TẤM GƯƠNG PHỤ NỮ VÙNG CAO VƯỢT KHÓ
Phạm Lê Hoàng - Trạm KN huyện Đồng Xuân
2022-11-14T04:00:55-05:00
2022-11-14T04:00:55-05:00
https://khuyennongpy.org.vn/index.php/guong-san-xuat-tien-tien/tam-guong-phu-nu-vung-cao-vuot-kho-291.html
https://khuyennongpy.org.vn/uploads/news/2022_11/image004.png
Trung tâm Khuyến nông Phú Yên
https://khuyennongpy.org.vn/uploads/logo.png
Thứ hai - 14/11/2022 04:00
Chị La Mo Thị Cu là tấm gương người phụ nữ vùng cao không dầu hàng hoàn cảnh, tự vươn lên đáng để cho nhiều người học tập.
Phú Mỡ là xã xếp loại đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Đồng Xuân, cũng là xã có cự ly về thị trấn La Hai xa nhất của huyện (trên 40 cây số). Đồng bào người dân tộc thiểu số ở xã chiếm trên 90%. Đến với xã Phú Mỡ, về thôn Phú Tiến, tôi biết được một tấm gương phụ nữ vùng cao vượt nghịch cảnh đáng khâm phục.Đó là chị La Mo Thị Cu người đồng bào Chăm Hroi, sinh năm 1995, có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn: chồng chị là anh La Lan Đen không may bị tai nạn lao động trong lúc khai thác gỗ keo giờ không đi lại được phải ngồi xe lăn, chị còn 2 đứa con nhỏ trong độ tuổi còn đi học, chưa phụ giúp được các công việc trong gia đình. Vì thế nguồn sống của gia đình tất cả phụ thuộc vào mình chị. Chị phải lao động cật lực để có đủ tiền nuôi sống cả gia đình.Chị chia sẻ: Do hoàn cảnh không được may mắn như bao gia đình khác nhưng thương chồng và 2 đứa con còn nhỏ dại nên chị không đầu hàng số phận, chị quyết tâm tìm hiểu, học hỏi từ một số hộ chăn nuôi của người đồng bào dân tộc Kinh ở xã Xuân Quang 3 để áp dụng vào chăn nuôi của gia đình; bên cạnh đó chị còn chịu khó mua bán trao đổi hàng nông sản ngay tại địa phương; mua bán tạp hóa giải khát phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng trong thôn, trong xã.Về chăn nuôi, hiện tại đàn vịt Xiêm của nhà chị từ 04 cặp bố mẹ đầu tiên mua về nay đã lên đến gần 100 con, đàn gà hơn 30 con. Chị đã biết cách xây dựng chuồng trại, ngăn thành từng ô riêng biệt để giúp cho gà, vịt tự đẻ trứng, ấp nở và đôi lúc chị mượn máy ấp trứng của bà con trong dòng họ về ấp trứng, bán con giống cho các hộ trong và ngoài thôn mua về nuôi. Có lần chị mua trứng vịt lộn về bán cho người tiêu dùng nhưng bán không được, thế là chị mượn máy ấp trứng về ấp, kết quả đạt tỉ lệ vịt nở nuôi sống trên 70%. Chị mua gà về thả trong vườn nhà đã rào sẵn, khi có khách hàng điện thoại yêu cầu giết thịt thì chị làm thịt đem giao tận nhà trong phạm vị các thôn lân cận ở xã Phú Mỡ.
Về hoạt động mua bán tạp hóa, các mặt hàng mua bán của gia đình chị rất đa dạng như, nước giải khát, bia rượu, chuối, sắn, bí đỏ,... Với các mặt hàng nông sản, chị thu mua lại của các hộ thu hoạch từ nương rẫy trong thôn về bán lại tại nhà, khi số lượng nhiều chị bỏ sỉ tại chợ thị trấn La Hai, hoặc nếu ở xã Phú Mỡ một số thời điểm không có hàng mua thì chị lại đi xe máy ngược xuống chợ lớn ở thị trấn La Hai mua về để bán lại. Ngoài ra chị còn tham gia lớp tập huấn cấp chứng chỉ hành nghề mua bán thuốc bảo vệ thực vật tại thành phố Tuy Hòa, là cơ sở để chị mạnh dạn mua hạt giống các loại, phân bón, thuốc BVTV,... về bán lại cho các hộ gia đình khác trong thôn, xã.Với mức thu nhập chính từ nguồn hoạt động chăn nuôi, mua bán, hàng tháng mặc dù chỉ cho thu nhập không nhiều (chỉ khoảng 5 triệu đồng) nhưng trên địa bàn vùng cao biết tằn tiện cộng với nông sản vườn nhà chị cũng có thể đắp đổi lo cho cuộc sống gia đình và lo cho hai con ăn học.
Tác giả bài viết: Phạm Lê Hoàng - Trạm KN huyện Đồng Xuân