Trung tâm Khuyến nông Phú Yên: Triển khai Kế hoạch khuyến nông năm 2023

Thứ hai - 20/03/2023 02:57
Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Chương trình khuyến nông tỉnh Phú Yên giai đoạn năm 2021-2025 do UBND tỉnh Phú Yên ban hành tại Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 13/10/2020.
Ngành nông nghiệp đã sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND ngày 26/10/2022 về việc phân cấp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch khuyến nông hàng năm nhờ vậy nên ngay từ tháng 12/2022 Sở Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Kế hoạch khuyến nông năm 2023 và từ tháng 1/2023 đã ra quyết định giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khuyến nông thực hiện kế hoạch khuyến nông năm 2023.

Trong năm 2023, Trung tâm dự kiến sẽ triển khai các chương trình, mô hình sau:

1. Các mô hình khuyến nông

* Mô hình sản xuất lúa chất lượng: Mục tiêu việc xây dựng mô hình giúp bà con nông dân định hướng sử dụng các giống đạt tiêu chuẩn để gieo sạ. đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và các doanh nghiệp để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bên cạnh đó Trung tâm còn ứng dụng công nghệ máy bay không người lái để gieo sạ và phun thuốc trong quá trình sản xuất lúa trong việc triển khai mô hình. Mô hình có quy mô 20 ha, dự kiến triển khai tại huyện Tây Hòa  hoặc Tuy An, sử dụng các giống lúa chất lượng như TBR225, An Sinh 1399, Đài Thơm 8,…

ung dung may bay khong nguoi lai drone trong san xuat lua thuoc mo hinh san xuat lua chat luong
Ứng dụng máy bay không người lái (drone) trong sản xuất lúa thuộc mô hình sản xuất lúa chất lượng

* Mô hình tưới nhỏ giọt quấn gốc cho cây ăn quả các loại: Mô hình giúp nông dân ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho các vùng sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, phát triển sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước tưới, tăng năng suất, chất lượng, giảm nhân công lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Mục tiêu cụ thể: Xây dựng 01 mô hình trình diễn với quy mô 04ha, 02 điểm, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt quấn gốc cho cây ăn quả với mật độ khoảng 500 cây/ha tại huyện Tuy An và Sơn Hòa (02 bộ thiết bị tưới, 02ha/điểm), lưu lượng tưới 30l/cây/giờ, hệ thống hoạt động tốt cung cấp đủ nước theo nhu cầu của cây trồng, bộ châm phân hoạt động tốt, cung cấp đầy đủ phân bón cùng hệ thống tưới. Hiệu quả sản xuất tăng >20% so với đại trà khi đến giai đoạn kinh doanh

* Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo: Mục đích xây dựng mô hình chăn nuôi bò vỗ béo giúp thúc đẩy phát triển sản xuất góp phần tạo công ăn việc làm, định hướng cho chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa. Đồng thời nâng cao khả năng tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và quản lý tốt trong chăn nuôi góp phần nâng thu nhập cho người dân. Cụ thể: Xây dựng 01 mô hình với 01 điểm trình diễn tại huyện Sông Hinh với quy mô 80 con bò, khả năng tăng khối lượng cơ thể  ≥ 700g/con/ngày. Hiệu quả kinh tế đạt trên 5 triệu đồng/con bò với thời gian vỗ béo 90 ngày.

* Mô hình cơ giới hóa hỗ trợ máy thái cỏ: Mô hình nhằm mục tiêu đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, làm thay đổi tập quán từ phương thức thủ công sang sản xuất bằng máy, sử dụng máy thái cỏ giúp hộ chăn nuôi tiết kiệm được thời gian lao động cũng như nguồn nhân lực sản xuất. Mục tiêu cụ thể: Xây dựng 01 mô hình với 02 điểm trình diễn tại huyện Sơn Hòa và huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên với quy mô 12 máy.

huong dan nong dan tham gia mo hinh co gioi hoa ho tro may thai co nam 2022 van hanh may thai co
Hướng dẫn nông dân tham gia mô hình cơ giới hóa hỗ trợ máy thái cỏ năm 2022 vận hành máy thái cỏ

2. Các mô hình khuyến ngư

* Nuôi chình thương phẩm trong bể: Mục đích xây dựng mô hình nhằm phát triển nghề nuôi chình tại địa phương, đa dạng hóa đối tượng nuôi và tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Mục tiêu cụ thể: Xây dựng thành công mô hình nuôi chình thương phẩm trong bể với quy mô dự kiến 73 m2, kết quả ước đạt như sau: kích cỡ chình thu hoạch ≥ 0,8 kg/con, tỷ lệ sống ≥ 90%, năng suất > 8 kg/m2 sau chu kỳ 12 tháng nuôi.

* Mô hình nuôi lươn thương phẩm: Mô hình nhằm mục đích góp phần phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt tại địa phương. Giới thiệu đối tượng dễ nuôi, có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện hộ gia đình. Tăng thêm thu nhập cho các hộ tham gia thực hiện mô hình. Mục tiêu cụ thể: Xây dựng thành công mô hình nuôi lươn thương phẩm với quy mô dự kiến 193 m2, kết quả ước đạt như sau: kích cỡ lươn thu hoạch ≥ 0,3 kg/con, tỷ lệ sống ≥ 80%, năng suất > 10 kg/m2.

