Xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất lạc – một hướng đi mới đầy triển vọng

Thứ tư - 07/07/2021 20:55
Lạc là một trong những loại cây trồng ngắn ngày có vai trò quan trọng trong hệ thống xen canh, luân canh với các loại cây trồng khác, đặc biệt có ý nghĩa trong việc cải tạo đất đối với những vùng đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng. Do vậy, việc đầu tư nghiên cứu để tăng năng suất và mở rộng diện tích trồng lạc trên vùng đất trồng lúa, màu kém hiệu quả tại Phú Yên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
   Với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất lạc của vùng sản xuất lạc thích ứng biến đổi khí hậu nhằm cải thiện sinh kế cho cộng đồng nghèo dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Trị, dự án “xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất lạc của vùng sản xuất lạc thích ứng biến đổi khí hậu (Bình Định, Phú Yên và Quảng Trị) thuộc Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam của Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP-GEF SGP) triển khai từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021 với quy mô 05ha, 33 hộ tham gia (29 nam và 04 nữ) tại thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân trong 02 vụ Đông Xuân 2019-2020 và Đông Xuân 2020-2021. Nông dân tham gia dự án được hỗ trợ 100% giá trị phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm Trichoderma, được hỗ trợ tập huấn từ đầu vụ và hướng dẫn kỹ thuật trong suốt thời gian triển khai mô hình. Đồng thời, mô hình được hỗ trợ các thủ tục kiểm tra, đánh giá và công nhận vùng sản xuất lạc đạt tiêu chuẩn VietGAP có sự tham gia của chuỗi liên kết sản xuất lạc là HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước - đơn vị có hệ thống cơ sở vật chất, nhà xưởng được đầu tư và hoạt động ổn định nên rất thuận lợi trong việc thu mua, chế biến lạc.
image001
Mô hình sản xuất lạc VietGAP tại xã Xuân Quang 2 - Đồng Xuân - Phú Yên

Qua 02 vụ triển khai thực hiện dự án, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, dịch bệnh Covid-19 làm chậm tiến độ thực hiện một số hoạt động của dự án, ảnh hưởng đến công tác hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức hội thảo quảng bá dự án nhưng nhờ sự quan tâm kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định, UBND huyện Đồng Xuân, Hội nông dân huyện Đồng Xuân, UBND xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, ban điều hành dự án, nhóm chuyên gia và sự nỗ lực của bà con nông dân, mô hình đạt kết quả khả quan, cụ thể như sau:

+ Vụ Đông Xuân 2019-2020: Năng suất thực thu (lạc vỏ khô) bình quân đạt 32,5 tạ/ha, tổng thu nhập là 74.750.000 đồng/ha, lợi nhuận bình quân ruộng mô hình đạt 30.300.000 đồng/ha.

+ Vụ Đông Xuân 2020-2021: Năng suất thực thu (lạc vỏ khô) bình quân đạt 34,5 tạ/ha, tổng thu nhập là 79.350.000 đồng/ha, lợi nhuận bình quân ruộng mô hình đạt 33.700.000 đồng/ha.

Đặc biệt, vùng thực hiện dự án đã được cấp chứng nhận sản xuất lạc theo tiêu chuẩn VietGAP với thời hạn 2 năm cho 5 ha lạc sản xuất tại xứ đồng thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân. Dự án cũng đã góp phần xây dựng tiêu chuẩn chất lượng gắn với nhãn hiệu sản phẩm dầu lạc cho HTX Xuân Phước, là đơn vị tham gia chuỗi sản phẩm từ lạc VietGAP như: Đăng ký cấp mã vạch sản phẩm, nhãn hiệu dầu phộng Xuân Phước; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu dầu phộng Xuân Phước; đăng ký giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất dầu phộng; đăng ký an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm các mẫu sản phẩm dầu phộng.

image004 1
Bà con nông dân đang xuống giống vụ Đông Xuân 2020-2021
Dự án được thực hiện đã hướng dẫn người dân phương pháp sản xuất lạc theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường; hướng dẫn nông dân việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần cải tạo đất, đưa dần sản xuất nông nghiệp hướng đến an toàn và nâng cao tính cnh tranh hàng hoá, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của nhân dân gắn với sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
image006
Mô hình Lạc VietGAP sử dụng ống thủng để tưới nhằm tiết kiệm nước
Thông qua hoạt động của dự án, ý thức của người dân về thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nâng cao, cụ thể là: Tập quán truyền thống của nông dân sản xuất lạc vụ Đông Xuân là không áp dụng các biện pháp tưới nước bổ sung, tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, vụ Đông Xuân nắng nóng, ít mưa, nông dân sản xuất lạc đã áp dụng các biện pháp tưới nước trong canh tác lạc, thích ứng với điều kiện thời tiết hạn hán để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, đồng thời áp dụng các biện pháp chăm sóc, bón phân đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng lạc tăng cao. Dự án đã góp phần gắn kết các hoạt động liên quan tốt hơn trong quá trình thực hiện mô hình; chú trọng khâu xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm từ chế biến, tiêu thụ lạc của doanh nghiệp cho người dân./.

Tác giả bài viết: Diễm Bích– Lê Hoàn (TTKN PY)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây