Xuất thân từ gia đình thuần nông, cả đời đã gắn bó với ruộng vườn, ông Sơn quyết tâm thay đổi cách thức sản xuất để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Ông đã tìm tòi, học hỏi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, sách báo và quyết định cải tạo, chuyển đổi vườn tạp lâu năm của gia đình hiệu quả thấp để phát triển thành vườn cây ăn quả trồng theo hướng hữu cơ.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn bên vườn bưởi của gia đình
Đầu năm 2019, ông Sơn đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi 1,2 ha đất vườn tạp của gia đình để trồng hơn 650 cây ăn quả các loại như: mít Thái, cam, bưởi da xanh…. Ông Sơn đã đầu tư hơn 100 triệu đồng cho hệ thống tưới nước bằng péc phun quay tự động với 221 chiếc péc phun để tưới cho toàn bộ diện tích 1,2 ha cây ăn quả; ông còn đầu tư máy phun 3 trong 1 để phun thuốc, phun phân nhằm giảm công lao động. Ngoài áp dụng cơ giới hóa cho vườn cây ăn quả, với tiêu chí sẽ đi theo hướng hữu cơ nên gia đình ông chỉ sử dụng phân hữu cơ và các loại chế phẩm sinh học để bón và phun cho cây, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Phương pháp ủ phân hữu cơ mà ông áp dụng là sử dụng phân chuồng, các loại phế phẩm nông nghiệp (cây cỏ, bã thực vật…) cùng với chế phẩm nấm Trichoderma để ủ; sau khi ủ 1 tháng thì có thể sử dụng hỗn hợp hữu cơ này bón cho cây trồng. Theo ông, việc sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây ăn quả đem lại hiệu quả rất tốt, tiết kiệm được chi phí, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Sau thời gian cải tạo, chăm sóc vườn cây ăn quả, ông Sơn đã đúc kết: Muốn trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ đạt hiệu quả thì cần phải:
+ Hạn chế bón phân vô cơ, chỉ bón lượng nhỏ trong một năm. Chủ yếu là bón phân hữu cơ tự ủ với lượng tầm 40 kg/gốc và chia làm nhiều đợt để bón, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho cây.
+ Hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học. Nên sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn.
+ Vườn cây ăn quả lắp hệ thống tưới nước tự động để tiết kiệm thời gian, công lao động và tiết kiệm nước tưới.
+ Sau khi thu hoạch quả phải tiến hành vệ sinh vườn cây, cắt tỉa cành khô và những cành không có hiệu quả.
Hiện nay, qua những gì ông Sơn đã miệt mài gần 3 năm bên vườn cây ăn quả của mình, đã cho kết quả bước đầu: sản lượng mít bình quân hơn 12 tấn/năm, cam 1,4 tấn/năm, bưởi 1 tấn/năm. Vườn cây ăn quả của gia đình ông hiện nay đã cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm và vườn bưởi da xanh 2 năm tuổi đang phát triển tốt hứa hẹn sẽ cho vụ mùa bội thu. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ trong việc trồng và chăm sóc cây ăn quả nên vườn cây ăn quả nhà ông cho thu hoạch sớm và sản lượng cao hơn hẳn so với phương pháp canh tác truyền thống.
Mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Ngọc Sơn đã được đăng ký là địa điểm xây dựng vườn mẫu nông thôn mới năm 2021 của huyện Đồng Xuân. Vào cuối năm 2021, mô hình này đã đạt 5 tiêu chí: Tiêu chí Quy hoạch, tiêu chí ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu chí sản phẩm từ vườn, tiêu chí cảnh quan-môi trường, tiêu chí thu nhập và đã được Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân quyết định công nhận đạt vườn mẫu nông thôn mới. Đó là điều vinh dự cho gia đình ông Sơn sau bao nhiêu năm miệt mài, cần cù lao động.
Muốn trực tiếp liên hệ, học tập kinh nghiệm sản xuất trên, mọi người có thể liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Sơn theo địa chỉ: thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, số điện thoại: 0399310652.