Nâng cao thu nhập nhờ thực hiện mô hình nuôi cua biển của Trung tâm Khuyến nông

Thứ ba - 03/10/2023 23:35
Cua biển (Scylla sp.) là loài có giá trị kinh tế cao, thịt ngon, giàu dinh dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng. Tùy theo điều kiện vùng nuôi, cua biển được nuôi theo nhiều hình thức như nuôi đơn trong ao, nuôi luân canh với tôm sú, nuôi trong khay trong hệ thống tuần hoàn .... Thức ăn chủ yếu của cua biển là các loại cá tạp, nhuyễn thể giáp xác kích thước nhỏ hoặc thức ăn tổng hợp dạng viên.
Trong năm 2023, dựa trên Chương trình Khuyến nông tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 13/10/2020 và nhu cầu thực tế của địa phương, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng và triển khai mô hình nuôi cua biển thương phẩm tại phường Hòa Hiệp Nam, Thị xã Đông Hòa với quy mô 20.000 m2 cho 02 hộ tham gia, mỗi hộ 10.000 m2mật độ 1 con/m2.

Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ cho các hộ dân thực hiện mô hình theo quy định tại Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 và Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên. Theo đó các hộ dân thực hiện mô hình được hỗ trợ tối đa không quá 50% giống, thức ăn (bằng hiện vật) theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quá trình triển khai thực hiện mô hình có sự tham gia chứng kiến của đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi & Thú y, Chi cục Thủy sản, Phòng Kinh tế thị xã Đông Hòa, chính quyền địa phương.
 
 
Ông Đào Nguyên Hân - hộ dân thực hiện mô hình cho hay: Nhờ tham gia mô hình nên chúng tôi được hướng dẫn thêm về kỹ thuật cũng như những lưu ý trong quá trình nuôi cua biển như: Cua thích sống ở nơi có nhiều thực vật thuỷ sinh, có bờ để đào hang, tìm nơi trú ẩn, nhất là thời kỳ lột xác do vậy nên bố trí chà trong ao để cua ẩn nấp, dùng lưới bao quanh ao để ngăn tình trạng cua bò đi khỏi ao. Không được để cua đói, vì con lớn sẽ ăn con nhỏ, do đó cần cung cấp đủ lượng thức ăncho ăn đúng giờ để hạn chế tình trạng này. Ngoài ra, cần định kỳ thay nước ao nuôi để giữ nước trong ao không bị ô nhiễm dễ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến cua nuôi. Nhờ tuân thủ sự hướng của Trung tâm Khuyến nông nên đã góp phần vào sự thành công của mô hình này.

Ông Đào Nguyên Hân bên ao nuôi cua
 
 Theo Ông Nguyễn Văn Thái - hộ dân thực hiện mô hình cho biết: Mô hình do Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai sử dụng con giống có kích cỡ lớn (≥1,2 cm/con), đạt chất lượng để nuôi thương phẩm nên đã hạn chế được tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi, đồng thời rút ngắn thời gian từ lúc nuôi cho đến lúc thu tỉa. Đây là điểm mới, vì lâu nay, người nuôi thường sử dụng cua cỡ nhỏ (< 0,5 cm/con) nên thời gian nuôi kéo dài, tỷ lệ hao hụt lớn, năng suất vụ nuôi thường thấp.

Ông Nguyễn Văn Thái chuẩn bị thức ăn cho cua
 
          Kết quả sau 05 tháng nuôi, tỷ lệ sống cua biển đạt 54% là cao hơn so với yêu cầu mô hình (50%) đề ra, hệ số chuyển đổi thức ăn FCR là 4,53, thấp hơn so với yêu cầu mô hình (FCR là 5), kích cỡ thu hoạch từ 0,25 - 0,3 kg, năng suất mô hình đạt 1,55 tấn/ha (cao hơn yêu cầu mô hình là 1,5 tấn/ha). Mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân hơn 114 triệu đồng/02 hộ/20.000 m2 (bình quân 57 triệu đồng/ha), đây là nguồn thu nhập mặc dù không nhiều nhưng lại ổn định so với tình hình sản xuất thủy sản trong vùng.

 
Cua biển đạt kích cỡ thương phẩm

Tác giả bài viết: Phạm Thị Quy, Võ Thị Thu Hiền - TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây