Cứ vào mỗi đầu vụ sản xuất lúa, nhiều nông dân tại địa phương lại đến nhà ông Én chơi, uống trà và cùng nhau trò chuyện, hỏi thăm kinh nghiệm gieo sạ của ông. Nhờ tính chăm chỉ, chịu khó học tập, lại có nhiều kinh nghiệm trồng lúa nên với diện tích lúa canh tác mỗi vụ khoảng 4 mẫu (gần 2 ha), vụ lúa nào ông cũng trúng mùa, năng suất cao. Theo ông trong giai đoạn giá cả các loại phân bón đang tăng giá cao như hiện nay thì người trồng lúa phải chịu khó, làm tốt các khâu canh tác để giảm lượng phân bón.
Ông Huỳnh Văn Én đang cải tạo ruộng để chuẩn bị sản xuất lúa Đông Xuân
Đầu tiên người trồng lúa nên có sổ ghi chép, theo dõi chi phí, năng suất lúa qua các vụ để có sự so sánh, theo dõi và điều chỉnh, tiết kiệm liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý.
Muốn bón ít phân, bón phân đạt hiệu quả thì cây lúa phải khỏe mạnh, ruộng phải ít sâu bệnh, cỏ dại, vì cậy lúa khỏe mạnh sẽ hấp thu phân dễ hơn, bón ít phân nhưng vẫn đạt hiệu quả. Mà muốn như vậy thì khâu làm đất phải thật kỹ, tốt nhất là nên cày ải, ông bà ta có câu: “cày ải hơn vãi phân”. Tiếp đến làm tốt khâu diệt cỏ tiền nảy mầm và hậu nảy mầm, theo dõi để phòng, trị bệnh kịp thời cho cây lúa.
Về phân bón thì hiện nay trên thị trường hiện có rất nhiều loại phân, nông dân trước khi bón phân cần xem ruộng lúa của mình là đất thịt, đất cát… hay nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa trong thời điểm hiện tại mà bón phân cho hợp lý, tránh bón phân theo cảm tính, thói quen, đồng thời nên bón phân vào buổi chiều, trời mát.
Ông Én thường bón các loại phân DAP, NPK 16-16-8, khi bón ông thường kiểm tra tình trạng, nhu cầu của cây lúa mà bổ sung thêm phân đơn gồm urê, lân hay kali. Bón phân đợt 1 (8-12 ngày sau sạ) ông sử dụng 4 kg urê và 2 kg DAP. Bón đợt 2 (20 ngày sau sạ), ông bón 5 ký phân NPK 16-16-8 và 2 kg phân urê, cùng với việc đo thân cây lúa, nếu lúa thấp (dưới 20 cm) thì bổ sung thêm phân đạm, nếu cây lúa cao (trên 30 cm) thì giảm phân đạm lại. Đợt 3 (40-45 ngày sau sạ), ông sử dụng 1 kg urê và 5 kg phân NPK 16-16-8. Bón phân nuôi đòng (50-52 ngày sau sạ), ông chỉ bón 2 kg urê. Tổng lượng phân bón DAP, NPK 16-16-8 và urê của 1 sào 500 m2 ông bón khoảng 22 kg phân bón, trong đó DAP có giá 24.000 đồng/kg, NPK 16-16-8 giá 16.000 đồng/kg và phân urê giá 18.000 đồng/kg, tổng số tiền để bón 1 sào 500 m2 là 376.000 đồng.
Tổng chi phí 1 sào lúa 500m2 khoảng 1.035.000 đồng, trong đó chi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 465.000 đồng; công cày, bừa ruộng khoảng 190.000 đồng; công thu hoạch, vận chuyển khoảng 220.000 đồng, lúa giống 1 sào 8 ký giá 160.000 đồng. Năng suất lúa hàng năm ông Én làm đạt bình quân 450 kg/sào, với giá lúa hiện nay khoảng 6.500 đồng/kg, ông thu được 2.925.000 đồng, sau khi trừ các khoảng chi phí đã bỏ ra ông thu lợi nhuận gần 2 triệu đồng/sào lúa.
Kinh nghiệm bón phân hợp lý trong sản xuất lúa của ông Huỳnh Văn Én ở đội 6, thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa rất đáng để bà con nông dân tại các địa phương tham khảo, học tập, áp dụng nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa.