Một mô hình chăn nuôi đáng để học tập

Thứ hai - 13/12/2021 23:16
Trong chuyến công tác về xã Hòa Tân Đông, thị xã Đông Hòa để tổ chức lớp tập huấn tại hiện trường, chúng tôi được giới thiệu đến tham quan trang trại của gia đình anh Trương Đình Quý, thôn Vĩnh Xuân, xã Hòa Tân Đông, thị xã Đông Hòa và cho biết tại hộ gia đình anh hiện đang làm rất giỏi nghề nuôi vỗ béo trâu, bò.
Khi chúng tôi tỏ ý muốn học tập về nghề nuôi vỗ béo trâu của gia đình mình, anh Quý pha trò: “Nhà tui hiện đang nuôi đàn trâu. Cách nuôi trâu của nhà tôi rất khác cách nuôi của thiên hạ. Người ta thường nuôi trâu ở những vùng đầm lầy, sinh lầy trên đồng ruộng, riêng tôi thì nuôi trâu trên cát, nuôi trong chuồng, nuôi chủ yếu để vỗ béo”

image001 1
Anh Trương Đình Quý giới thiệu chuồng nuôi vỗ béo trâu, bò của gia đình mình
 
 Đây là năm thứ 3 gia đình anh làm nghề nuôi vỗ béo trâu, anh cho biết trong một lần đi mua bò về vỗ béo, anh tình cờ mua được một con trâu. Qua một thời gian nuôi vỗ béo, anh thấy con trâu rất dễ nuôi, mau lớn, mới có 3 tháng mà đã có người đến hỏi mua, trả giá. Thấy được giá nên anh bán và tiếp tục mua trâu về nuôi vỗ béo. Anh nhận thấy con trâu dễ nuôi, chi phí ăn uống vỗ béo thấp hơn bò, khi bán lại được giá hơn nên  hiện nay gia đình anh nuôi vỗ béo cả trâu và bò. Trong thời điểm dịch bệnh Covid như hiện nay, con bò rất khó tiêu thụ, bị mất giá trong khi đó con trâu rất dễ bán, lại được giá hơn.

Hiện trang trại gia đình anh với diện tích gần 1 ha đất được anh thiết kế các khu vực chăn nuôi tổng hợp, vừa có chuồng trại vỗ béo trâu, bò, chuồng nuôi dê, vừa khu vực nuôi trùn quế để sử dụng phân của trâu, bò, dê và khu vực khoảng 5 sào đất để trồng cỏ VA06, bắp sinh khối ủ chua làm thức ăn chăn nuôi vỗ béo cho trâu bò.
 
image004
Thức anh xanh ủ chua và khu vực nuôi trùn quế tại trang trại chăn nuôi hộ anh Trương Đình Quý
 
Cách sản xuất của anh cũng rất hay, trồng cỏ VA06, thu hoạch thân lá trái cây bắp băm nhỏ để ủ chua làm thức ăn nuôi vỗ béo trâu, bò, dê. Phân của trâu, bò, dê thải ra anh thu gom sử dụng lại làm thức ăn cho trùn quế. Nước thải từ việc xịt rửa chuồng nuôi trâu, bò anh xây hồ chứa và dùng mô tơ bơm tưới cho ruộng cỏ, bắp nên anh tiết kiệm được chi phí phân bón. Phân trùn quế thu hoạch được, anh ký hợp đồng bán cho công ty bao tiêu với giá 2.000 đồng/kg, mỗi năm anh bán ra khoảng 40 tấn phân trùn quế. Tiền bán phân trùn anh dùng để mua thêm thức ăn tinh vỗ béo trâu, bò và tiếp tục mua trâu, bò về vỗ béo. Tiền bán trâu, bò sau thời gian nuôi vỗ béo được tính là khoản lãi của gia đình anh. Tính toán hiệu quả kinh tế, anh Quý cho biết cứ mỗi con trâu, bò nuôi vỗ béo thì mỗi tháng anh lãi khoảng 1 triệu đồng. Anh nuôi vỗ béo theo lứa, mỗi lứa khoảng từ 5-7 con, sau khi bán hết lứa này thì anh tiếp tục mua lứa khác về nuôi vỗ béo.

Chia sẻ kinh nghiệm của anh trong việc nuôi vỗ béo cho trâu, bò, anh Quý cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, do dịch bệnh kéo dài nên việc tiêu thụ rất khó khăn, người chăn nuôi dễ bị lỗ vốn. Vì vậy trong chăn nuôi vỗ béo cần lưu tâm đến chế biến thức ăn bằng việc sử dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương như cám, sắn, bắp, bột cá, hèm nha… pha trộn lại thành thức ăn nuôi thì mới hạ giá thành thức ăn và nâng cao được chất lượng thức ăn trong chăn nuôi vỗ béo. Ngoài ra anh còn tận dụng những cây phế phẩm tại địa phương như thân cây bắp, cây đậu phộng… phơi khô để làm thức ăn cho trâu, bò trong những tháng mùa mưa. Mặt khác chăn nuôi vỗ béo chủ yếu là lấy công làm lời nên người chăn nuôi cần phải nuôi với số lượng lớn thì mới có lãi.

Tác giả bài viết: Huỳnh Thúc Khoa - Trạm KN thị xã Đông Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây