Nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp đến với bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, UBND và Hội Nông dân xã Hòa Bình 1 tổ chức lớp tập huấn ngay tại hện trường với nội dung “Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm sò”, giúp cung cấp những kiến thức, kỹ năng thực hành cần thiết về việc trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm sò cho 30 nông dân tại xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa. Lớp tập huấn được diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 26 đến ngày 28/4/2023.
Hình ảnh: Đại diện lãnh đạo UBND xã Hòa Bình 1 phát biểu khai giảng lớp tập huấn
Nội dung lớp tập huấn bao gồm phần lý thuyết gắn liền với thực hành tại hiện trường theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Giảng viên hướng dẫn thực hành kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm sò… Qua đó, các học viên tham dự lớp tập huấn có sự trao đổi rất sôi nổi, chia sẻ và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn góp phần vào việc tăng hiệu quả trồng nấm sò tại hộ gia đình mình.
Nấm sò được trồng trên các chất liệu như rơm, bã mía, mùn cưa hoặc hỗn hợp chất hữu cơ. Nấm sò có thể trồng quanh năm nhưng thuận lợi nhất từ tháng 9 năm trước tới tháng 4 năm sau. Hiệu quả của mô hình trồng nấm sò phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kỹ thuật trồng, quản lý, điều kiện môi trường và chất lượng nguồn nấm, ngoài làm thực phẩm tốt cho sức khỏe, nấm còn được sử dụng để làm thuốc hỗ trợ điều trị các loại bệnh như kiểm soát ung thư, giảm hàm lượng cholesterol trong máu, giảm thiểu lượng đường hấp thu vào cơ thể. Một số hiểu quả mà mô hình trồng nấm đem lại như: Năng suất cao; giúp tiết kiệm không gian; đảm bảo yếu tố môi trường; không sử dụng đất; tận dụng được nguồn nguyên liệu tái tạo giúp giảm bớt tác động tiêu cực đến môi trường và có tính bền vững.
Ngoài ra, xét về hiệu quả kinh tế, thu nhập từ trồng nấm sò đem lại cao gấp 3 lần việc trồng lúa. Chia sẻ tại lớp tập huấn, ông Nguyễn Trọng Lực, Phó GĐ Trung tâm Khoa học, Công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên - Giảng viên lớp học cho biết: “Nấm sò được người tiêu dùng sử dụng rất nhiều trong nhu cầu thức ăn hằng ngày. Việc chuyển giao quy trình kỹ thật sản xuất nấm sò giúp tận dụng thời gian nhàn rỗi, gia tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, bên cạnh đó tiết kiệm diện tích nuôi trồng và tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa để trồng nấm giúp mang lại nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng”.
Tham gia lớp tập huấn, đồng thời được thực hành các kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm sò ngay tại hiện trường nên các nội dung lớp học được học viên đánh giá cao về phương pháp, tính hiệu quả thiết thực và dễ ứng dụng vào thực tế. Qua lớp tập huấn, bà con nắm được cách thiết kế nhà trồng nấm về điều kiện nhà trồng, quy mô xây dựng phù hợp với số lượng phôi nấm cần đưa vào nuôi trồng; Quy trình sản xuất bịch phôi nấm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách phòng trừ côn trùng, sâu bệnh, thu hoạch đúng kỹ thuật nhằm bảo quản và tận dụng phôi nấm cho các lứa sinh trưởng sau, giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cũng được nâng lên.
Ông Huỳnh Khương, nông dân xã Hòa Bình 1, học viên lớp tập huấn chia sẻ: “Qua 03 ngày học tập và thực hành tại lớp tập huấn, được truyền đạt lượng kiến thức và thực hành thực tế giúp bà con tiếp thu rất hiệu quả quy trình kỹ thật trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm sò. Phải nói rằng, đây là mô hình sản xuất hiệu quả giúp tận dụng được thời gian nhàn rỗi, bà con sẽ mạnh dạn triển khai áp dụng tại hộ gia đình và nhân rộng mô hình để có thêm thu nhập trong cuộc sống”.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của bà con và hiệu quả mà lớp tập huấn đem lại, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục tổ chức nhiều lớp tập huấn ngay tại hiện trường với nội dung phong phú, đa dạng để chuyển giao những tiến bộ khoa học mới trong sản xuất nông nghiệp đến với bà con nhằm gia tăng kinh tế hộ gia đình và góp phần vào việc phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà./.