SUY NGHĨ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH KHUYẾN NÔNG ĐẠT HIỆU QUẢ CAO
Ngô Thị Bích Diễm - Trung tâm Khuyến nông
2022-11-07T04:05:10-05:00
2022-11-07T04:05:10-05:00
https://khuyennongpy.org.vn/index.php/hoat-dong-khuyen-nong/suy-nghi-ve-mot-so-giai-phap-nhan-rong-cac-mo-hinh-khuyen-nong-dat-hieu-qua-cao-288.html
https://khuyennongpy.org.vn/uploads/news/2022_11/image003.png
Trung tâm Khuyến nông Phú Yên
https://khuyennongpy.org.vn/uploads/logo.png
Thứ hai - 07/11/2022 03:47
Khuyến nông có vai trò là “cầu nối”, tiếp nhận và chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật theo đúng chủ trương, định hướng của ngành, thông qua các hoạt động như: Đào tạo nguồn nhân lực, triển khai các mô hình diễn, tổ chức tập huấn, tham quan, hội thảo giúp nông dân tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất nông nghiệp,…
Ở Phú Yên, hằng năm bằng các nguồn kinh phí từ Trung ương đến địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đầu tư khá nhiều vào các chương trình, dự án, các mô hình khuyến nông. Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2020-2022, là thời gian chịu nhiều khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát, nhưng Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã triển khai thực hiện được 45 mô hình trình diễn, 05 dự án khuyến nông Trung ương, góp phần giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác và tận dụng được thế mạnh của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong quá trình triển khai các mô hình trình diễn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện; sự phối hợp đầy trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn cấp huyện và các Phòng, Trạm khuyến nông và sự cần cù chịu khó, ham học hỏi, sự hưởng ứng nhiệt tình và khả năng tiếp cận KHKT của nhiều người dân trên địa bàn, nhiều mô hình đạt hiệu quả cao và được nông dân hưởng ứng. Tuy nhiên, nhìn chung khả năng nhân rộng các mô hình trình diễn còn rất nhiều hạn chế do: Diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; thói quen và tập quán canh tác truyền thống của một bộ phận không nhỏ người dân; thực trạng sản xuất chạy theo xu hướng thị trường “ăn xổi ở thì”, không tuân thủ quy hoạch và định hướng; tâm lý trông chờ, ỷ lại của một số bộ phận nông dân, có hỗ trợ thì mới thực hiện, hết hỗ trợ thì không thực hiện nữa; giá cả và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn bấp bênh và thiếu tính bền vững;…
Từ những hạn chế trên, để nhân rộng các mô hình khuyến nông đạt được hiệu quả cao (bao gồm hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả môi trường), chúng tôi đề xuất cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Giải pháp về công tác thông tin tuyên truyền
+ Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ mới. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ Khuyến nông và mở rộng hoạt động tư vấn các tiến bộ kỹ thuật ở nông thôn. Ngoài nhiệm vụ tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật còn phải đảm nhận cả hoạt động tuyên truyền, huấn luyện và nâng cao nhận thức, trình độ của người nông dân đối với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
+ Nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền thông qua các chuyên mục khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các loại tài liệu, các cuộc hội thảo, tham quan, cung cấp tin, bài, hình ảnh về các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho Trang Thông tin điện tử Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia,…
+ Tăng cường công tác tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân, từng bước tháo gỡ nút thắt trong sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hóa, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” và người nông dân không còn hào hứng để làm theo và nhân rộng mô hình.
+ Tập trung tuyên truyền, phổ biến Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến các tiến bộ khoa học công nghệ, thông tin sản xuất, thị trường, giá cả phục vụ tái cơ cấu; tăng cường tổ chức các sự kiện khuyến nông nhằm liên kết “bốn nhà” để giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững.
- Giải pháp về mặt kỹ thuật
+ Tiếp tục xây dựng và thực hiện các mô hình để người dân có điều kiện tiếp xúc với KHKT mới và học tập làm theo; chú trọng công tác chọn điểm, chon hộ chính xác, phát huy vai trò và trách nhiệm của các hộ tham gia mô hình. Chủ động phối hợp với các địa phương, các hội đoàn thể,.. xây dựng, đăng ký kế hoạch triển khai các chương trình, mô hình khuyến nông 5 năm, hàng năm trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, trong đó ưu tiên lựa chọn các mô hình mang tính cấp thiết, có tiềm năng về thị trường, có khả năng nhân rộng để thực hiện.
+ Từng bước xây dựng vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi.
+ Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, tiêu thụ nông sản.
+ Chú trọng việc huấn luyện đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân cũng như các tổ hợp tác/hợp tác xã nông nghiệp; phối hợp các hội, đoàn thể đào tạo huấn luyện các hội viên cơ sở.Giải pháp về nâng cao vai trò, năng lực của người khuyến nông viên+ Thường xuyên tổ chức và phối hợp với các cơ quan chuyên môn đào tạo bồi dưỡng lực lượng cán bộ khuyến nông, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo các mô hình khuyến nông.
+ Kiện toàn đội ngũ lực lượng khuyến nông viên trực tiếp làm công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng mô hình để mỗi cán bộ khuyến nông vừa am hiểu kiến thức chuyên môn, vừa có năng lực làm công tác dân vận, phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền đoàn thể ở địa phương để tuyên truyền, thúc đẩy nhanh việc nhân rộng các mô hình khuyến nông ở cơ sở, phục vụ thiết thực chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và bền vững.
+ Tăng cường đào tạo chuyên môn kỹ thuật, phương pháp khuyến nông cũng như nghiệp vụ và trình độ tổ chức, giám sát, quản lý các hoạt động khuyến nông cho cán bộ khuyến nông.
Tóm lại, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các Sở, ban, ngành thì cần phải cụ thể hóa từng giải pháp về công tác thông tin tuyên truyền, giải pháp về mặt kỹ thuật; đẩy mạnh công tác tiêu thụ, chế biến nông sản; chú trọng nâng cao vai trò, năng lực của người khuyến nông viên để các mô hình khuyến nông hiệu quả có khả năng nhân rộng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương./.
Tác giả bài viết: Ngô Thị Bích Diễm - Trung tâm Khuyến nông