Tháng 12 năm 2019, từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa và UBND xã Hòa Mỹ Tây triển khai mô hình trồng thâm canh mít giai đoạn 2019 – 2022
Mô hình được thực hiện với quy mô 04 ha, có 06 hộ tham gia, loại giống mít là mít Thái siêu sớm Changrai. Nông dân tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 70% về giống, 35% về vật tư phân bón và thuốc BVTV, ngoài ra được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, tham quan, hội thảo đầu bờ, tổng kết... Mô hình được triển khai với mục tiêu: Phát triển vùng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Phú Yên, đặc biệt là cây mít trên địa bàn xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa; nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho bà con nông dân; từng bước góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.Tại hội nghị tổng kết ngày 24/10/2022, đại diện hộ dân tham gia mô hình, ông Lưu Hoàng Việt cho biết: Kể từ lúc bắt đầu trồng từ tháng 12/2019 đến nay chưa đến 36 tháng; qua thời gian chăm sóc, theo dõi, vườn mít của tôi phát triển rất tốt và đã cho ra trái bói từ năm 2021; để dưỡng sức cho cây tôi lặt bỏ trái bói gần hết chỉ để lại vài trái thưởng thức dùng thử. Năm 2022 tôi làm vườn sinh thái đón tiếp khách du lịch tham quan và đã bán mít trái cho khách tham quan với giá bán 10.000đ/kg thu được 3,0 triệu đồng. Hiện nay vườn mít nhà tôi lại ra trái vụ nên tôi quyết tâm chăm sóc kỹ hơn để kinh doanh vì càng ngày khách du lịch đến nhà tôi tham quan càng nhiều.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên và Lãnh đạo xã Hòa Mỹ Tây và hộ dân tham quan mô hình trồng thâm canh cây mít tại hộ ông Lưu Hoàng Việt
Ông Việt chia sẻ kinh nghiệm tạo vườn thông thoáng như sau: Vườn mít nhà ông trồng với khoảng cách 5mx5m, bón phân đúng theo qui trình kỹ thuật mà Trung tâm Khuyến nông đã hướng dẫn. Chú ý tỉa cành tạo tán khi cây mít đạt chiều cao khoảng 1 m trở lên; với cây chưa cho trái tỉa cành 2-3 lần/năm; với cây đã cho trái tỉa cành 1 lần/năm vào thời điểm thu hoạch trái xong, khi tỉa cắt bỏ các cành gần sát mặt đất, cành tược, cành nhỏ mọc không đúng hướng, cành sâu bệnh. giữ lại cành cấp 1 cách gốc khoảng 40 cm trở lên, chọn các cành mọc theo các hướng khác nhau, cành trên cách cành dưới khoảng 40-50 cm, tạo thành tầng không quá 5 cành cấp 1. Tỉa bỏ bớt cành cấp 2, cấp 3… cho cây thoáng nhằm giảm sâu bệnh phá hoại và tăng năng suất.
Ông Lê Văn Bông Bên vườn mít mô hình của mình
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây cho biết: Mô hình trồng thâm cây mít phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương trên địa bàn xã; cùng với sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc triển khai nên mô hình đến nay thành công tốt đẹp. Trong thời gian tới đề nghị 06 hộ dân tham gia mô hình tiếp tục quan tâm chăm sóc để cây mít ngày càng phát triển hơn ở giai đoạn kinh doanh; đề nghị Hội Nông dân xã và các hộ dân trong mô hình cần phổ biến tuyên truyền để nhân rộng mô hình trồng thâm canh cây mít cho bà con nông dân khác trong vùng, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thu nhập cho người dân.