Trên cơ sở này, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã phổ biến và triển khai mô hình nuôi cá chình đến cho bà con nông dân với nhiều hình thức như: nuôi trong lồng bè, nuôi trong ao đất, nuôi trong bể xi măng tại các địa phương trong tỉnh.Ông Trần Văn Thảo ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa là một trong những hộ dân điển hình đang thực hiện mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong ao đất của Trung tâm Khuyến nông. Mô hình được triển khai tại thôn Sơn Tây, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên với diện tích mặt nước ao là 1.450 m2.Cũng như các hộ khác, hộ ông Thảo cũng được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ con giống, thức ăn, cử khuyến nông viên phụ trách mô hình theo dõi, hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho cá.
Ông Thảo và cán bộ kỹ thuật trao đổi công việc
Ngoài phần thức ăn cho cá được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ, gia đình ông Thảo còn tận dụng được nguồn nước và thức ăn tự nhiên từ hồ Sơn Tây. Đây là hồ nước đọng tự nhiên, có diện tích mặt nước rộng hơn 19 ha với nhiều loại cá như cá mè, cá rô phi, cá trắm,... là nguồn thức ăn bổ sung dồi dào cho cá chình, nhờ vậy cá chình của gia đình ông Thảo sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 24 tháng nuôi, cá chình đạt kích cỡ khoảng 1,7-1,9 kg/con, tỉ lệ sống đạt khoảng 91%.
Ông Thảo cho biết, cá chình bông có tập tính sống trong bùn và sợ ánh sáng, hoạt động chủ yếu vào ban đêm, nên thường cho ăn một cữ trong ngày vào khoảng chiều tối, phải cho ăn đúng giờ. Thức ăn cho cá chình không nên thay đổi đột ngột mà phải thay đổi từ từ. Thức ăn cho cá chình thường là thức ăn tươi như giun, ốc, cá tạp, cá rô phi ... . Ngoài ra để tăng cường sức đề kháng cho cá hộ dân trộn thêm Vitamin C vào thức ăn. Thức ăn được băm nhỏ cho vừa cỡ miệng cá. Khi cá còn nhỏ, thức ăn nên xay ra để cá dễ ăn. Sàn cho cá ăn phải đặt ở vị trí hợp lý, thức ăn không nên để quá dư, thường lấy mức cá cho ăn trong 1 giờ làm chuẩn, điều chỉnh lượng thức ăn sao cho cá ăn hết trong 1 giờ là vừa. Tùy vào thời tiết, giai đoạn cụ thể mà điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Cá thường ăn mạnh vào những ngày nắng tốt, có gió và giảm ăn vào những ngày thời tiết âm u, có mưa, lặng gió…
Ông Đào Mai Quốc Việt, cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình của Trung tâm Khuyến nông cho biết thêm: Cá chình rất mẫn cảm với sự thay đổi của môi trường, thời tiết. Khi nước trong ao diễn biến xấu, cần kịp thời xử lý và thay nước. Mỗi lần thay nước không vượt quá 1/3 lượng nước trong ao và chỉ thay hơn 1/3 nước khi thật sự cần thiết, đồng thời ao nuôi cần duy trì hệ thống sục khí để cung cấp thêm ô xy cho cá chình phát triển. Đối với hộ ông Trần Văn Thảo, nhờ có nguồn nước và thức ăn tự nhiên của hồ Sơn Tây là lợi thế rất tốt để gia đình ông Thảo duy trì, phát triển và mở rộng quy mô nuôi cá chình trong thời gian tới.
Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã triển khai được 05 mô hình nuôi cá chình thương phẩm với nhiều hình thức nuôi cho bà con nông dân tại các địa phương và đã được các hộ nông dân tích cực hưởng ứng, như: ở xã Hòa Xuân Tây (hồ Đồng Khôn), thị xã Đông Hòa và xã An Phú (hồ Lỗ Ân), TP. Tuy Hòa thì nuôi trong lồng bè; các mô hình ở xã An Mỹ, huyện Tuy An, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa và phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa thì nuôi bể xi măng; hộ ông Trần Văn Thảo ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa thì nuôi trong ao đất.
Có thể nói, mô hình nuôi cá chình thương phẩm của Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân, giúp bà con nông dân tận dụng được diện tích mặt nước lớn, đất vườn nhà để xây dựng ao hồ, bể xi măng, phát triển đối tượng nuôi có giá trị tại địa phương, góp phần phát triển chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu cá chình Phú Yên./.