻ, thỏ con và thỏ thịt được thiết kế, bố trí hợp lý. Chuồng trại cơ bản đã ổn, chị bắt đầu nuôi các giống thỏ thịt nuôi tại địa phương, tuy nhiên sau một thời gian nuôi thấy giống thỏ địa phương kém hiệu quả nên chị chuyển sang nuôi giống thỏ Newzealand có ưu điểm là mắn đẻ, ít bệnh tật và cho thỏ thịt có trọng lượng cao. Theo chị Điểu, thức ăn cho thỏ rất đơn giản chủ yếu là rau lá quanh nhà và bổ sung cho ăn một ít cám tổng hợp. Chăm sóc thỏ cũng nhàn, buổi sáng chỉ mất khoảng nửa tiếng để cho ăn thức ăn tinh và kiểm tra sức khỏe bầy thỏ, buổi chiều mất nửa tiếng cho ăn rau xanh, cứ 3 ngày thì vệ sinh chuồng thỏ một lần. Nuôi thỏ cần lưu ý hai chuyện, thứ nhất khi cho ăn rau xanh cần phải phơi cho thật khô ráo, không được để dính nước sẽ làm thỏ bị đau bụng, ỉa chảy dẫu đến chết; tiếp đến là cần phải siêng theo dõi thỏ để kịp phối giống vì thỏ cái sau khi đẻ khoảng 3 ngày sau là tiếp tục động dục, lúc này phát hiện kịp thời, cho phối thì thỏ sẽ sớm mang thai, nuôi con và đẻ lứa tiếp theo, nếu không phát hiện kịp thời thì thỏ cái sẽ qua giai đoạn động dục, chỉ lo nuôi con dẫn đến làm chậm chu kỳ sinh sản của thỏ, làm giảm hiệu quả kinh tế. Qua khoảng 2 năm nuôi, đàn thỏ của gia đình chị Ngô Thị Xuân Điểu có khoảng 30 con thỏ cái giống Newzealand, mỗi tháng cho xuất chuồng hơn 50 kg thỏ thịt. Đầu ra tương đối dễ vì các quán ăn, cơ sở thu mua nhận thu mua với giá khoảng 85.000 đồng/kg thịt, theo ước tính của chị Liễu, chi phí nuôi 1 con thỏ bình quân chưa đầy 1.000 đồng/ngày, qua 3 tháng nuôi thịt thỏ đạt trọng lượng 2,2 đến 2,5 kg/con tính chi phí nuôi chưa đến 100.000 đồng/con nếu bán với giá 200.000 đồng/con thì lãi trên 100.000 đồng/con.
Đảm việc nhà, giỏi việc nước, chị Ngô Thị Xuân Điểu còn tham gia Hội phụ nữ Phường để làm công tác hỗ trợ vốn giúp các chị em phụ nữ khác có sinh kế làm ăn, chị còn tích cực tham gia các lớp tập huấn do các cơ quan tổ chức để có kiến thức áp dụng vào sản xuất gia đình mình và hướng dẫn giúp các hộ khác cùng làm theo. Kinh nghiệm của chị Điểu về sự nhạy bén trong việc tiếp thu các kinh nghiệm sản xuất, chuyển đổi đối tượng nuôi hợp lý và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại hộ gia đình là điển hình để các hộ nông dân khác học tập, làm theo./.