Tấm gương phụ nữ vùng cao vươn lên thoát nghèo

Thứ hai - 29/08/2022 21:44
Chị Mí Giáo, người đồng bào Êđê, sinh năm 1995, trú tại Buôn Dành B, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh đã vươn lên thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản
Chiều của buôn làng thật thanh bình và mát rượi, từng đàn bò no cỏ thong dong về chuồng, khói lam chiều phảng phát nơi mái bếp quê, cảm giác rất quen mà lạ. Tôi tìm gặp Mí Giáo, đang lúc chị vừa đi làm rẫy về, tay bắt mặt mừng, chị vui vẻ nói: “Mừng lắm cán bộ ơi, nhiều đêm nằm mơ, tôi cũng không nghĩ mình có được căn nhà như thế này, lại có đủ ăn đủ mặc”. Nhìn căn nhà sàn khang trang được hoàn thành cách đây một tháng, chúng tôi đủ hiểu chị vui đến nhường nào.

Chị Mí Giáo, người đồng bào Êđê, sinh năm 1995, trú tại Buôn Dành B, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh. Mí Giáo tâm sự: “Tôi bắt chồng từ năm 2014 với một thanh niên cùng làng nhưng hai bên gia đình đều đông con và có hoàn cảnh rất khó khăn, nên vợ chồng chẳng có của hồi môn gì, ngoài 500m2 ruộng nước. Vợ chồng tôi xin cất tạm căn nhà nhỏ lợp tôn bên cạnh lô đất của cha mẹ. Được cái anh chồng chí thú làm ăn, ai kêu gì thì làm nấy, ngày nào rảnh rỗi lại cặm cụi đi lên rừng lấy măng về bán mỗi ngày, nhưng cũng chỉ được năm ba chục nghìn. Có con nhỏ và bé thường xuyên đau yếu nên tôi chỉ ở nhà, kinh tế gia đình thì ngày càng eo hẹp hơn, bữa cơm chỉ có rau, măng rừng và muối ớt”.

Tình cờ trong một buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản tại xã của Trạm Khuyến nông, chị ấp ủ ước mơ mua được 1 cặp bò sinh sản để chăn nuôi nên đã mạnh dạn vay vốn hộ nghèo 30 triệu đồng với lãi suất thấp của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Sông Hinh để chăn nuôi bò. Sau khi vay được tiền, vợ chồng chị chặt tre làm chuồng và mua hai con bò cái giống. Chị bộc bạch: “Ngày đầu tiên dắt bò về tôi mừng lắm, tối ngủ không được, cứ lát lại ra chuồng bò soi đèn xem nó ngủ hay thức”. Để biết cách chăm sóc, chị rất chịu khó học hỏi kinh nghiệm của mọi người, vấn đề nào không hiểu là hỏi ngay, chị còn tham gia các buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi của các cơ quan chuyên môn tại địa phương mình.

bv 2
Mí Giáo bên căn nhà khang trang của gia đình mình

Sau một năm chăm sóc, hai bò mẹ đã sinh sản ra hai bê con xinh xắn, niềm vui như được nhân đôi, là động lực để vợ chồng chị phấn khởi làm ăn. Từ “cú hích” này, vợ chồng chị dành dụm, tích góp tiền anh đi làm công, chị mua thêm được cặp heo giống về nuôi, mỗi năm một heo mẹ sinh sản hai lứa, mỗi lứa từ 7-8 con, sau khi nuôi độ khoảng hai tháng, mỗi con bán được từ 400.000 đến 500.000 đồng. Như thế, mỗi năm chị thu về gần 13 triệu đồng. Chị nói: “Tiền bán heo con tôi không dám tiêu đến, để dành góp vào làm nhà và mua sữa cho con cũng như sau này con có tiền đi học”.

Từ khi kinh tế gia đình dần đi vào ổn định, Mí Giáo tích cực tham gia vào các đoàn thể ở địa phương. Với vai trò là hội viên Chi hội phụ nữ Buôn Dành B, chị đã tuyên truyền và kêu gọi những người có hoàn cảnh khó khăn như mình trước đây tham gia vào phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”, “Hỗ trợ nhau cùng sản xuất”… Đặc biệt, chị hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm vượt khó của mình để bà con học hỏi theo, để cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

Ông Ma Cang, Phó Buôn Dành B, nói: “Tuy còn trẻ nhưng với nghị lực vươn lên thoát nghèo như Mí Giáo là rất đáng hoan nghênh, hy vọng qua tấm gương này nhiều người học tập để có cuộc sống khá giả hơn”.

Tác giả bài viết: Lưu Thị Bích Ngọc - Trạm KN huyện Sông Hinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây