Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch Covid 19 kéo dài, nhưng tập thể viên chức, người lao động đơn vị Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên vẫn cố gắng vượt khó khăn và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao. Một số mô hình, chương trình triển khai trong năm 2021 đạt hiệu quả như:- Mô hình sản xuất lúa chất lượng: Qui mô 30 ha/114 hộ, triển khai tại xã Hòa Phú và Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa. Năng suất thực thu của mô hình đạt trên 74 tạ/ha, hiệu quả kinh tế của mô hình lãi hơn so với sản xuất lúa đại trà trong vùng khoảng 10.000.000 đồng/ha. Thông qua việc thực hiện mô hình, các địa phương đã liên kết với cơ sở xay sát Tú Loan tham gia bao tiêu toàn bộ lúa sau khi thu hoạch với giá mua chênh lệch so với ngoài mô hình 1.100 đồng.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm
Mô hình cơ giới hóa hỗ trợ máy thái cỏ: Quy mô: 27 máy, số hộ tham gia: 27 hộ tại các xã: Suối Bạc (huyện Sơn Hòa); An Thọ (huyện Tuy An) và Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) với mục đích đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, góp phần làm thay đổi tập quán từ phương thức thủ công sang sản xuất bằng máy, sử dụng máy thái cỏ giúp hộ chăn nuôi tiết kiệm được thời gian lao động cũng như nguồn nhân lực sản xuất. Cây mít trồng được 24 tháng trong mô hình trồng thâm canh cây mít triển khai tại hộ ông Lưu Hoàng Việt, thôn Suối Phẩn, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa
Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo: Qui mô 128 con/66 hộ, triển khai tại xã Hòa Tân Đông (TX. Đông Hòa) và Xuân Thọ 2 (TX. Sông Cầu). Kết quả tăng trọng bình quân đạt từ 755 - 866 gam/con/ngày, hiệu quả kinh tế mô hình đạt trên 4 triệu đồng/con với thời gian nuôi trên 90 ngày.
Mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm
Dự án Khuyến nông Trung ương “Phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học giai đoạn 2020-2022” triển khai tại xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. Quy mô 5.300 con, tỷ lệ sống 95%, trọng lượng bình quân 2,7 kg/con, tiêu tốn thức ăn 2,73 kg/kg tăng trọng.Mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể (chuyển tiếp năm 2020): Theo kết quả đánh giá cho thấy tỷ lệ sống khoảng 76-82%, kích cỡ khoảng 250-310 g/con. Với sản lượng thu hoạch đạt 3.555 kg, với giá bán 120.000 đ/kg sẽ cho tổng thu đạt 426.600.000 đồng, lợi nhuận dự kiến đạt trên 86.000.000 đ/250m2. Với hiệu quả đạt được, mô hình góp phần phát triển nghề nuôi lươn thương phẩm tại địa phương, tận dụng được công lao động nhàn rỗi và diện tích sân vườn trống để phát triển nghề nuôi lươn không bùn, đồng thời một số hộ dân tham gia mô hình đã nghiên cứu cho sinh sản lươn giống thành công và cung cấp con giống cho thị trường trong tỉnh.
Mô hình sử dụng máy thái cỏ giúp tiết kiệm công lao động
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã triển khai 19 lớp tập huấn phổ cập, tại hiện trường cho 654 lượt nông dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh tham dự, đồng thời giúp cho lãnh đạo tỉnh tổ chức Hội thảo nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của cây mía trên địa bàn tỉnh, chủ đề “ Để mía không đắng” với hình thức vừa trực tuyến vừa trực tiếp với hơn 100 đại biểu trực tuyến và 50 đại biểu trực tiếp tại Hội trường VNPT Phú Yên.Với những cố gắng trên trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc triển khai, phát động nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giai đoạn 2019-2021; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT công nhận danh hiệu “lao động tiên tiến” cho 6 tập thể và 30 cá nhân, tặng Giấy khen cho 3 tập thể và 9 cá nhân có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, Công đoàn cơ sở Sở Nông nghiệp và PTNT cũng tặng Giấy khen cho tập thể Công đoàn bộ phận Trung tâm Khuyến nông và 5 đoàn viên công đoàn xuất sắc.Trong năm 2022, Trung tâm tiếp tục xây dựng các chương trình, mô hình dự án khuyến nông, khuyến ngư, chú trọng việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng cường lợi nhuận cho bà con nông dân phục vụ mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, với các mô hình, chương trình:Về lĩnh vực khuyến nông gồm các mô hình: Sản xuất lúa chất lượng, Chăn nuôi bò vỗ béo, Cơ giới hóa hỗ trợ máy thái cỏ, Hỗ trợ máy ép viên thức ăn chăn nuôi, Hỗ trợ công cụ gieo hạt, Máy làm đất đa năng, Thâm canh sắn bền vững, Trồng thâm canh mía, Tưới nhỏ giọt quấn gốc cho cây ăn quả các loại, Tưới nhỏ giọt theo hàng cho cây ăn quả, cây công nghiệp các loại và Dự án Phát triển mô hình chăn nuôi giống vịt biển đảm bảo an toàn sinh học giai đoạn 2020-2022.Về lĩnh vực khuyến ngư gồm các mô hình: Nuôi chình thương phẩm trong bể, Nuôi cua biển thương phẩm, Nuôi lươn thương phẩm, Nuôi cá mú (cá song) thương phẩm trong ao đất.Về lĩnh vực thông tin đào tạo: Tổ chức các lớp tập huấn phổ cập nông nghiệp, tập huấn tại hiện trường cho nông dân tại các địa phương trong tỉnh, Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề nông nghiệp cho nông dân tại địa phương nhằm giới thiệu, phổ biến các chương trình, mô hình khuyến nông đạt hiệu quả đến nông dân để được lan tỏa và nhân rộng vào sản xuất cho bà con nông dân, Duy trì hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp Khuyến nông Phú Yên và tiếp tục duy trì chương trình Bạn nhà nông phát trên sóng truyền hình và các chuyên mục Khuyến nông trên sóng phát thanh và báo viết báo Phú Yên.Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Văn Tuấn, giám đốc Trung tâm định hướng: Năm 2022 đang đến với nhiều cơ hội cũng như khó khăn thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Vừa đảm bảo thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước trong việc tinh giản, sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tăng cường hiệu quả trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; đồng thời bám sát các chủ trương, giải pháp của ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh khi xác định sống chung với Covid-19 …
Hội nghị viên chức, người lao động Trung tâm Khuyến nông năm 2022
Từ yêu cầu thực tiễn và những đòi hỏi nêu trên, để thực hiện thành công kế hoạch Khuyến nông năm 2022, từng viên chức, người lao động thuộc Trung tâm Khuyến nông cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; đặc biệt cần có những đổi mới về tư duy, cách tiếp cận, cách làm trong hoạt động khuyến nông. Người làm công tác khuyến nông phải “có kiến thức chuyên môn; có kỹ năng truyền đạt, triển khai, hoàn thành nhiệm vụ đạt chất lượng, đúng thời gian và có thái độ làm việc tích cực.
Đồng thời, người làm công tác Khuyến nông cần làm tốt vai trò cầu nối giữa KHCN và sản xuất, giữa sản xuất và thị trường, kết nối cung cầu, hội nhập, ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh và cải tiến các hoạt động thông tin tuyên truyền, làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin phục vụ SXNN, xây dựng nông thôn mới, xây dựng OCOP …; tăng cường trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau giữa các địa phương, đơn vị. Người làm công tác khuyến nông hiện nay ngoài việc gần nông dân, sát cơ sở, cần phải gắn kết các doanh nghiệp nông nghiệp, nắm bắt thị trường để hướng dẫn nông dân trong tiêu thụ nông sản.
Có những đổi mới như vậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2022, đóng góp một phần công sức giúp cuộc sống của bà con nông dân trong tỉnh thêm ấm no, bộ mặt của nông thôn thêm đổi mới.