Ký sinh trùng trên trâu, bò có nhiều loại, trong bài viết này người viết bài xin được nhấn mạnh đến nhóm giun và sán, bao gồm: sán lá gan, sán lá dạ cỏ, sán dây và các loại giun tròn đường tiêu hoá.
Bò bầy chăn thả rông tại xã Ea Bá, huyện Sông Hinh
Tại tỉnh Phú Yên, đặc biệt là 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hoà và Đồng Xuân, người chăn nuôi trâu, bò còn chăn thả bò ăn ngoài đồng cỏ tự nhiên và uống nước sông, suối, hơn nữa chưa quan tâm nhiều việc tẩy các loại giun, sán cho vật nuôi của mình. Nên tỷ lệ nhiễm và mắc các bệnh giun, sán trên trâu bò rất cao, điều này có thể khiến cho trâu bò bị thiếu máu, giảm tăng trọng thịt, giảm sức đề kháng và dễ nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm khác, thậm chí bò mẹ chậm lên giống và bê con sinh ra đã bị nhiễm ký sinh trùng từ bò mẹ do ấu trùng truyền qua máu.
Triệu chứng điển hình khi trâu, bò bị bệnh giun, sán là xù lông, lông dễ bị rụng, da và niêm mạc nhợt nhạt, gầy, bò biếng ăn, những con bị nặng có thể bị tiêu chảy, trâu bò yếu ớt hay nằm. Khi mổ khám bệnh tích có thể thấy rất nhiều sán lá trong các ống mật của lá gan, trong dạ cỏ, giun tròn trong ruột non.
Tuỳ đối tượng và phương thức chăn nuôi, khi trâu, bò bị nhiễm và bệnh do các loại giun sán, có thể chọn 1 trong các loại thuốc sau để phòng và trị:
- Đối với bệnh sán lá gan: Nên dùng 1 trong các loại BioAlben (liều cao), Bioxinil, Bio-Clormectin, Fasiolid, Abenol-100 Oral… liều lượng dùng và thời gian ngưng thuốc nên sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Đối với bệnh sán lá dạ cỏ: Có thể dùng Nitronil, Oxyclozanid, liều lượng dùng và thời gian ngưng thuốc nên sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Đối với các loại giun tròn đường tiêu hoá: Nên dùng 1 trong các loại: BioAlben, Levamysol, Biodewormer, Ivermectin, Menbedazol, Piperazin… liều lượng dùng và thời gian ngưng thuốc nên sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
* Một số lưu ý về cách phòng bệnh giun, sán trên trâu, bò:
- Thực hiện tốt quy trình vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng. Chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, định kỳ tiêu độc chuồng trại và khu vực chăn nuôi
- Tiến hành thu gom chất thải và ủ theo phương pháp sinh học để diệt trứng, ấu trùng giun, sán.
- Để chủ động phòng bệnh, sau khi đẻ 7 – 10 ngày, cần cho bê nghé uống một trong các loại thuốc tẩy giun, như: Levamison, hoặc Ivermectil, hoặc Menbedazol, hoặc Piperazin .Cho bê nghé uống hoặc tiêm 1 lần vào buổi sáng, liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm. Lưu ý, khi uống nên cho bê nghé nhịn đói.
- Chăn nuôi trâu ở những bãi chăn khô ráo, hạn chế bị đọng nước, ẩm ướt
- Cung cấp các loại chất điện giải, vitamin, khoáng chất để trâu tăng cường sức đề kháng.
- Người chăn nuôi nên định kỳ 6 tháng tẩy giun, sán cho toàn đàn trâu, bò 1 lần. Đối với bò chăn thả ngoài đồng ăn cỏ tự nhiên và uống nước sông suối, có thể 4 tháng tẩy 1 lần.
Biên soạn và tổng hợp: Lưu Thị Bích Ngọc
Trạm Khuyến nông huyện Sông Hinh