ĐỂ PHÁT TRIỂN SẮN BỀN VỮNG Ở PHÚ YÊN

Thứ tư - 17/11/2021 04:27
Là một trong ba loại cây trồng chủ lực của tỉnh Phú Yên, với lợi thế là cây dễ trồng, đầu tư thấp, thích hợp với nhiều loại địa hình, loại đất khác nhau; bên cạnh đó những năm gần đây giá sắn nguyên liệu tăng, giá mía giảm người dân tự phát chuyển cây mía sang trồng sắn đã làm diện tích trồng sắn ngày càng tăng, cao nhất là niên vụ 2020-2021 diện tích trồng sắn cả tỉnh đạt 29.466 ha.
Diện tích sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện nay đã vượt 2,5-2,6 lần so với quy hoạch được phê duyệt của UBND tỉnh. Việc này đã gây mất ổn định vùng nguyên liệu giữa các loại cây trồng, giá sắn tăng đã gây ra tình trạng tranh mua tranh bán gay gắt giữa các nhà máy trong và ngoài tỉnh.

image001


Phú Yên hiện có hai nhà máy sản xuất tinh bột sắn với tổng công suất trên 670 tấn tinh bột/ngày (Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên đóng tại huyện Sông Hinh hiện đạt công suất trên 430 tấn tinh bột/ngày; Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân đóng tại huyện Đồng Xuân hiện đạt công suất trên 240 tấn tinh bột/ngày). Nhưng thẳng thắn nhìn nhận mối liên kết giữa người dân trồng sắn và các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ. Các doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều để phát triển vùng nguyên liệu, tuy có thực hiện hỗ trợ đầu tư giống, vôi, phân bón lót ở một số nơi, nhưng vẫn dừng ở mức nhỏ lẻ, chưa nhân rộng khắp trong vùng nguyên liệu đã được phân vùng cho các doanh nghiệp. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sắn (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) đa phần vẫn do người nông dân tự lo hoàn toàn nên cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sắn nguyên liệu.

Những năm gần đây việc các loại sâu bệnh gây hại trên cây sắn ngày càng nghiêm trọng như nhện đỏ, rệp sáp bột hồng, bệnh khảm lá virus hại sắn…đã làm cho năng suất và sản lượng sắn trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể từ 23 tấn/ha (niên vụ 2018-2019) xuống còn 20 tấn/ha (niên vụ 2019-2020) trong đó bệnh khảm lá virus hại sắn là nguyên nhân chính làm năng suất sắn giảm từ 20-90% trên địa bàn tỉnh, tính đến tháng 9/2021 bệnh đã gây hại 16.547 ha, đặc biệt trên giống sắn HLS11, KM419.

image002


Để đảm bảo cây sắn phát triển bền vững và có hướng đi an toàn trong thời gian tới tỉnh Phú Yên đã ra chủ trương “Giảm dần diện tích trồng sắn ngoài vùng quy hoạch và tăng đầu tư thâm canh sắn trong vùng quy hoạch để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh” theo Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh “Triển khai thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025” .

Để phát triển vùng nguyên liệu ổn định trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh việc du nhập và khảo nghiệm các giống sắn có năng suất, chất lượng, có khả năng kháng một số đối tượng dịch hại nguy hiểm và phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương; làm tốt công tác kiểm dịch nội địa đối với các giống sắn du nhập về, áp dụng rộng rãi quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và hiệu quả theo hướng quản lý dịch hại tổng hợp IPM; tập trung ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác cây sắn. trồng luân canh, thâm canh, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, bón phân cho sắn đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; thực hiện trồng rải vụ cho phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh tình trạng quá tải cho các nhà máy chế biến.

Cần tăng cường xây dựng các vùng thâm canh sắn tập trung, quy mô lớn, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, nhằm tăng năng suất trên diện rộng lên 30 tấn/ha, giảm giá thành sản xuất tinh bột sắn. Các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất theo chuỗi, liên kết với hộ nông dân trồng sắn với các tổ chức đại diện của nông dân thực hiện ký kết hợp đồng đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.

image003


Để có hướng đi an toàn trong tương lai đối với sản xuất sắn cần có sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về giá sắn nguyên liệu hằng năm, chỉ đạo phương thức thu mua, đảm bảo trật tự, an toàn cho vùng nguyên liệu sắn, đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng sắn và nhà máy thu mua, chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Lê Kim Thoa - Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây