Trong 2 năm liên tiếp, nông dân nói chung và người trồng hoa nói riêng đã chịu nhiều rủi ro từ thiên tai và đặc biệt là từ dịch Covid-19, giảm đáng kể thu nhập của bà con nông dân. Nhưng “đến hẹn lại lên”, những ngày qua, một số bà con nông dân đã đầu tư vào việc trồng, chăm sóc cây cảnh, các loại hoa nhỏ ngắn ngày như hoa vạn thọ, hoa cúc,... để phục vụ thị trường tại địa phương đúng dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền, kiếm thêm thu nhập cho gia đình trong những ngày cuối năm.
Vườn cúc đại đóa của hộ bà Nguyễn Thị Hà đang được tập trung chăm sóc
Hộ bà Nguyễn Thị Điệp - một gia đình làm nghề trồng hoa lâu năm ở Phường 9, TP Tuy Hòa nhờ duy trì việc trồng các loại hoa ngắn ngày như vậy đã giúp cuộc sống gia đình được ổn định, có công việc thường xuyên dù là trong những ngày xảy ra dịch bệnh. Bà Điệp cho biết: Tuy thu nhập năm nay không nhiều như mọi năm do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng nhờ trồng các loại hoa ngắn ngày, gia đình bà vẫn có thu nhập đều nhờ vào việc bán hoa cúc nhỏ, hoa vạn thọ vào những ngày rằm, mùng 1. Mọi năm, gia đình bà trồng hàng trăm gốc mai, chậu cúc đại đóa, nhưng năm nay do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ bị hạn chế rất nhiều nên để phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, gia đình bà chỉ tập trung trồng hoa chậu nhỏ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại địa phương vào những ngày cuối năm, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền sắp tới. Hiện nay, gia đình bà đang trồng khoảng hơn 6.000 chậu hoa vạn thọ, trong khi năm ngoái bà trồng hơn 10.000 chậu, có năm hơn 15.000 chậu. Đây là 2 giống hoa được gia đình bà trồng quanh năm. Bà Nguyễn Thị Điệp chăm sóc hoa vạn thọ
Cây cảnh, hoa mai cũng được các nhà vườn chăm sóc, đầu tư với hi vọng sẽ tiêu thụ được ở các tỉnh lân cận. Hộ bà Nguyễn Thị Phụng ở xã Bình Kiến với hàng trăm gốc mai đang vào thời điểm lặt lá, cho biết: Mỗi ngày gia đình bà đều thuê người đến lặt lá cây mai mỗi ngày để giúp cho cây mai có dáng đẹp, ra hoa đúng vào dịp Tết. Năm nay gia đình bà Phụng dự kiến sẽ đưa cây mai đi tiêu thụ ở thị trường Tây Nguyên, chủ yếu là tỉnh Đắk Lăk. Năm nay, số lượng hoa, cây cảnh giảm nhiều, do đa số người trồng hoa năm nay lo ngại tình hình dịch bệnh Covid-19 còn đang kéo dài, ảnh hưởng đến sức mua. Vườn mai nhà bà Phụng đang được lặt lá
Bà Điệp cho biết thêm: Năm nay người trồng hoa không những bị thiệt hại nhiều bởi dịch Covid mà còn bị ảnh hưởng bởi mấy đợt mưa liên tục làm chết cây, bị nhiễm bệnh lá chân, bị sâu vẽ lá, sâu rằn gây hại... Bên cạnh đó, giá vật tư, phân bón, cây giống cũng tăng hơn nhiều so với năm trước, nhưng do yêu nghề, quen việc nên bà con vẫn cố gắng khắc phục, đầu tư công sức, chi phí với mong muốn năm nay, hoa và cây cảnh sẽ được tiêu thụ với giá cao, ổn định, giúp bà con nông dân có được những ngày Tết ấm áp./. Chồng bà Phụng bên vườn quất của gia đình