Khuyến nông Phú Yên: Hỗ trợ nông dân mô hình tưới nước tiên tiến cho cây ăn quả.
Lê Hữu Phúc - Trạm KN huyện Tuy An
2023-12-14T02:50:02-05:00
2023-12-14T02:50:02-05:00
https://khuyennongpy.org.vn/index.php/hoat-dong-khuyen-nong/khuyen-nong-phu-yen-ho-tro-nong-dan-mo-hinh-tuoi-nuoc-tien-tien-cho-cay-an-qua-405.html
https://khuyennongpy.org.vn/uploads/news/2023_12/1c3a3d1dc54c6d12345d.jpg
Trung tâm Khuyến nông Phú Yên
https://khuyennongpy.org.vn/uploads/logo.png
Thứ năm - 14/12/2023 02:46
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã thực hiện mô hình Tưới nhỏ giọt quấn gốc cho cây ăn quả các loại với quy mô: 02 ha/02 bộ thiết bị tưới/02 hộ tham gia, mật độ cây trồng khoảng 500 cây/ha tại Thôn Quảng Đức, xã An Thọ, huyện Tuy An.
Phú Yên là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có khí hậu nóng ẩm nhiệt đới gió mùa, trong năm chia thành hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão và áp thấp nhiệt đới từ Biển Đông vào mùa mưa và trải qua những ngày nắng nóng, khô hạn vào mùa khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 26-27°C, tổng số giờ nắng trung bình từ 2.300 – 2.500 giờ/năm, lượng mưa trung bình khoảng 1.930mm/năm, độ ẩm trung bình khoảng 80 – 82%/năm. Với điều kiện khí hậu, tự nhiên như vậy, tỉnh Phú Yên tương đối thuận lợi cho việc trồng và phát triển các loại cây ăn quả, đặc biệt là các huyện Sông Hinh, Tây Hòa, Sơn Hòa.
Tính đến tháng 9/2023, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 7.000 ha. Trong đó, cây chuối chiếm diện tích lớn nhất đạt 3.256 ha, tiếp đến là dứa (902 ha), mít (390 ha), bơ (350 ha), xoài (330 ha), sầu riêng (314 ha), mãng cầu (180 ha), bưởi (178 ha), cam (155 ha). Các loại cây ăn quả này phát triển mạnh tại các huyện miền núi, địa hình chủ yếu là vùng gò đồi, xa nguồn nước (Cục Thống kê Phú Yên, 10/2023). Trong thời gian tới diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Phú Yên có xu hướng gia tăng, nhất là các loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mãng cầu, bơ,... Tuy nhiên, rất nhiều diện tích trồng cây ăn quả này đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nắng hạn, thiếu nước tưới ngày càng gay gắt, một số nơi mặc dù điều kiện thổ nhưỡng thích hợp cho nhiều loại cây ăn quả sinh trưởng phát triển nhưng vẫn không thể sản xuất được.
Các phương pháp tưới phổ biến thường được áp dụng cho cây ăn quả hiện nay là tưới dí, tưới phun mưa,... Các phương pháp tưới này cho thấy rất nhiều hạn chế trên các vùng gò, đồi núi như: Tốn nhiều nước (tưới dí), anh hưởng bởi điều kiện thời tiết (tưới phun mưa), chi phí lao động tăng cao, diện tích tưới cho mỗi lần tưới còn hạn chế, chưa kết hợp được việc bón phân, xử lý thuốc BVTV và tưới nước;...
Từ những vấn đề trên, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã thực hiện mô hình Tưới nhỏ giọt quấn gốc cho cây ăn quả các loại với quy mô: 02 ha/02 bộ thiết bị tưới/02 hộ tham gia, mật độ cây trồng khoảng 500 cây/ha tại Thôn Quảng Đức, xã An Thọ, huyện Tuy An.
Nội dung và chính sách hỗ trợ: Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 43% trang thiết bị, vật tư hệ thống tưới gồm: Bộ điều khiển trung tâm, hệ thống ống chính, hệ thống ống nhánh và dây tưới nhỏ giọt; 100% chi phí đào tạo, tập huấn, tổng kết với thời gian triển khai là 09 tháng.
Chỉ tiêu kỹ thuật mô hình: Lưu lượng tưới 30 lít/cây/giờ, hệ thống tưới hoạt động ổn định, cung cấp đủ nước theo nhu cầu của cây trồng, bộ châm phân hoạt động tốt, cung cấp đầy đủ phân bón cùng hệ thống tưới. Hiệu quả sản xuất tăng >20% so với đại trà khi đến giai đoạn kinh doanh.
Mô hình kết hợp tập huấn cho 25 hộ nông dân trong và ngoài mô hình về kỹ thuật tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả, quy trình lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng hệ thống tưới và kỹ thuật trồng một số loại cây ăn quả các loại.
Qua thời gian theo dõi, hệ thống tưới hoạt động ổn định, cung cấp chính xác 30 lít nước/cây/giờ cho tất cả các cây khi hệ thống tưới vận hành. Bộ châm phân venturi hoạt động tốt, cơ chế châm phân hoạt động ổn định. Lượng phân bón vào hệ thống tưới có thể đạt từ 100-500 lít/giờ tùy vào nhu cầu của người sử dụng. Khi áp dụng đồng bộ tưới và bón phân cho 01 ha, mô hình chỉ cần 01 công lao động và làm việc trong vòng 02-2,5 giờ/ngày là đã hoàn thành công việc, tương đương với lượng nước tưới + phân bón 60 lít/cây. Tùy vào điều kiện thời tiết mà việc tưới nước lặp lại từ 3-4 ngày/lần, bón phân 7-15 ngày/lần. Từ đó mô hình đã tiết kiệm được >90% công lao động tưới nước và bón phân cho cây ăn quả. Hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng cũng tăng lên đáng kể vì chia ra làm nhiều lần bón hơn, chủ động được nước tưới, phân bón với dạng hòa tan cây dễ hấp thu, giảm thất thoát phân bón do bốc hơi, rửa trôi. Cây sinh trưởng phát triển đều hơn vì được cung cấp chính xác lượng nước tưới và phân bón cho từng gốc cây. Hệ thống tưới có thể được ứng dụng để phòng trừ các loại sâu bệnh hại có nguồn gốc từ đất, đặc biệt là trên rễ cây như: Tuyến trùng, Pythium, Phytophthora,…
Có thể nói đây là mô hình điểm ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt quấn gốc cho cây ăn quả các loại có áp dụng thiết bị tưới của Israel trên địa bàn huyện Tuy An để bà con nông dân quanh vùng đến tham quan học tập và ứng dụng nhân rộng.
Tác giả bài viết: Lê Hữu Phúc - Trạm KN huyện Tuy An