Theo ông Câu cho hay: Trước đây, nhà có nuôi gà nòi và con giống mua lại các bạn bè, đồng nghiệp; gà khi lớn được bán cho các thương lái. Nhận thấy con giống không ổn định, giá cả lên xuống bấp bênh, ông Câu đã tìm tòi học hỏi và đến cuối năm 2019, ông đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng nuôi cho gà mẹ nuôi con với diện tích 400 m2 , nền chuồng được đổ lớp cát dày khoảng 7-9 cm và nhà nuôi gà trưởng thành khoảng 100 m2 . Gà trưởng thành được nuôi riêng biệt trong các ô xây bằng gạch kích thước khoảng 90x90cm, khi “xây xổ” (nuôi gà lớn riêng) thì nuôi nhốt trong giỏ sắt.
Gà con nở ra được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin như dịch tả, tụ huyết trùng,…, được gà mẹ dẫn nuôi 2 tháng. Gà sau 3 tháng nuôi, ông chọn con trống và mái nuôi riêng; đối với gà trống chọn những con có ngoại hình cân đối và đẹp được nuôi riêng từng chuồng. Khi gà được 8 tháng tuổi thì tiến hành “xây xổ” để chọn những con gà trống hay còn gà mái nuôi theo hướng thịt.
Nhà ông Câu trồng 01 ha lúa để làm lương thực ăn và có thức ăn nuôi gà. Ông cho biết mỗi năm lượng lúa cho đàn gà ăn hết khoảng 5 tấn lúa thịt.
Gà trống đến thời điểm xuất chuồng có trọng lượng từ 3,0-3,6 kg được bán cho các thương lái ở các tỉnh Tây Nguyên, hoặc xuất bán sang Trung Quốc. Mỗi tháng ông xuất bán khoảng 15 con gà trống, với giá bán khoảng 3.000.000 đồng/gà trống. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng ông còn lãi được hơn 10 triệu đồng/ tháng. Hiện đàn gà bố mẹ của ông sinh sản tốt, mỗi năm cung cấp từ 100-150 con gà giống chọi trưởng thành, số gà còn lại không đạt tiêu chuẩn được ông bán tiêu thụ tại địa phương.Tổng thu nhập từ bán gà chọi của ông trong một năm đạt khoảng 320.000.000 đồng.
Theo bà Trần Thị Nguyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Hòa đây là một hướng chăn nuôi mới mang lại hiệu kinh tế cao, ổn định, góp phần đa dạng hóa vật nuôi trên địa bàn huyện.