* Mô hình nuôi cua biển thương phẩm: Nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển nghề nuôi cua biển tỉnh Phú Yên, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và đa dạng hóa đối tượng nuôi. Mục tiêu cụ thể: Xây dựng thành công mô hình nuôi cua biển thương phẩm với quy mô 20.000 m2, kết quả ước đạt như sau: kích cỡ cua ≥ 0,3 kg/con, tỷ lệ sống ≥ 50%, năng suất 1,5 tấn/ha.

* Mô hình nuôi cá mú thương phẩm trong ao đất: Việc xây dựng mô hình nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển nghề nuôi cá biển tỉnh Phú Yên bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và đa dạng hóa đối tượng nuôi. Cụ thể:  Xây dựng thành công mô hình nuôi cá mú thương phẩm trong ao đất với quy mô 3.300 m2, kết quả ước đạt như sau: kích cỡ cá ≥ 1 kg/con, Tỷ lệ sống: ≥ 65%, năng suất ≥ 8 tấn/ha.

3. Các chương trình thông tin đào tạo

* Tập huấn phổ cập nông nghiệp: Việc triển khai các lớp tập huấn phổ cập nông nghiệp cho nông dân nhằm chuyển giao những kiến thức mới trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, kỹ thuật phòng, trị bệnh, dịch đang xảy ra trên địa bàn, từ đó bà con nông dân có thể chủ động áp dụng vào thực tế sản xuất tại hộ gia đình, nhằm tăng dần hiệu quả sản xuất tại địa phương. Cụ thể: Tổ chức 50 lớp tập huấn tại các phường, xã trên địa bàn huyện Tuy An, huyện Đồng Xuân, huyện Sơn Hòa, huyện Sông Hinh, huyện Tây Hòa, huyện Phú Hòa, TX. Sông Cầu, TX. Đông Hòa, TP. Tuy Hòa

* Tập huấn tại hiện trường: Việc tổ chức các lớp tập huấn ngay tại hiện trường nhằm giúp nông dân thông qua việc thực hành các thao tác kỹ thuật sẽ nắm vừng kỹ thuật sản xuât mới và áp dụng vào thực tế sản xuất tại hộ gia đình. Theo kế hoạch sẽ tổ chức 19 lớp tập huấn tại các phường, xã trên địa bàn huyện Tuy An, Đồng Xuân,  Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Phú Hòa, TX. Sông Cầu, TX. Đông Hòa.

* Hội nghị hội thảo chuyên đề nông nghiệp cho nông dân tại các địa phương trong tỉnh: Tổ chức 02 cuộc với số lượng 100 người/cuộc, tổ chức tại các huyện Tây Hòa, Sông Hinh. Thông qua việc tổ chức các cuộc hội nghị hội thảo nhằm giới thiệu, phổ biến các mô hình khuyến nông mới, hiệu quả, có vận dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân để áp dụng, nhân rộng vào sản xuất; đề xuất các giải pháp mới nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm từ đó nâng cao được giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh.

* Xây dựng trang thông tin điện tử khuyến nông: Thực hiện tuyên truyền hoạt động khuyến nông thông qua trang thông tin điện tử Khuyến nông tại địa chỉ www.khuyennongpy.org.vn để phản ánh gương sản xuất tiên tiến, người tốt việc tốt, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp...

* Tổ chức học tập ngoài tỉnh: Tổ chức 01 chuyến. Chương trình học tập các mô hình sản xuất tiên tiến dành cho cán bộ, công chức, viên chức,… làm công tác nông nghiệp, khuyến nông có điều kiện học tập và tiếp thu những tiến bộ mới trong sản xuất tại các địa phương đến học tập nhằm ứng dụng có hiệu quả theo tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình

* Các chuyên mục tuyên truyền trên báo, đài: Mục tiêu của các chuyên mục này nhằm tuyên truyền hoạt động khuyến nông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để phản ánh gương sản xuất tiên tiến, người tốt việc tốt, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp... gồm các chuyên mục: Chuyên mục "Bạn nhà nông" phát trên sóng truyền hình Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, chuyên mục "Phát thanh khuyến nông" phát trên sóng phát thanh Đài phát thanh và truyền hình tỉnh và chuyên mục "Khuyến nông" trên báo viết báo Phú Yên

Triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm yêu cầu viên chức, người lao động thuộc Trung tâm cần sớm triển khai các chương trình, mô hình xuống các địa phương trong tỉnh cho kịp thời vụ sản xuất; để đảm bảo thành công của các mô hình, chương trình cần phối hợp với các hội đoàn thể nhất là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội làm vườn… và các cấp chính quyền để tuyên truyền, giải thích các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và thông tin về các mô hình chương trình sẽ triển khai tại địa phương để nông dân biết và đăng ký thực hiện. Bên cạnh đó người làm công tác Khuyến nông cần làm tốt vai trò cầu nối giữa KHCN và sản xuất, giữa sản xuất và thị trường, kết nối cung cầu, hội nhập, ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh và cải tiến các hoạt động thông tin tuyên truyền, làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin phục vụ SXNN, xây dựng nông thôn mới, xây dựng OCOP …; tăng cường trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau giữa các địa phương, đơn vị. Người làm công tác khuyến nông hiện nay ngoài việc gần nông dân, sát cơ sở, cần phải gắn kết các doanh nghiệp nông nghiệp, nắm bắt thị trường để hướng dẫn nông dân trong tiêu thụ nông sản.

Tác giả bài viết: Phạm Minh Nhật (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây